Vụ trường từ chối tiếp nhận 40 học sinh: Nên cùng ngồi lại tháo gỡ vướng mắc

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
14/07/2020 07:10 GMT+7

Việc Trường dân lập quốc tế Việt Úc từ chối tiếp nhận 40 học sinh tiếp tục học do bất đồng quan điểm với phụ huynh, nhiều nhà giáo dục cho rằng đây là vấn đề của người lớn, không nên để học sinh phải chịu thiệt.

“Đừng để người lớn giận nhau, trẻ con phải hứng chịu”

Mới đây, nhiều phụ huynh có con đang học tại Trường dân lập quốc tế Việt Úc (VAS) nhận được văn bản thông báo trường không tiếp nhận con mình trong năm học 2020 - 2021. Lý do trường đưa ra là do không tìm được tiếng nói chung về khoản học phí với nhóm phụ huynh học sinh (HS) này.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng đây là câu chuyện giữa những người lớn với nhau, mà cụ thể là giữa phụ huynh và nhà trường, không nên để HS phải gánh chịu.
Theo ông Điệp, trước khi nói về mặt pháp lý, cả phía trường học và phụ huynh cũng như các nhà quản lý giáo dục mà cụ thể là Sở GD-ĐT TP.HCM phải ngồi lại với nhau để tìm hiểu, tháo gỡ vướng mắc, giải quyết chỗ học cho HS.

Phụ huynh tập trung phản đối mức học phí ở Trường quốc tế Việt Úc tại TP.HCM vào tháng 5.2020

Cả phụ huynh và nhà trường đều vì “cái tôi” của mình

Chia sẻ về vấn đề Trường dân lập quốc tế Việt Úc từ chối tiếp nhận 40 HS, một nhà giáo dục tại TP.HCM nói: “Trong câu chuyện này, tôi nghĩ cả phụ huynh và nhà trường đều vì cái tôi của mình mà đẩy vụ việc đi quá xa. Ai cũng giữ quan điểm của mình, không ai chịu hạ mình xuống vì HS. Nếu bây giờ chỉ cần một trong hai phía, hoặc cả hai chịu lắng nghe, đối thoại thì chuyện sẽ không có gì khó giải quyết cả. Chúng ta làm giáo dục thì phải lấy HS làm gốc, gia đình và nhà trường chính là hai “ngôi nhà” của các em, là nơi bảo vệ, giáo dưỡng các em. Trong câu chuyện này, kể cả phụ huynh cũng không vì con mình mà chịu đối thoại, nhường bước. Còn phía nhà trường cũng không đặt HS lên làm đầu”.
“Phải đặt lợi ích của HS lên hàng đầu. Hãy ngồi lại với nhau, chứ đừng để người lớn giận nhau, trẻ con phải hứng chịu. Nếu dừng tiếp nhận HS như vậy, chắc chắn những em này sẽ bị sốc, rơi vào khủng hoảng, đó là phản giáo dục”, ông Điệp nói.
Về mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh, theo ông Điệp, nếu có những vấn đề khúc mắc, bất đồng thì nên giải quyết trong ôn hòa và dựa trên cơ sở khoa học.
Về phía nhà quản lý, ông Điệp cho biết trường nào cũng có một đơn vị quản lý (thuộc Phòng Giáo dục hay Sở GD-ĐT). Khi trường có vấn đề xảy ra, các nhà quản lý phải tham gia giải quyết để đảm bảo môi trường học an toàn, văn minh cho học sinh.

Bài học lớn cho cả phụ huynh và nhà trường

Còn theo TS Nguyễn Kim Dung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), mỗi trường học, đặc biệt là trường ngoài công lập đều có triết lý, quan điểm giáo dục riêng. Khi phụ huynh gửi con vào các trường này thì chắc chắn họ đã nghiên cứu rất kỹ về chính sách, chương trình đào tạo, đặc biệt là vấn đề học phí.
“Tôi nghĩ rằng phụ huynh nên tôn trọng chính sách học phí của các trường quốc tế, trường ngoài công lập. Khi ký thỏa thuận cho con vào học mà thực ra là một hợp đồng dịch vụ về giáo dục, nghĩa là phụ huynh đã đồng ý chính sách này. Các trường ngoài công lập, khi từ chối phụ huynh cũng phải dựa trên các quy tắc hoạt động của mình”, bà Dung chia sẻ.
TS Nguyễn Kim Dung nhận định: “Một số phụ huynh khi đấu tranh về học phí nghĩ rằng “khi tôi đã đóng một số tiền không nhỏ thì tôi có quyền đấu tranh, phản đối”. Quyền này có thể thông cảm, nhưng nhiều khi họ không nghĩ được bản thân mình đã đẩy câu chuyện lên đến đỉnh điểm và nhà trường có thể từ chối tiếp nhận con mình. Trong vụ việc này, nhiều phụ huynh cũng bị sốc. Tôi nghĩ, khi chuyện đã đẩy đến mức này đều có lỗi của cả hai và mỗi bên đều nhận được bài học lớn trong cách đối thoại với nhau”.
Với trường hợp 40 HS bị VAS từ chối tiếp nhận, theo bà Dung, nếu phụ huynh không tế nhị, khéo léo tìm môi trường học phù hợp sẽ khiến các em bị sốc. Ở trường cũ, các em đã quen với chương trình học, bạn bè, thầy cô…, đặc biệt là quen với văn hóa “mở” ở các trường quốc tế. Nếu chuyển về trường công lập, các em có thể sẽ không quen với những quy định, quy củ của trường. Còn các trường quốc tế khác cũng có thể không tiếp nhận những HS này vì e ngại với phụ huynh.
TS Nguyễn Kim Dung cho rằng phụ huynh nên suy nghĩ đến việc làm sao giảm tác động tối đa của vụ việc đến con mình bằng cách không nên để câu chuyện mâu thuẫn với trường ảnh hưởng đến việc học, tư vấn tâm lý cho con và khi chọn trường nào cho con học tiếp thì nên hỏi ý kiến các em.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.