Bồi hồi thắp nén hương tri ân tại 'địa ngục trần gian' Côn Đảo

22/07/2019 15:29 GMT+7

Sáng 22.7, nhiều đoàn viên thanh niên đã bồi hồi xúc động khi được về dự lễ giỗ và thắp nén hương tri ân các anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước đã hy sinh trong 113 năm tồn tại của nhà tù Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

Lễ giỗ năm nay do T.Ư Hội LHTN VN phối hợp với Ban Tổ chức Lễ giỗ Côn Đảo và Ban Liên lạc Cựu tù chính trị - tù binh TP.HCM tổ chức.

Lễ giỗ vừa là dịp bày tỏ lòng thành kính vừa là cơ hội để những người trẻ nhìn lại chính mình và sống tốt hơn

HOA NỮ

Ngay sau khi Đền thờ Côn Đảo được khánh thành cuối năm 2011, các cựu tù chính trị đã đề xuất cần có một ngày giỗ chung. Đề xuất đó được công khai trong cuộc họp mặt kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đảng bộ Lưu Chí Hiếu, tiền thân của Đảo ủy lâm thời ngày giải phóng năm 1975 (3.2.1972 – 3.2.2012) và sau đó được chuyển đến cựu tù chính trị các tỉnh thành trong cả nước để tham khảo. Ngày giỗ được xác định là ngày 20.6 âm lịch hằng năm dựa trên cơ sở phân tích số liệu về ngày tháng năm mất của hơn 3.200 người tù đã tìm được thông tin. Với sự ủng hộ nhiệt tình của các cựu tù chính trị, lễ giỗ chung cho tù nhân Côn Đảo được tổ chức hằng năm cho đến hôm nay.

Nghi thức lễ giỗ

HOA NỮ

Trở về lại nơi đã từng giam giữ cả tuổi trẻ của mình trong chốn lao tù khổ ải, bác Nguyễn Thị Cúc (cựu tù Côn Đảo) bồi hồi nhớ thương những đồng đội của mình đã ngã xuống trong gông cùm xiềng xích. Bên cạnh đó, bác Cúc cũng vui mừng khi nhìn thấy ngày càng nhiều lớp trẻ về với Côn Đảo để thắp nén hương và bày tỏ lòng thành kính với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh.

Nghi thức đánh hồi chuông trong lễ giỗ

HOA NỮ

“Cứ mỗi năm người về viếng nghĩa trang càng đông hơn, ngoài thân nhân và các cựu tù, thì rất nhiều người đặc biệt là lớp trẻ ở khắp mọi miền đất nước cũng về đây. Chứng tỏ được rằng lớp trẻ đã luôn ghi nhớ những công sức đóng góp của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để giành được độc lập cho dân tộc, điều này rất đáng quý. Vì điều đó sẽ giúp các bạn trẻ nhìn lại chính mình và sống tốt hơn”, bác Cúc chia sẻ.

 

Các đại biểu dự lễ giỗ

HOA NỮ

Bác Cúc cũng cho biết thêm, cứ về đây, bác lại không kiềm nén được cảm xúc khi nhớ thương đồng đội của mình. Bác Cúc nghẹn ngào kể: “Ngày đó bác bị giam ở nhiều trại lắm, kể cả chuồng cọp Côn Đảo và bác bị đưa ra Côn Đảo đến 3 lần. Ngày đó có 5 chị em (trong đó có bác) cùng giam một phòng ở nhà tù Côn Đảo, có những chị em chuẩn bị trao trả về rồi nhưng phải chết vì bệnh và phải nằm lại tại đây. Thương lắm con ạ”.

Anh Phương Tấn Đạt (Bí thư Đoàn Trường phổ thông Thái Bình Dương, Cần Thơ) bồi hồi xúc động khi được về nơi mà người bác ruột của Đạt đã từng là tù nhân và hy sinh tại đây. “Trước giờ chỉ biết bác hai của mình hy sinh ngoài này, nhưng đây là lần đầu tiên mình được về đây. Khi đến được phòng mà bác bị giam, rồi đứng trước ngôi mộ bác tự dưng mình không kiềm nén được cảm xúc, vừa xúc động, vừa thương bác, vừa không tin được tại sao ngày trước bác mình cũng như hàng ngàn các tù nhân ở đây có thể vượt qua và chống chọi được với sự áp bức, khổ ải của nhà tù”, Đạt bùi ngùi chia sẻ.

Phương Tấn Đạt (thứ 2 từ trái sang) bồi hồi nhớ người bác quá cố của mình

HOA NỮ

Phương Tấn Đạt cũng chia sẻ thêm: “Từ xưa đến giờ chỉ biết lịch sử về nhà tù Côn Đảo qua các trang sách, thước phim, nhưng ngày hôm nay được về đây, tận mắt chứng kiến những giọt nước mắt của các cô chú khi nhớ về những thời gian khổ ải trong tù của mình và càng xúc động hơn khi những giọt nước mắt ấy cứ rơi xuống khi nghĩ về những đồng đội của mình đã mất trong gông cùm xiềng xích. Qua đó mình mới thấy sự kiên trung và bất khuất của các cô chú và là động lực cho mình mạnh mẽ hơn trong cuộc sống cũng như luôn cố gắng để xứng đáng với công lao của các thế hệ đi trước”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.