Những hành động nghĩa tình
Mấy ngày nay, chàng họa sĩ trẻ Phạm Hồng Minh (TP.HCM) đã tổ chức chiến dịch quyên góp trên trang cá nhân để cùng đội nhóm tình nguyện trẻ Đà Nẵng thực hiện chương trình “Chung tay cùng Đà Nẵng chống dịch Covid-19”.
Phạm Hồng Minh cho biết đây là lần thứ 2 trong năm nay nhóm thực hiện hỗ trợ người dân vùng dịch. Hiện tại nhóm là tuyến đầu hỗ trợ cho bệnh viện và kết nối các suất ăn uống, các phần hỗ trợ trao trực tiếp đến bệnh viện và các y bác sĩ tại khu cách ly.
“Lúc đầu khi biết đến những hoạt động hỗ trợ của đội tình nguyện tại Đà Nẵng, Minh nghĩ nếu một mình chắc không đóng góp được bao nhiêu nên quyết định đăng lên trang cá nhân và kêu gọi bạn bè cùng chung tay giúp đỡ. Rất may có nhiều anh chị, bạn bè nhiệt tình đồng hành cùng Minh để ủng hộ một số thứ cần thiết như: đồ bảo hộ y tế, khẩu trang 3M, mặt nạ chống tia bắn, găng tay y tế, bình nước siêu tốc, mì tôm, sữa và một số nhu yếu phẩm khác...”, Minh chia sẻ.
Cũng giống Minh, chị Trần Hoàng Khánh Vân, Phó chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM, sau khi biết được tình trạng thiếu đồ bảo hộ y tế ở Đà Nẵng, đã trao đổi với một người quen là chủ đơn vị sản xuất đồ bảo hộ và quyết định phát động kêu gọi ủng hộ trên Facebook.
“Tính đến thời điểm hiện tại, sau 4 ngày quyên góp đã đủ chi phí thực hiện 3.000 bộ đồ bảo hộ (42.000 đồng/bộ). Mình cũng đã hỏi thêm về khẩu trang y tế, nếu nguồn kinh phí quyên góp được nhiều hơn nữa thì mình sẽ mua thêm khẩu trang y tế để chuyển ra cho Đà Nẵng. Sắp tới sẽ là Quảng Nam, Quảng Ngãi và những vùng dịch đang cần”, chị Vân cho biết.
Chị Vân chia sẻ: “Mình thật sự rất cảm động và như được tiếp thêm nhiều động lực do trong đợt quyên góp này có những bạn sinh viên không có nhiều tiền nhưng vẫn tiết kiệm để hỗ trợ 2 bộ đồ bảo hộ (tương đương 84.000 đồng tiền mặt). Rồi những bạn bè từ rất lâu không liên lạc nhưng cũng âm thầm lặng lẽ chuyển tiền ủng hộ”.
Sản xuất thiết bị hỗ trợ đeo khẩu trang tặng bác sĩ
Mới đây, Đoàn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng đã hoàn thành và sẵn sàng để chuyển 4.000 thiết bị hỗ trợ đeo khẩu trang gửi ra Đà Nẵng cho đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Đoàn Xuân Trường, Phó bí thư thường trực Đoàn trường, cho biết những ngày này đội ngũ nhóm in 3D là các cựu sinh viên, CLB nghiên cứu khoa học và các sinh viên có máy in cá nhân đang tất bật để in được thật nhiều thiết bị hỗ trợ đeo khẩu trang.
“Việc sản xuất thiết bị hỗ trợ đeo khẩu trang giúp các bệnh viện, khu cách ly đã được tụi mình thực hiện từ giai đoạn đầu phòng chống dịch Covid-19. Lúc đó tụi mình đã gửi tặng gần 10.000 cái trên toàn quốc, nên khi dịch bùng phát lại tại Đà Nẵng, tụi mình nghĩ ngay đến phương án tiếp tục sản xuất để hỗ trợ các y bác sĩ ngoài đó”, anh Trường cho biết.
Cũng theo anh Trường, trước mắt sẽ gửi 4.000 thiết bị hỗ trợ đeo khẩu trang thông qua Thành đoàn Đà Nẵng để chuyển đến các bệnh viện, khu cách ly. Bên cạnh đó cũng đang vận động sinh viên, nhà hảo tâm ở TP.HCM hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết và chia sẻ khó khăn với sinh viên mắc kẹt ở các trường ĐH tại Đà Nẵng.
|
|
Cùng mong muốn hỗ trợ thiết bị đeo khẩu trang cho tuyến đầu chống dịch ở Đà Nẵng, Phạm Tuấn Vỹ (tiếp viên hàng không, sống tại TP.HCM) đã cùng bạn bè thực hiện các đợt quyên góp. Nhóm bạn bè của Vỹ trên Facebook chia nhau tìm xưởng in để có giá rẻ nhất mà chất liệu nhựa thích hợp trong y tế để không ảnh hưởng tới sức khỏe. Nói là quyên góp nhưng thực ra lúc đầu nhóm Vỹ tự dành tiền túi, sau đó đăng lên Facebook rồi anh em bạn bè thấy ý nghĩa, thế là gửi tiền hỗ trợ để nhóm Vỹ làm được nhiều hơn. Sau đó, Vỹ kết nối với nhóm bạn và người quen ngoài Đà Nẵng để chuyển những thiết bị hỗ trợ đeo khẩu trang này đến các bác sĩ.
“Là những người trẻ, tụi mình không thể dửng dưng mà nhìn khi người dân của mình đang căng sức chống lại dịch bệnh nguy hiểm. Khoảng cách địa lý sẽ không là rào cản. Mình nghĩ người trẻ Việt Nam rất năng động và sáng tạo, chính các bạn sẽ tìm ra những cách riêng để hỗ trợ cộng đồng chống dịch”, Vỹ gửi gắm.
Bình luận (0)