'Giải cứu nông sản' do dịch Covid-19: Độc đáo bún, phở bằng… thanh long, dưa hấu

26/02/2020 07:58 GMT+7

Trước thực trạng nông sản của người dân đang kêu gọi 'giải cứu nông sản' vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, ông chủ trẻ Lê Duy Toàn (32 tuổi, ở Củ Chi, TP.HCM) đã sáng tạo bánh tráng, bún, phở độc đáo từ dưa hấu và thanh long.

 

Cách đây 2 tuần, khi thấy dưa hấu của người dân đang được 'giải cứu nông sản' tràn lan, anh Toàn mua về cho nhân viên ăn để ủng hộ bà con, nhưng nhận thấy nếu ăn thế này không giúp được bao nhiêu mà cũng không giải quyết được bài toán đầu ra cho nông sản.

Tận dụng thế mạnh để giúp nông dân

Cách đây 2 tuần, khi thấy dưa hấu của người dân đang được 'giải cứu nông sản' tràn lan, anh Toàn mua về cho nhân viên ăn để ủng hộ bà con, nhưng nhận thấy nếu ăn thế này không giúp được bao nhiêu mà cũng không giải quyết được bài toán đầu ra cho nông sản.
Từ đó, tận dụng thế mạnh làm các sản phẩm truyền thống của mình, anh Toàn bắt tay nghiên cứu để kết hợp bánh tráng, bún, phở với dưa hấu, thanh long.
“Thế mạnh của mình là những mặt hàng đang làm đã có sẵn thị trường. Bây giờ lượng nông sản của người dân đang rất dồi dào và thậm chí phải đổ bỏ nếu 'giải cứunông sản' không được, mà thực tế chất lượng nông sản của chúng ta rất tốt, vậy tại sao không kết hợp lại để vừa giúp bà con nông dân, vừa làm độc đáo và mới lạ cho sản phẩm truyền thống”, anh Toàn chia sẻ.
Sau 1 tuần nghiên cứu, nhiều lần thử nghiệm các công thức khác nhau thì cuối cùng, anh Toàn đã “trình làng” những sản phẩm hấp dẫn.
“Trong lần đầu thử nghiệm, thành phẩm không như mong đợi, sợi bún cứng, màu luộc bị nhạt, ăn không ngon. Thế là đổi công thức nhưng lại chưa điều chỉnh sợi bún nên thành phẩm vẫn bị cứng; khi điều chỉnh tỷ lệ vừa thì nhiệt độ sấy chưa đủ, sợi bún lại không đẹp… Cứ như thế, phải qua 7 đến 8 lần điều chỉnh mới cho ra được sản phẩm nhìn bắt mắt như bây giờ”, anh Toàn kể.
Theo đó, dưa hấu tươi được rửa sạch, bỏ vỏ, cắt ra từng miếng, tách bỏ hạt và cho vào máy xay nhuyễn để giữ được phần thịt của dưa hấu. Mang thành phẩm trộn với bột gạo theo đúng tỷ lệ để sản phẩm ra được màu dưa hấu đẹp và tự nhiên nhất, đồng thời sau khi luộc sợi bún phải đảm bảo độ mềm, độ dai và có mùi dưa hấu.
Độc đáo bánh tráng, bún, phở bằng... thanh long, dưa hấu1
Hiện tại, với dưa hấu, anh Toàn có thể làm được bún, phở và bánh tráng, còn với thanh long, do có hạt nhỏ nên chỉ làm được bánh tráng. Thanh long trắng sẽ cho ra bánh tráng màu trắng có những hạt đen li ti của thanh long trên mặt bánh, nhìn như bánh tráng mè đen. Khi làm bằng thanh long đỏ thì cho bánh màu đỏ hồng rất bắt mắt. Nhưng đặc biệt hơn, bánh tráng, bún và phở khi làm từ dưa hấu lại cho ra thành phẩm màu cam mà theo như anh Toàn lý giải là do tác dụng của nhiệt khi gia công khiến màu sắc của dưa hấu bị biến đổi, nhưng vẫn giữ được hương vị và chất lượng.

Đưa bánh tráng Củ Chi ra thế giới

Về với làng bánh tráng Củ Chi, nhắc đến chàng trai Lê Duy Toàn ai cũng biết. Chàng trai đi du học Mỹ gần 4 năm nhưng chọn quay về quê để nối nghiệp gia đình làm bánh tráng, với mong ước đưa bánh tráng của quê hương ra thế giới.
“Hồi xưa mình không nghĩ sau này sẽ nối nghiệp gia đình. Lúc trước gia đình làm bánh tráng bằng tay rồi mang đi phơi nắng. Thấy ba mẹ làm vất vả quá, cứ nắng đem ra phơi, mưa thì chạy hối hả để mang vào mà một ngày làm không được bao nhiêu bánh. Nhưng đến khi đi du học, vào những siêu thị châu Á, thấy có bánh tráng, có bún khô mà nơi sản xuất lại là nước khác. Thế là tự nghĩ, tại sao quê mình cũng làm bánh tráng mà không xuất khẩu đi các nước, từ đó thôi thúc mình về quê”, anh Toàn nhớ lại.
Cũng trong mạch cảm xúc, ông chủ trẻ nhớ lại đã từng rất ghét và sợ mùi gạo xay, vì ngày nào cũng phải phụ ba mẹ xay gạo bằng tay để làm bánh tráng. Nhưng bây giờ lại thấy nghiện, thấy mê. “Kiểu như biết ơn vậy đó, khi xa rồi mới thấy biết ơn hương vị gạo xay mà trước đây sáng nào cũng nghe như cực hình. Nhưng nhờ nó mà ba mẹ nuôi mình ăn học và được bay cao bay xa. Và có đi ra mới thấy được tiềm năng của sản phẩm quê mình, mới có cơ hội để phát triển”, anh bộc bạch.
Thế là từ một cơ sở làm bánh tráng theo quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ và thủ công, anh Toàn đã phát triển thành công ty với hơn 200 nhân công, sản phẩm xuất khẩu đi 42 nước.
Để sản phẩm truyền thống như bánh tráng, bún, phở khô xuất được đi các nước, ngoài việc cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm thì việc nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm sáng tạo cũng là một trong những yếu tố tiên quyết, điều này cũng đã tạo nên thành công của chàng trai trẻ. Mà nói như anh Toàn là ngày nào, giờ nào cũng phải suy nghĩ, phải sáng tạo.

Anh Toàn giới thiệu sản phẩm độc đáo làm từ dưa hấu, thanh long cho khách hàng

Nữ Vương

Một trong những sáng tạo làm nên thương hiệu của anh Toàn là kết hợp với nông sản Việt cho những sản phẩm truyền thống của mình. Trước bánh tráng, bún, phở từ dưa hấu, thanh long thì anh đã nghiên cứu kết hợp nhiều nông sản khác và đến giờ đã có 48 sản phẩm khác nhau, như bánh tráng gạo lứt, gạo đen, nghệ, trà xanh… Mì thì có mì mè đen, cải bó xôi, cà rốt, củ dền, hoa đậu biếc. Ngoài ra còn có những loại như bún gạo, bún tươi khô, bún bò Huế, bánh hỏi, mì Quảng, bánh ướt khô… và có cả bánh tráng mặt nạ từ bột mì dành riêng cho thị trường làm đẹp Hàn Quốc.
Nói về cơ duyên chọn kết hợp các nông sản Việt để tạo ra những màu tự nhiên an toàn cho sản phẩm, anh Toàn kể: “Lúc đầu mình cũng chưa nghĩ đến đâu, nhưng khi đi Đà Lạt, nhìn thấy mọi người bán 3 bắp cải tím mà có 10.000 đồng, mình tự hỏi sao nông sản Việt lại rẻ đến như vậy. Từ đó bắt đầu mày mò nghiên cứu tìm công thức, thử rất nhiều nhưng cuối cùng cũng chỉ chọn được vài loại vì không phải loại nào kết hợp cũng cho màu đẹp và ăn ngon”.
Hiện nay, ông chủ trẻ đang tiếp tục nghiên cứu để làm mì, bánh hỏi, bún bò Huế bằng dưa hấu. Bên cạnh đó, kết hợp thêm nhiều dòng nông sản khác để gia tăng giá trị nông sản Việt Nam,  để 'giải cứu nông sản' người nông dân có đầu ra ổn định cho nông sản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.