Vẫn thi dạy giỏi nhưng không áp lực thành tích !

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
04/09/2019 09:08 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT từng hứa sẽ giảm áp lực cho giáo viên, trong đó có việc thay đổi cách công nhận dạy giỏi, thậm chí bỏ cuộc thi này. Tuy nhiên, sau khi bàn thảo, đại diện Bộ lại cho biết 'phần lớn giáo viên vẫn muốn giữ cuộc thi'!

Trước nhiều ý kiến phản ứng về cách thức thi và kết quả kỳ thi giáo viên (GV) dạy giỏi, Bộ GD-ĐT đang soạn thảo Thông tư quy định công nhận GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi các cấp học mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ đã tìm cách điều chỉnh những lệch lạc của cuộc thi, áp lực thành tích như đã xảy ra ở một số nơi. Bộ đã đưa ra 2 phương án là thi hoặc xét để công nhận GV dạy giỏi để lấy ý kiến, kết quả phần lớn các thầy cô muốn giữ cuộc thi này.

Muốn thể hiện tay nghề !

Theo Bộ GD-ĐT, các thầy cô muốn có một "sân chơi", một giờ dạy để thể hiện “tay nghề”, vừa là nơi để lan tỏa hoặc học hỏi phương pháp, kinh nghiệm giữa các GV, nhà trường.
Ông Minh cho hay: "Phương án xét cũng được đưa ra nhưng nhiều người cho rằng phải có hồ sơ, sổ sách, có minh chứng. Tôi nhấn mạnh, tới đây GV sẽ không chịu bất cứ sự ép buộc nào khi tham gia vào cuộc thi, ai không muốn áp lực thì không tham gia, điều đó không làm ảnh hưởng gì đến uy tín cũng như thu nhập của GV".
Ông Minh khẳng định mong muốn chung là vẫn giữ được cốt lõi, tinh hoa của cuộc thi nhưng không có áp lực nếu như không làm tốt. “Đây là hướng chúng tôi thấy đang khả quan. Tất nhiên, phương án nào khi triển khai thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là người thực thi”, ông Minh nói.

Không phải “gánh” thành tích của cả tập thể

Ông Minh cho rằng cuộc thi sẽ không còn áp lực nếu đó là một sân chơi tự nguyện, GV tham gia sẽ không phải “gánh” áp lực thành tích của cả tập thể. Sự tiến bộ của học trò, sự tôn trọng, yêu quý của học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp mới là thước đo GV chứ không phải chỉ qua cuộc thi dạy giỏi.
“Như vậy sẽ không có bất cứ sự áp đặt nào, nhà trường cũng không có lý do gì để bắt ép GV tham gia vì kết quả ấy không thuộc về thành tích của nhà trường nữa”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, sẽ bỏ bài thi năng lực, không yêu cầu viết sáng kiến kinh nghiệm theo hình thức giấy tờ, giảm số giờ dạy tối đa, lấy chuẩn nghề nghiệp làm căn cốt… Đồng thời, sẽ phải có những yêu cầu về thuyết trình cho hoạt động nghề nghiệp có hiệu quả để có sự khẳng định khả năng của GV. "Mong muốn lớn nhất của Bộ là tạo cho GV một sân chơi lành mạnh, sáng tạo, khẳng định nghề nghiệp của GV", ông Minh nói.
Ông Minh cũng cho biết, dự kiến đầu năm học mới, dự thảo thông tư này sẽ được công bố, theo hướng vẫn giữ cuộc thi với những thay đổi quan trọng và xin ý kiến toàn xã hội để chỉnh sửa và nếu có thể thì ban hành để kịp thực hiện trong năm học này.

Dự kiến 5 thay đổi

 
Thứ nhất, bỏ liên hoan GV dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi toàn quốc, chỉ công nhận dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh.  
Thứ hai, về điều kiện công nhận là dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh: đạt chuẩn nghề nghiệp GV mức khá (GV dạy giỏi thì yêu cầu tiêu chí chuyên môn phải ở mức tốt; đối với chủ nhiệm lớp giỏi thì tiêu chí về giáo dục đạt mức tốt).
Thứ ba, GV dạy giỏi phải thực hành một hoạt động chơi - tập (đối với nhà trẻ), một hoạt động học (đối với mẫu giáo) theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Dạy 1 tiết (đối với GV phổ thông) theo kế hoạch giảng dạy tại thời điểm diễn ra hội thi. GV chủ nhiệm lớp giỏi phải thực hành 1 tiết tổ chức hoạt động trải nghiệm (sinh hoạt lớp hoặc hoạt động trải nghiệm tổng hợp) trong kế hoạch của trường và của GV. GV dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết dạy/hoạt động giáo dục trong thời gian không quá 3 ngày trước thời điểm thi dạy và được tổ chức tại lớp học với nguyên trạng số lượng HS của lớp. Không được dạy thử/thực hành tiết học/hoạt động tham gia hội thi ở bất cứ đâu trong năm học tổ chức hội thi, đồng thời là hoạt động lần đầu tiên được tổ chức cho HS tại lớp học đó; trình bày 1 báo cáo chuyên đề trước ban giám khảo...
Thứ tư, không ép buộc, không tạo áp lực cho GV tham gia hội thi; nghiêm cấm lợi dụng danh hiệu dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi để vụ lợi cho thành tích của nhà trường.
Thứ năm, giao quyền tự chủ cho địa phương về quy định số lượng GV tham gia hội thi các cấp do trưởng ban tổ chức hội thi quyết định căn cứ tình hình thực tế, điều kiện ngân sách của địa phương. Việc sử dụng kết quả hội thi là minh chứng để đánh giá, xếp loại thi đua của cá nhân. Danh hiệu dạy giỏi là căn cứ để xem xét, thực hiện các chế độ chính sách đối với GV.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.