Trầm cảm suốt gần 15 năm vì biến cố
Năm 12 tuổi, anh Phan Vũ Minh được xác định mắc bệnh dị dạng mạch máu tủy sống. Căn bệnh quái ác khiến anh phải liên tục lên bàn mổ suốt 9 năm. Mặc dù trải qua biết bao đau đớn nhưng vẫn không thể điều trị dứt điểm, thậm chí khiến đôi chân anh ngày càng yếu đi và kết cục là phải ngồi xe lăn năm 20 tuổi. Đang ở TP.HCM, anh trốn tránh tất cả, bỏ về quê để tìm lại nguồn sống mới.
|
“Thời điểm đó mệt mỏi kinh khủng, nếu vẫn ở lại chắc mình không thở nổi vì mọi thứ quá ngột ngạt. Lúc đó bản thân vẫn ước mơ sẽ hết bệnh vì bác sĩ nói phải tích cực, lạc quan thì biết đâu vận may sẽ tới. Mình về quê, một phần vì muốn thay đổi không khí, phần khác là chờ đợi sự thay đổi ấy”, anh Minh kể lại.
Những năm đầu trở về, anh tự giam mình trong nhà, khước từ mọi giao tiếp xã hội: “Tại sao cuộc sống lại bất công với mình? Tại sao lại đối xử với mình như vậy?…” Tính từ thời gian phát bệnh đến khi trưởng thành, suốt gần 15 năm, anh sống trong trầm cảm, dằn vặt và đầy tự ti như thế.
Khoảng năm 2015, anh Minh nhận ra một thứ mà mình phải đối mặt còn đáng sợ hơn bệnh tật, đó chính trạng thái sống như đã chết đang khiến anh đánh mất chính mình.
|
Từ đó anh thay đổi quan điểm sống, bắt đầu tập thể dục và làm quen với chiếc xe lăn. “Lúc đầu mới đi xe lăn ra khỏi nhà, mình còn mặc cảm lắm. Ra đường thấy ai cũng ngại và sợ”, Minh chia sẻ. Năm 2015, khi sức khỏe ổn định, anh tập kinh doanh online và nhận thấy có thể tự đi du lịch bằng chiếc xe của mình.
Chiếc xe Honda được “cưa làm đôi” khi phần đầu vẫn giữ nguyên, phần đuôi xe máy đặt sang bên hông, ở giữa đặt một thùng với khung bằng kim loại là nơi để chiếc xe lăn.
|
Nói về chiếc xe tự chế, anh Minh vô cùng hào hứng: “Lúc đầu cũng suy nghĩ nhiều cách lắm. Tại vì nếu mà làm xe ba bánh là mình phải bỏ xe lăn. Nếu bỏ xe lăn thì có thể dễ bị té, nên mình nghĩ phải ngồi trên xe lăn để lái chiếc xe máy...”.
Xe mất thắng khi đổ dốc đèo
Từ quê hương Vũng Liêm, Vĩnh Long, anh bắt đầu hành trình đi phượt khắp Việt Nam của mình. Bắt đầu từ những tỉnh lân cận như Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng... cho đến Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng.
Khi biết anh có ý định đi du lịch, bố mẹ anh không ngăn cản nhưng lòng đầy lo lắng. “Có thể gia đình biết rằng mình đi được và chạy an toàn nhưng ở ngoài đường thì bao nhiêu thứ xảy ra, mình không thể nào lường trước được”, Minh chia sẻ.
|
Phượt thủ chia sẻ kinh nghiệm di chuyển: “Trước khi đi, mình sẽ xem quãng đường bao xa rồi chia số km để nghỉ. Mình lựa chỗ bóng dâm, thoáng mát để đậu xe. Có thể nghỉ 30 phút đến 1 tiếng sẽ tiếp tục hành trình”.
Khi đến mỗi vùng, anh Minh thường lựa chọn các nơi cư trú trong thành phố để tiện đi lại. Buổi tối sẽ chạy xe khám phá thành phố đó, còn sáng hôm sau sẽ lên đường khám phá những địa điểm mà kế hoạch đã lên trước đó.
|
Chuyến đi gần đây nhất của anh là Tây nguyên. Phượt thủ ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của mùa hoa cà phê nở, đi đâu cũng nghe mùi cà phê ngào ngạt. “Sau khi vượt qua nỗi sợ hãi với cộng đồng, mình cởi mở và thân thiện hơn với mọi người, vì vậy đi đâu cũng có bạn mới. Tới Tây nguyên, các bạn đưa mình đi tham quan bảo tàng cà phê và chỉ những quán ăn ngon nhất cho mình”.
|
Tuy nhiên, đi phượt không chỉ có những phút giây thăng hoa. Sự cố làm anh nhớ đời chính là đổ dốc đèo trên đỉnh Langbiang, Lâm Đồng. “Khi đổ dốc, mình bóp thắng quá mạnh nên bố thắng bị nóng và mất chức năng. Lúc đó mình nói với đứa cháu đi cùng 'chết rồi, bây giờ bị mất thắng rồi cháu ơi!' Nó liền bóp phụ thắng rồi cố gắng nhảy xuống, điều khiển xe di chuyển vào lùm cây... Đó chính là lần nguy hiểm, cũng là lần sợ nhất mà mỗi lần nhắc lại là hai chú cháu đều không khỏi nổi da gà”.
|
"Là một quyết định đúng đắn nhất của đời mình"
|
Bình luận (0)