Ngày 30.3, Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông, Trường ĐH Văn Lang đã tổ chức Hội thảo "Truyền thông trong thời đại 4.0 và đại dịch Covid-19". Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu về truyền thông, marketing hiện nay.
Lập sàn thương mại điện tử chống hoảng loạn
Ông Mã Thanh Danh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn KIDO, chia sẻ về chinh phục cơn hoảng loạn của người dân trong dịch Covid-19. Những ảnh hưởng của dịch bệnh khiến rất nhiều doanh nghiệp ảnh hưởng, người dân ảnh hưởng... và nó dẫn đến nhiều người nảy sinh tâm lý bất an. Nhiều người đổ xô đi mua sắm, trữ hàng vì Covid-19. Theo Paul Marsden, một nhà tâm lý học tiêu dùng tại ĐH Nghệ thuật London (Anh), câu trả lời ngắn gọn có thể được tìm thấy trong cuốn "Liệu pháp bán lẻ", vốn giải thích tình trạng tâm lý này là vì "chúng ta mua hàng để tìm cách bình ổn trạng thái cảm xúc trong mỗi chúng ta".
Vì vậy, trong đợt dịch Covid-19 năm 2020, ông Mã Thanh Danh, lúc đó là Tổng giám đốc Công ty tư vấn và đầu tư quốc tế CIB, đã hợp tác cùng VNSHOP ra mắt sàn hàng hoá thương mại điện tử chống hoảng loạn. Tất cả các sản phẩm được bán trên sàn TMĐT này sẽ được giữ mức giá bình ổn trong suốt mùa dịch và được khuyến cáo người dân mua với số lượng vừa phải, phù hợp với nhu cầu, tránh tích trữ không cần thiết gây lãng phí xã hội. Người tiêu dùng được đảm bảo luôn luôn có thể mua được các mặt hàng nhu yếu phẩm, sản phẩm bảo vệ sức khỏe, hàng tiêu dùng, với mức giá bình ổn và nhận được hàng giao trong vòng 3 giờ.
|
"Sự thay đổi không quan trọng. Quan trọng là thái độ của chúng ta trước sự thay đổi. Chọn những cách truyền thông để chinh phục cơn hoảng loạn là điều rất cần thiết trong những biến cố như đại dịch Covid-19", ông Mã Thanh Danh chia sẻ.
Chia sẻ tại Hội thảo, tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cũng cho biết không những chinh phục tốt cơn hoảng loạn, truyền thông Việt Nam trong đại dịch Covid-19 luôn luôn chủ động, sử dụng nhiều hình thức, kịp thời cung cấp thông tin, góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa, kiểm soát dịch tại Việt Nam, được Chính phủ và nhân dân Việt Nam ghi nhận; đồng thời góp phần tạo được uy tín của Việt Nam đối với dư luận quốc tế.
Cụ thể, theo điều tra của Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), 84% người được hỏi đánh giá cao công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về phòng, chống Covid-19. Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết từ ngày 1.2 - 31.5.2020, báo chí đã đăng tải tổng số 560.048 tin, bài về dịch Covid-19, trong đó, về sắc thái, tin tích cực chiếm tỷ lệ 41,96%, trung lập chiếm tỷ lệ 35,47%, tin tiêu cực chiếm tỷ lệ 22,56%. Khi Việt Nam bước sang trạng thái “bình thường mới”, tỷ lệ tin bài liên quan đến dịch Covid-19 vẫn được các cơ quan báo, đài tiếp tục duy trì từ 28-40% tỷ lệ tin, bài về phục hồi, phát triển kinh tế nhưng không chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh.
Truyền thông trong thế giới ngày càng "phân mảnh"
Tuy nhiên, trong đại dịch Covid-19, truyền thông cũng có những đặc thù riêng. Ông Bùi Tú, Giám đốc tăng trưởng của công ty JobHopin, nhận định người ta xem truyền hình thường nhớ nhất những đoạn quảng cáo từ 10 - 15 năm trước chứ không phải những năm gần đây. Lý do là lúc đó mọi người chỉ có một màn hình để quan tâm. Nhưng hiện tại, mọi người có quá nhiều "màn hình" để quan tâm như laptop, điện thoại, máy tính bảng...
|
"Thế giới đang ngày càng "phân mảnh" nên nếu truyền thông không có chiến lược lâu dài thì sẽ không tiếp cận được khách hàng. Như công ty của tôi luôn phải có một đội ngũ sẵn sàng đổi mới và học hỏi cái mới. Mỗi 2 tuần, nhóm lại họp 1 lần để đề ra các ý tưởng mới. Mặc dù trong 20 ý tưởng chỉ có 1-2 ý tưởng đến phút cuối được áp dụng nhưng đó cũng đã là thành công" - ông Tú chia sẻ.
Ông Nguyễn Tiến Huy, CEO của Pencil Group, cũng chia sẻ rằng đừng nghĩ trong dịch Covid-19, truyền thông số tăng trưởng mà không bị ảnh hưởng. Các nhãn hàng cũng phải xem xét lại ngân sách truyền thông của mình. Khi dịch bệnh giảm thì các nhãn hàng cũng quay trở lại. Tuy nhiên, cách truyền thông cũng phải thay đổi. Những chủ đề truyền thông cũng xoay quanh Covid-19. Nhưng dù sử dụng cách nào thì gốc gác của ngành truyền thông luôn là làm sao để hiểu được khách hàng.
Ông Phạm Đình Nguyên, nhà sáng lập của PhinDeli Coffee, kể lại một câu chuyện về người bạn bán bún thịt xào ở Pháp trong đại dịch Covid-19. Khi dịch bùng phát, nước Pháp cấm các hoạt động buôn bán, kể cả mua đồ ăn mang về. Nhưng cửa hàng của bạn ông chuyển qua cung cấp suất ăn miễn phí các y, bác sĩ. Việc này được truyền thông rộng rãi và cửa hàng trở nên nổi tiếng. Hiện nay, bạn ông Nguyên đã mở đến cửa hàng thứ 3 tại Pháp. Theo ông Nguyên, trong đại dịch Covid-19, ngành F&B (dịch vụ về phục vụ ẩm thực) là một trong những ngành chịu ảnh hưởng khủng khiếp nhất. Nhưng nếu biết thay đổi, biết truyền thông, kiên cường thì vẫn có thể phát triển.
Bình luận (0)