Trường ĐH dạy trực tuyến không quá 20% tín chỉ chương trình đào tạo

Quý Hiên
Quý Hiên
30/04/2020 07:58 GMT+7

Các trường ĐH được phép tổ chức dạy trực tuyến với các khóa đào tạo ĐH chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2, nhưng không quá 20% số tín chỉ của chương trình đào tạo.

Đây là nội dung mới trong dự thảo Quy chế đào tạo ĐH mà Bộ GD-ĐT vừa công bố để lấy ý kiến trước khi ban hành chính thức. Quy chế này nếu được ban hành sẽ áp dụng với các khóa đào tạo ở trình độ ĐH trong các cơ sở giáo dục đào tạo trình độ ĐH, không áp dụng đối với hình thức đào tạo từ xa trình độ ĐH, liên kết đào tạo cấp bằng nước ngoài.
Một trong những nét mới nổi bật được đưa vào dự thảo quy chế là quy định về sắp xếp sinh viên (SV) và tổ chức hoạt động giảng dạy của trường ĐH. Theo đó, tùy tình hình thực tế của trường, thủ trưởng cơ sở đào tạo chỉ đạo sắp xếp thời khóa biểu cho các lớp và quy định cụ thể thời gian hoạt động giảng dạy của trường theo các quy định hiện hành.
Trên cơ sở bảo đảm các điều kiện để tổ chức giảng dạy trực tuyến theo quy định của Bộ GD-ĐT, việc tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến không được vượt quá 20% số tín chỉ của chương trình đào tạo.

Sinh viên có được chuyển trường ?

Theo dự thảo, SV được xét chuyển trường nếu đáp ứng các yêu cầu: xin chuyển đến trường có cùng ngành hoặc thuộc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo mà SV đang học; được sự đồng ý của trường xin chuyển đi và trường xin chuyển đến.
SV không được phép chuyển trường trong các trường hợp sau: không đáp ứng điều kiện trúng tuyển của ngành học hoặc chương trình đào tạo tương ứng của trường xin chuyển đến; đang trong thời gian bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên; SV năm thứ nhất và năm cuối khóa. Trường ĐH có SV xin chuyển đến quyết định việc học tập tiếp tục của SV, công nhận các học phần được chuyển đổi kết quả và số học phần phải học bổ sung, trên cơ sở so sánh chương trình đào tạo của trường SV xin chuyển đi và trường xin chuyển đến.
Trong thời gian đang học, trong một số trường hợp, nếu có nhu cầu, SV được quyền viết đơn xin nghỉ học tạm thời và bảo lưu kết quả đã học. Chẳng hạn như SV được điều động vào lực lượng vũ trang; bị ốm, thai sản hoặc tai nạn phải điều trị thời gian dài, nhưng phải có giấy xác nhận của cơ quan y tế cấp huyện trở lên... SV cũng có thể xin nghỉ học tạm thời và bảo lưu kết quả vì các lý do cá nhân khác, nhưng các em phải học ít nhất 1 học kỳ ở trường, không rơi vào các trường hợp bị buộc thôi học, đồng thời, phải đạt điểm trung bình tích lũy không dưới 2.0 (thang điểm 4).

Được học cùng lúc 2 chương trình

SV theo học các khóa đào tạo ĐH hệ chính quy được phép học cùng lúc 2 chương trình, kể cả được tổ chức học theo tín chỉ hay theo niên chế. Tuy nhiên, phải đáp ứng đủ điều kiện. Trong quá trình SV học cùng lúc 2 chương trình, nếu điểm trung bình tích lũy của chương trình thứ nhất đạt dưới 2.0 và thuộc diện cảnh báo học tập thì phải dừng học chương trình thứ hai ở học kỳ tiếp theo.
Nếu học theo tín chỉ, khi học chương trình thứ hai, SV được bảo lưu điểm của những học phần có nội dung và khối lượng kiến thức tương đương có trong chương trình thứ nhất. SV chỉ được xét tốt nghiệp chương trình thứ hai, nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp ở chương trình thứ nhất. Còn với SV học theo niên chế, thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định cụ thể việc bảo lưu điểm của những học phần có nội dung và khối lượng kiến thức tương đương có trong chương trình thứ nhất.
Quy chế chưa quy định hình thức xử phạt sinh viên gian lận kết quả thi đầu vào
Thực tế, trong thời gian gần đây, một số trường ĐH đã gặp phải tình huống SV có kết quả thi đầu vào tuyển sinh liên quan tới gian lận điểm thi, sau khi bị phát hiện, điểm thi của SV được trả về điểm thật nhưng SV vẫn đủ điểm trúng tuyển. Theo quy chế đào tạo hiện hành, trường ĐH không có cơ sở xử lý, vì thế, các trường hợp này SV vẫn được theo học tiếp, gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội. Nhưng trong dự thảo quy chế mới, vấn đề này vẫn không được đặt ra để xử lý.
Dự thảo quy chế đào tạo ĐH quy định, trong khi kiểm tra thường xuyên, thi giữa học phần, thi kết thúc học phần bảo vệ đồ án, khóa luận, nếu vi phạm quy chế, SV sẽ bị xử lý kỷ luật đối với từng học phần đã vi phạm. SV thi hộ hoặc nhờ người thi hộ đều bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập 1 năm đối với trường hợp vi phạm lần thứ nhất và buộc thôi học đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai. Người học sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả sẽ bị buộc thôi học. Nếu phát hiện sau khi cấp bằng thì thủ trưởng cơ sở đào tạo thu hồi, hủy bỏ bằng đã cấp đối với người vi phạm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.