Nhiều đơn hàng xuất khẩu
Ông Mai Văn Thiên, Phó Ban Quản lý nguồn nhân lực Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, nhu cầu tuyển dụng ngành dệt may tăng mạnh do các doanh nghiệp ký kết khá nhiều hợp đồng đơn hàng với nước ngoài.
Mới đây, báo cáo "Nhân sự ngành mệt may: Cơ hội và thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu tăng trưởng từ thị trường” do tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự Navigos Group công bố, cũng cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2021, do tình hình bất ổn ở một số các quốc gia láng giềng, các đơn hàng dệt may đổ về thị trường Việt Nam nhiều hơn dẫn đến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp dệt may tăng mạnh.
Ông Gaku Echizenya, Tổng Giám đốc Navigos Group, chia sẻ: "Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay các nhà máy sản xuất tại Việt Nam, bao gồm cả những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có sự đầu tư lớn để có thể đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, từ tiêu chuẩn dây chuyền sản xuất, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng đến tiêu chuẩn về nhân sự như độ tuổi lao động, chế độ lao động, mức lương, thưởng… Chính vì vậy, khối khách hàng ngành dệt may chuyển sang làm việc trực tiếp với các nhà máy sản xuất tại Việt Nam đang có nhu cầu tuyển dụng tăng cao, đặc biệt là các vị trí tìm nguồn cung ứng vật tư - tìm chuỗi cung ứng sản phẩm bao gồm cả lập kế hoạch, chăm sóc và hỗ trợ khách hàng, quản lý chất lượng - phát triển mẫu mã và kỹ thuật sản phẩm, kỹ sư, cải tiến sản xuất…".
Lý giải thêm về việc tăng mạnh nhu cầu, ông Trần Hưng, Giám đốc Công ty may Đông Bích, cho rằng một số nước từ đầu năm bị vướng dịch Covid-19 phải đóng cửa sản xuất, các nước có lao động giá rẻ ngang Việt Nam như Myanmar và Campuchia đều đóng cửa mảng sản xuất, nên Việt Nam trở thành lựa chọn để khách hàng Âu - Mỹ gửi đơn hàng về. Ngoài ra, các nhà máy Trung Quốc liên tiếp dịch chuyển về Việt Nam để thêm lựa chọn xuất hàng giảm thuế vào Mỹ.
Sẽ thiếu hụt trầm trọng?
Từ các lý do trên, ông Trần Hưng nhận định nhân sự ngành dệt may thời điểm này vẫn thiếu hụt nhiều vì nguồn cầu tăng đột biến.
"Tùy vào quy mô doanh nghiệp, thiếu hụt hiện nay cả ở lao động phổ thông gồm công nhân dệt, sợi, nhuộm, may và quản lý cao cấp như giám đốc sản xuất, bán hàng, giám đốc kế hoạch. Lấy ví dụ nếu quy mô một nhà máy FDI (có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) về may mặc có vốn tầm 50 triệu USD thì sẽ cần tới 3.000-5.000 công nhân và 100 nhân viên ở văn phòng", ông Trần Hưng cho hay.
Một lo ngại lớn tiếp theo, theo ông Mai Văn Thiên, là việc 19 tỉnh thành đang thực hiện chặt Chỉ thị 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp may tạm thời ngưng sản xuất, người lao động về quê. "Điều này dự báo khi hoạt động sản xuất trở lại, các doanh nghiệp sẽ thiếu hụt lao động trầm trọng. Một khi dịch được kiểm soát, thì các công ty sẽ tuyển dụng trở lại rất nhiều, cả công nhân lẫn đội ngũ kỹ thuât và quản lý", ông Thiên thông tin.
Trong khi đó, đào tạo nhân lực cho ngành dệt may hiện cũng đang không đủ để cung ứng. Tiến sĩ Phan Thị Hải Vân, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ TP.HCM, một trường chuyên đào tạo nhiều ngành học liên quan đến ngành dệt may thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết số lượng thí sinh đăng ký ngành công nghệ may trong 2 năm trở lại đây giảm rất nhiều, một phần do nghề này chưa thực sự hấp dẫn, một phần do dịch bệnh rất căng thẳng.
"Chính vì thế, sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ các ngành như công nghệ may, thiết kế thời trang, may thời trang, công nghệ sợi dệt... nếu muốn ứng tuyển vào các doanh nghiệp dệt may ở những vị trí như tổ trưởng, tổ phó kiểm tra chất lượng chuyền may, kỹ thuật chuyền, nhân viên kỹ thuật thì cơ hội việc làm rất cao. Các em cũng cần lưu ý là dù tuyển kỹ thuật viên hay quản lý cấp trung thì phần lớn doanh nghiệp vẫn yêu cầu phải có kỹ năng nghề và phải có thời gian ngồi may 3,6 tháng trong dây chuyền", tiến sĩ Vân chia sẻ thêm.
Bình luận (0)