Tuyển sinh 2019: Nỗi khổ của trường địa phương

Quý Hiên
Quý Hiên
12/08/2019 09:03 GMT+7

Ngay từ khi các trường ĐH công bố điểm sàn , giới quan tâm đã dự đoán mùa tuyển sinh năm nay sẽ tiếp tục khó khăn với nhiều trường ĐH, nhất là với các trường địa phương, khi mức sàn ban đầu đưa ra chỉ khoảng 13 - 14 điểm.

Theo thống kê của Thanh Niên, ở khu vực phía bắc, đa số trường ĐH địa phương lấy điểm sàn thấp, như: Công nghiệp Quảng Ninh, Sư phạm kỹ thuật Nam Định, Hải Dương, Thủ đô. Đây là những trường mà mức sàn của nhiều mã ngành, hoặc tất cả ngành đều là 13 điểm. Những trường ĐH địa phương có mức sàn nhỉnh hơn chút (tức thấp nhất là 13,5 điểm) như: Hoa Lư, Hồng Đức, Công nghiệp Vinh. Trong đó, đáng chú ý là Trường ĐH Thủ đô do đóng trên địa bàn có điểm thi bình quân thuộc diện cao nhất nước (theo Sở GD-ĐT Hà Nội, gần 89,51% lượt học sinh các trường THPT ở Hà Nội đạt điểm thi 3 môn từ 13 điểm trở lên), nhưng trường này sẵn sàng “vét” đến những học sinh cuối cùng của Hà Nội.
Căn cứ vào thông báo điểm chuẩn, dễ thấy các trường này đang phải đối mặt với nguy cơ tuyển không đủ chỉ tiêu. Thậm chí, một số ngành của các trường này sẽ không có TS (trong đó có những ngành sư phạm buộc phải lấy điểm cao theo sàn của Bộ GD-ĐT). Chẳng hạn, ở Trường ĐH Tân Trào, ngành sư phạm toán điểm chuẩn công bố là 18, nhưng trong danh sách trúng tuyển của trường, ngành này không có TS nào; ngành sư phạm sinh chỉ có 2 TS trúng tuyển (trong đó có 1 TS diện xét học bạ); ngành văn lấy 15 điểm và chỉ 4 TS đỗ theo diện xét kết quả thi THPT quốc gia (diện xét học bạ 1 TS đỗ)... Với Trường ĐH Hoa Lư, các ngành sư phạm văn và toán, diện xét kết quả thi THPT quốc gia, mỗi ngành chỉ 1 TS đỗ.
Nhiều trường chỉ công bố điểm chuẩn mà không công khai danh sách TS trúng tuyển (chỉ có ô tra cứu kết quả xét tuyển, TS nào đỗ vào trường thì chỉ TS ấy biết). Nhưng nhìn vào mức điểm chuẩn mà nhà trường công bố thì có thể thấy việc tuyển sinh của trường đang rất khó khăn.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thế Vĩnh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh, kết thúc quá trình xem xét lọc ảo trong tuyển sinh đợt 1 vừa qua, chỉ có 96 TS lọt vào danh sách trúng tuyển của trường với mức điểm chuẩn là ngang điểm sàn (13 điểm) mà trước đó trường đã công bố. Vì thế, để tổ chức đào tạo cho khóa mới năm tới, trường chỉ trông chờ vào số TS xét tuyển bằng học bạ. Năm ngoái, trường chỉ tuyển được khoảng hơn 20% so với chỉ tiêu.
Còn tiến sĩ Lê Anh Tú, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Hạ Long, cho biết theo kết quả lọc ảo của trường, TS đạt điểm chuẩn vào trường khá cao so với chỉ tiêu, nhưng dự báo lúc TS nhập học còn ảo nữa (năm ngoái tỷ lệ ảo lúc nhập học là 50%), nên chắc chắn trường phải tiếp tục tuyển bổ sung.
Chia sẻ với Thanh Niên, tiến sĩ Đỗ Hồng Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô, cho rằng dù là trường đóng trên địa bàn mà nguồn tuyển dồi dào bậc nhất cả nước, nhưng lại là nơi tập trung quá nhiều trường ĐH, trong đó rất nhiều trường hấp dẫn TS bậc nhất cả nước, nên việc tuyển sinh của trường gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là quy luật tuyển sinh thất thường, nên khó lường. Có những ngành (như quản trị du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn) năm ngoái tuyển khá tốt nhưng không hiểu sao năm nay lại ít TS đăng ký nguyện vọng. Một số ngành khoa học tự nhiên thì vẫn khó khăn “một cách ổn định” nhưng trường xác định là vẫn phải đào tạo, vì cho rằng các ngành cơ bản là những ngành quan trọng đối với nền tảng phát triển giáo dục ĐH và khoa học kỹ thuật của một đất nước.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.