Lệch lạc dạy kỹ năng sống: Không phải là một môn học 'cấp tốc'

13/08/2019 07:06 GMT+7

Khi khái niệm 'kỹ năng sống' trở thành thời thượng cũng kéo theo hàng loạt chương trình đào tạo kỹ năng sống nở rộ khắp nơi. Nhưng việc đào tạo này hiện không tuân theo một quy chuẩn nào.

Cứ đến dịp hè, các chương trình dạy kỹ năng sống cho trẻ được quảng cáo tràn lan trong thời gian học 4 - 8 tuần với giá không hề rẻ khiến phụ huynh hoang mang không biết nơi nào thật sự chất lượng.

Chất lượng khó kiểm soát

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, sống tại chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết: “Trước khi con được nghỉ hè, tôi thấy trong cặp sách của con vài ngày lại có một tờ rơi quảng cáo các chương trình dạy kỹ năng sống. Các khóa học quảng cáo rất hay về chương trình như giúp trẻ tự tin, độc lập, biết quản lý cảm xúc bản thân, giao tiếp hiệu quả... Có nơi học phí là 3 - 4 triệu đồng trong 4 tuần, có nơi dạy theo tháng và mỗi tháng là 3,8 triệu đồng...”. Chị Thủy đăng ký cho con học tại một trung tâm cách nhà 2 km, có camera để theo dõi con hằng ngày. Qua hình ảnh, chị Thủy thấy các bé 5 tuổi học chung với các anh chị 9 - 10 tuổi, với các hoạt động như đọc sách, lên sân thượng chăm cây, học tiếng Anh, tập yoga, chơi trò chơi, tắm ở hồ bơi... Chị Thủy nhìn nhận: “Thực sự là tôi thấy giống như một chỗ trông trẻ nhiều hơn”.
Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), cho rằng các cơ sở đào tạo kỹ năng sống cho trẻ mọc lên ngày càng tràn lan với chất lượng khó kiểm soát. “Lý do là vì có những cơ sở chỉ xin giấy phép thành lập doanh nghiệp từ Sở KH-ĐT với lĩnh vực kinh doanhgiáo dục, rồi tự thiết kế các khóa học, tự xây dựng chương trình rồi cứ thế hoạt động mà không thông qua Sở GD-ĐT thẩm định, không thông qua bất cứ cơ quan chuyên môn nào. Nội dung có đảm bảo tính khoa học và phù hợp hay không là rất quan trọng”, tiến sĩ Điệp nói.

Loạn chuyên gia

Theo tiến sĩ Đỗ Tất Thiên, Khoa Tâm lý học (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), hiện nay “mảnh đất” kỹ năng sống, kỹ năng mềm rất màu mỡ và đánh trúng tâm lý các bậc cha mẹ. Vì vậy, trung tâm mở ra rầm rộ nhưng nhiều nơi chỉ tập trung lợi nhuận. Hiện một số giáo viên tự vạch ra kỹ năng để dạy nhưng chính bản thân giáo viên không phân biệt được đâu là kỹ năng sống, đâu là kỹ năng mềm, đâu là giá trị đạo đức. Vì vậy, họ đặt ra các tên rất kêu, thu hút để phụ huynh đến đăng ký cho con.
“Hiện nay có 2 xu hướng. Một là các trung tâm khiến học sinh đến vui vẻ, nhảy múa, hát hò, nhưng không lắng được chiều sâu, kỹ năng. Hai là hoạt động mà rất nhiều nơi sử dụng phổ biến là lấy nước mắt của học trò. Điều này hình thành cho học trò kỹ năng, giá trị, chuẩn mực hành vi đạo đức gì gì thì họ không phân biệt được”, tiến sĩ Thiên nói.
Theo tiến sĩ Thiên, cần triển khai mang tính hệ thống về luật định, văn bản hướng dẫn, kiểm tra giám sát về việc dạy kỹ năng sống. Cần phải có bộ tiêu chí riêng cho lĩnh vực này. Hiện tại TP.HCM có 1 lớp học cấp chứng chỉ nhưng các tỉnh, thành khác thì không có. Người dạy kỹ năng sống cần được tốt nghiệp qua lớp này hoặc tốt nghiệp các chuyên ngành về tâm lý học, giáo dục học mới được đứng lớp.

Không thể "lột xác" chỉ trong vài ba buổi học

Là một chuyên gia có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo và phát triển con người, bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, đồng sáng lập và Chủ tịch The Caterpies (tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực giáo dục), chia sẻ: “Kỹ năng sống không phải là một môn học cấp tốc. Lâu nay, khi con có những biểu hiện bất ổn trong tính cách hoặc gặp phải những khó khăn trong học tập, cuộc sống do thiếu kỹ năng mềm, nhiều phụ huynh thường đưa con đến các trung tâm kỹ năng sống như một giải pháp”.
Cũng theo bà Phương, phụ huynh thường có tâm lý muốn con phải đạt được sự thay đổi ngay lập tức, càng nhanh càng tốt mà “quên mất rằng” việc thay đổi một thói quen, thay đổi tính cách của một con người là việc chẳng thể đạt được trong một sớm một chiều mà cần có thời gian, có sự kiên trì rèn luyện. Nhiều trung tâm tận dụng tâm lý nôn nóng này của phụ huynh, đưa ra những chương trình với tên gọi rất kêu, những lời hứa hẹn sẽ giúp trẻ "lột xác" chỉ trong vài ba buổi học.
Vì thế, khi tham vấn, bà Uyên Phương thường nói thẳng thắn với phụ huynh rằng chỉ trong vài tuần không thể biến trẻ thành một con người khác.
Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Dục Quang, Viện Khoa học giáo dục, cũng khẳng định: “Làm sao trong tuần có thể học được kỹ năng sống. Kỹ năng sống là gắn với tình huống cụ thể, thách thức trong cuộc sống hằng ngày bắt buộc vận dụng hiểu biết, tri thức cơ bản, vốn kinh nghiệm sống, từng trải để giải quyết”. (còn tiếp)

Ngô nghê dạy kỹ năng sống

Hiện nay có quá nhiều chuyên gia, nhiều trung tâm dạy về kỹ năng sống, và bất kỳ ai cũng có thể trở thành chuyên gia... Tuy nhiên, cách hướng dẫn của họ nhiều khi rất ngô nghê, phản khoa học.
Chẳng hạn bác sĩ hay bị người nhà bệnh nhân đánh, bèn dạy võ cho bác sĩ. Cả bệnh viện được tập huấn võ thuật 1 buổi. Kết quả: Có thể khi gặp sự cố càng bị đánh bầm dập hơn.
Khi xảy ra đám cháy, dạy rằng nước trong bồn cầu có thể là cứu cánh. Trong đám cháy, nhiệt độ có thể lên đến 1.000 độ C, cả hồ nước hàng trăm khối cũng bị sôi lên, vào toilet chết chắc...
Trẻ em khi gặp kẻ xâm hại tình dục, dạy đánh vào hạ bộ của hắn. Xin thưa, người lớn đánh vào hạ bộ người khác còn khó, đừng nói gì trẻ em, làm như vậy càng nguy hiểm hơn.
Dạy trẻ dùng bình cứu hỏa, vật dụng thông thường để dập lửa. Kết quả: 3 em bị phỏng nặng...
TS Đoàn Văn Báu 
(Phó trưởng khoa tâm lý Trường ĐH An ninh Nhân dân)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.