Theo PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội, qua quá trình lọc ảo trong 2 ngày qua cho thấy, nhiều khả năng điểm chuẩn của các ngành thuộc Trường đại học Bách khoa Hà Nội sẽ không khác là bao so với dự đoán điểm chuẩn mà nhà trường đưa ra trước khi thí sinh thay đổi nguyện vọng.
Đặc biệt là với những ngành được dự đoán điểm chuẩn ở mức cao (khoảng 24 điểm trở lên). Không có ngành nào tăng đến 3 điểm so với năm 2018. Nhóm ngành điểm chuẩn tăng cao nhất (công nghệ thông tin) cũng chỉ tăng từ 2 - 2,5 điểm.
Chẳng hạn, nhóm ngành lĩnh vực công nghệ thông tin vẫn sẽ là những ngành có điểm chuẩn cao nhất, với mức điểm chuẩn ngành cao nhất có thể lên tới 27,5 điểm.
Nhưng ở những ngành được dự đoán điểm chuẩn thấp hơn, điểm chuẩn các ngành nhìn chung sẽ nằm ở ngưỡng trên trong khung dự đoán (ví dụ nếu đã được dự đoán ở mức 21 - 22 thì xác suất cao là điểm chuẩn các ngành trong khung này sẽ nằm sát ngưỡng 22). Nhóm ngành khoa học vật liệu, vật lý kỹ thuật... dự kiến khoảng 21 điểm, hoặc hơn 21 điểm.
Đặc biệt, có một số ngành, trường dự đoán điểm chuẩn ở mức 19 - 20 thì nay có thể mạnh dạn khẳng định, sẽ không có ngành nào điểm chuẩn nằm dưới mức 20 điểm. “Cũng sẽ có rất ít ngành điểm chuẩn 20, với lượng chỉ tiêu không đáng kể so với con số 6.600 chỉ tiêu của trường”, PGS Tớp nói.
GS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, cũng cho biết dự đoán điểm chuẩn các ngành bác sĩ của trường sẽ cao hơn đáng kể so với năm ngoái. Chẳng hạn, ngành y khoa học tại Hà Nội sẽ trong khoảng 26,5 - 27 điểm; học tại Thanh Hóa thì thấp hơn mức này 1 - 2 điểm. Nhưng một số ngành cử nhân điểm chuẩn cũng sẽ không cao, chẳng hạn y tế công cộng sẽ chỉ khoảng 18 - 19 điểm.
TS Nguyễn Đào Tùng, Trưởng ban Đào tạo Học viện Tài chính, cho biết dự kiến điểm chuẩn tăng hơn 1 điểm so với năm 2018. Năm 2018 là 19,75 thì năm nay khoảng 20,75 hoặc 21 điểm là ngành thấp nhất.
Cũng theo TS Nguyễn Đào Tùng, năm nay, các trường đại học đều đẩy mạnh phương thức xét tuyển kết hợp như kết quả học tập cộng với chứng chỉ tiếng Anh, nên số thí sinh ảo bằng hình thức xét tuyển này ở học viện tương đối cao. Học viện có khoảng hơn 6.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng học sinh giỏi và trong số này, có 3.700 hồ sơ đạt yêu cầu nhưng chỉ có gần 2.000 thí sinh đến xác nhận nhập học.
“Các trường top trên như Ngoại thương, Kinh tế quốc dân (cùng hệ thống khối ngành kinh tế) năm nay cũng dành nhiều chỉ tiêu để xét tuyển thẳng kết hợp nên một lượng lớn thí sinh có học lực giỏi, có chứng chỉ tiếng Anh “chảy” về những trường này, dẫn tới tỷ lệ ảo ở Học viện Tài chính năm nay nhiều hơn những năm trước”, TS Nguyễn Đào Tùng nói.
Theo PGS Trần Văn Tớp, năm nay Trường đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục giữ vai trò chủ trì, chịu trách nhiệm cung cấp hạ tầng và chạy phần mềm lọc ảo giúp nhóm xét tuyển miền Bắc (gồm 53 trường).
“Mỗi buổi trường cho chạy 2 lần. Buổi sáng, lần 1 chạy lúc 7 giờ 30, lần 2 lúc 10 giờ 30, đến 11 giờ 30 thì chuyển lên hệ thống lọc ảo của Bộ GD-ĐT. Buổi chiều, lần 1 lúc 13 giờ 30, lần 2 lúc 15 giờ 30, cuối buổi chiều lại tiếp tục chuyển kết quả lên hệ thống chung. Như vậy, sau 2 ngày thì trên toàn hệ thống chạy lọc ảo được 4 lần. Ngày mai, 8.8, quy trình sẽ tiếp tục như hôm nay, lần cuối cùng nhập lên hệ thống lúc 17 giờ”, PGS Tớp cho biết.
PGS Tớp cũng cho biết, tuy trường chịu trách nhiệm chạy phần mềm lọc ảo giúp cả nhóm nhưng trường hoàn toàn không biết gì về thông tin của các trường khác, mà chỉ có thông tin và xử lý thông tin của trường mình.
Tuy nhiên, sau 5 giờ chiều mai, nếu trường nào trong nhóm ủy quyền, Bách khoa Hà Nội sẽ giúp trường đó công bố lên hệ thống chung quyết định điểm chuẩn của trường đó, kèm theo là dữ liệu thí sinh nằm trong danh sách trúng tuyển (để giúp thí sinh liên quan tra cứu kết quả xét tuyển).
|
Bình luận (0)