Tại hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh 2019 và thực hiện luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức hôm nay, 17.7, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, thông tin tới các đại biểu về kết quả thi THPT quốc gia 2019, trong đó có thông tin về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của cả nước.
Theo bà Phụng, thống kê sơ bộ từ kết quả xét tốt nghiệp từ các tỉnh thành, kết quả tốt nghiệp THPT của cả nước đạt 94,06%.
“Việc phân tích sâu phổ điểm của các tỉnh cho thấy kết quả thi đã phản ánh trung thực chất lượng giáo dục của các địa phương, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương, các vùng, miền. Có thể nói, kỳ thi năm nay đạt được mục tiêu hàng đầu của một kỳ thi là khách quan, trung thực”, bà Phụng nhận xét.
Về công tác xét tuyển đại học sắp tới, bà Phụng cũng cho biết, năm nay cả nước có 341.840 chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia (con số này tương đương năm 2018) trong tổng số 489.637 chỉ tiêu. Như vậy, số chỉ tiêu tăng so với năm 2018 chủ yếu là do tăng chỉ tiêu xét tuyển theo các phương thức khác, như: xét học bạ, xét qua đánh giá năng lực, xét kết hợp…
Bà Phụng nói: “Những con số chỉ tiêu này là không nhiều, bởi tỷ lệ người học đại học/độ tuổi học đại học của Việt Nam thuộc mức thấp trong khu vực”.
Bà Phụng cũng cung cấp thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh và nguyện vọng theo từng khối ngành tuyển sinh, số lượng nguyện vọng theo tổ hợp. Cụ thể như sau:
|
|
Với các trường tuyển sinh nhiều phương thức, bà Phụng lưu ý cần xác định tỷ lệ phù hợp để đảm bảo chất lượng đầu vào, đồng thời thống kê điểm thi THPT quốc gia của các em trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển khác để so sánh điểm trung bình chung thi THPT quốc gia của các phương thức xét tuyển khác nhau.
Về lâu dài, các trường nên nghiên cứu so sánh chất lượng quá trình học tập, tốt nghiệp, việc làm… của các sinh viên vào học theo các phương thức tuyển sinh khác nhau để có phương án chủ động tuyển sinh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho các năm sau.
Bình luận (0)