Bức xúc bị người Hàn Quốc chê: Giới trẻ 'bắt trend' chia sẻ hình ảnh bánh mì

26/02/2020 17:15 GMT+7

Một kênh truyền hình Hàn Quốc đưa tin phản ánh khu cách ly Việt Nam đối xử tệ với 20 công dân của họ, trong đó có hình ảnh về bánh mì . Ngay lập tức, giới trẻ rầm rộ 'bắt trend' chia sẻ hình ảnh bánh mì.

“Không gì ngon hơn bánh mì”

Là một trong những bạn trẻ "bắt trend" ngay từ sáng sớm, Phan Hoàng Đăng Khoa, cựu sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đã chia sẻ hình ảnh của bánh mì Sài Gòn với dòng trạng thái hài hước: “Cà khịa 1 chút thì vui, cà khịa nhiều chút thì vui thêm nhiều”.

Chia sẻ với người viết, Khoa nói: “Mình thấy việc chia sẻ này giúp nhiều người chú ý hơn đến chủ đề đang rất hot đó là thông tin về 20 công dân Hàn Quốc từ chối cách ly theo quy trình của Việt Nam và đưa tin tức về cho đài YTN (Hàn Quốc) phản ánh không đúng tình hình thực tế, trong đó có đề cập đến hình ảnh bánh mì của nước ta khi được hỏi là “Mọi người có được ăn uống tử tế không?”, thì một người tiết lộ rằng anh chỉ nhận được vài mẩu bánh mì”.

Trend hot nhất của ngày hôm nay được giới trẻ rất quan tâm

CHỤP MÀN HÌNH

Cuộc sống trong khu cách ly người về từ vùng dịch Covid-19 ở Hàn Quốc

Cũng giống Khoa, Nguyễn Phan Kim Lan, cựu sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, đăng trên Facebook về hình ảnh những ổ bánh mì không, Lan viết: “Ai bánh mì không. Tự dưng thèm bánh mì quá à”.

Theo Lan bánh mì là món mà Lan thích ăn nhất và cũng là món gắn liền với thời sinh viên của cô. Chính vì thế, khi nhìn thấy hình ảnh món ăn mình rất thích lại có người có ý chê và đang trở thành trend (xu hướng tìm kiếm) nên Lan cũng muốn được lan tỏa hình ảnh bánh mì để “cà khịa” trở lại.

“Cà khịa để mọi người biết rằng bánh mì là món ăn rất phổ biến và rất ngon ở Việt Nam. Thời sinh viên còn không có tiền để ăn bánh mì nữa là...”, Lan chia sẻ.

Với Trần Thị Mỹ Ngọc, sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, thì dí dỏm ví bánh mì như là người tình mỗi ngày không thể thiếu vắng.

“Với mình bánh mì vừa là món ăn nhanh, vừa là món ăn để no bụng, nên bất cứ lúc nào đang nghĩ phải ăn cái gì là mình nghĩ ngay đến bánh mì. Như là người tình không thể thiếu vắng vậy đó, nhất là sinh viên như tụi mình làm sao thiếu bánh mì cho được (cười)”, Ngọc nói.

Bánh mì… một trời ký ức

Với Lan, hình ảnh bánh mì không chỉ gắn với thời sinh viên mà còn là cả một tuổi thơ chỉ chờ mẹ đi chợ mua về ổ bánh mì.

“Chỉ biết nói là cả một trời ký ức. Nhớ lắm luôn những lúc mẹ đi chợ, hôm nào bán được nhiều tiền mẹ mới mua bánh mì mang về, vì thời đó bánh mì là món ăn xa xỉ. Mà bánh mì ở quê giờ đi xa rồi chỉ muốn quay về được ăn, ổ bánh mì chẳng có gì nhiều ngoài mấy miếng thịt mỡ được cắt nhỏ, với vài cọng ngò, cọng hành, ấy thế mà ngon lạ thường”, Lan nhớ lại.

Bệnh nhân cuối cùng xuất viện, Việt Nam không còn ai nhiễm Covid-19

Dòng trạng thái của hoa hậu H'Hen Nie đăng trên trang cá nhân của mình hôm nay cũng được giới trẻ chia sẻ rất nhiều

CHỤP MÀN HÌNH

Cũng giống Lan, Khoa cho biết bánh mì là ngon nhất rồi, nhưng bánh mì ở quê với Khoa còn ngon “hết sảy”.

“Ở quê mình, có một tiệm bánh mì ngon nức tiếng và có 1 điểm khác với bánh mì Sài Gòn là vỏ bánh được nướng giòn sau khi đã thêm nhân bánh vào trong. Khiến bánh thơm, giòn hơn nhiều. Và ăn thì chỉ có ghiền”, Khoa chia sẻ và nói thêm: “Đối với Việt Nam thì mình thấy bánh mì là một món ăn rất phổ biến, được sử dụng như cả bữa chính, lẫn ăn vặt. Tuy nhiều vùng của Việt Nam hương vị cũng khác nhau nhưng đều trên tinh thần chung là sự phối hợp giữa bánh mì, rau tươi và một loại nhân đặc biệt như thịt gà, thịt heo, xíu mại, trứng... Nét ẩm thực đặc sắc khác hẳn với cách sử dụng bánh mì ở các nước châu Âu (nguồn gốc bánh mì)”.

Được biết, bản tin dài hơn 2 phút của YTN News (Hàn Quốc) hôm 25.2, ghi lại cảnh 20 người Hàn Quốc kể trên thực hiện cách ly tại Đà Nẵng sau khi đến Việt Nam qua chuyến bay xuất phát từ Deagu vào ngày 24.2, đã khiến cộng đồng mạng bức xúc.

Bản tin này cho rằng các công dân Hàn Quốc đang bị “giam giữ” trong điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn. Theo đó, những người xuất hiện trong video cho biết dù không có bất kỳ triệu chứng nhiễm bệnh nào nhưng họ vẫn bị giam giữ tại khu vực cách ly có ổ khóa cửa, thậm chí, không được cung cấp bữa ăn đầy đủ. Đáng chú ý, phía kênh này còn thẳng thắn phê phán phòng cách ly chật hẹp, chứa từ 2-3 người.

Chia sẻ trên video, một công dân Hàn Quốc cho biết: “Chúng tôi cảm thấy bị đối xử bất công. Một người đã ốm. Nhưng còn chả phải sốt. Ở đây không được trang bị bất cứ điều gì”. Ngoài ra, bản tin còn ghi lại một ý kiến phàn nàn: “Chúng tôi thậm chí không được tắm rửa. Nếu cứ tiếp tục ở yên như thế này, có lẽ chúng tôi sẽ bị nhiễm bệnh mất”. Đặc biệt, khi được hỏi: “Mọi người có được ăn uống tử tế không?”, thì người này còn tiết lộ rằng anh chỉ nhận được “vài mẩu bánh mì” buổi sáng.

T.Chi - Đ.Bách
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.