Cậu học trò ước mơ có chứng minh nhân dân

04/06/2020 07:51 GMT+7

Đang học lớp 11, Nguyễn Chánh Trung lo lắng sẽ không có chứng minh nhân dân để thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT vào năm tới. Với Trung bây giờ, điều ước lớn nhất là được làm chứng minh nhân dân.

Mất bố mẹ từ nhỏ, Trung sống với bà ngoại trong căn phòng trọ ở Q.Tân Bình, TP.HCM. Vào lớp học tình thương khi đã 9 tuổi và không nghĩ có thể theo học đến bây giờ, nhưng với sự hiếu học, Trung đã là cậu học trò lớp 11 tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.Tân Bình. Cậu học trò mồ côi đang nuôi ước mơ cho những chân trời mới nhưng ngặt nỗi vì không có sổ hộ khẩu nên 19 tuổi, Trung vẫn chưa có chứng minh nhân dân.

Chặng đường gian nan

Cô Võ Thị Bích Vân, giáo viên dạy Trung tại lớp học phổ cập tình thương năm nào, cũng là người đã vận động nguồn tài trợ để giúp cậu học trò mồ côi những lúc sắp “đứt gánh giữa đường”, nói: “Hoàn cảnh của Trung rất tội nghiệp. Học hết lớp 5 ở lớp phổ cập tình thương, Trung đủ điều kiện được vào học ở Trường THCS Phạm Ngọc Thạch (Q.Tân Bình). Thời gian lớp 6, 7, 8 tôi không gặp em ấy, nhưng đến năm lớp 9 khi tìm gặp lại thì cũng đúng lúc Trung nói với tôi chắc phải nghỉ học vì cả năm cô hiệu trưởng ở trường đã dành tiền túi để đóng học phí cho em”, cô Vân kể.
Không thể để Trung “đứt gánh giữa đường”, cô Vân đi vận động các mạnh thường quân và lo tiền học phí cho Trung từ 2 năm nay.
Bao nhiêu năm qua, hai bà cháu nương tựa vào nhau mà sống, nhưng từ 5 năm nay, do bệnh tật liên miên nên bà ngoại không đi làm được. Từ đó, ngoài giờ học, Trung đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
“May nhờ có người dì của Trung chăm lo cho hai bà cháu. Nhưng thằng Trung nó thương ngoại, thương dì nên cũng chịu khó vừa đi học vừa đi làm thêm. Thương cho cháu còn nhỏ nhưng hoàn cảnh thì biết làm thế nào được”, bà Nguyễn Thị Lang - ngoại của Trung, tâm sự.
Sáng nào cũng vậy, 5 giờ sáng Trung dậy đi làm thêm, trưa làm xong là đến trường học. Nhưng Trung bảo: “Em cũng quen rồi, nên không thấy vất vả”.
Khi hỏi về những khó khăn trong suốt chặng đường theo con chữ, trong suy nghĩ của Trung cứ hiện về những lần phải đóng học phí.
Trung kể vất vả nhất là khi bắt đầu học lớp 6, dường như chưa có kỳ nào Trung đóng được đúng hạn. Cứ tới đợt đóng học phí là bà ngoại lại mượn chỗ này đắp chỗ kia.
Để học được đến ngày hôm nay, cả Trung và bà ngoại đều không dám tin. “Làm được bữa nào lo lại bữa đó, đâu có dám nghĩ Trung có thể theo học đến tận ngày hôm nay. Thấy cháu nó học đến lớp 11 và ráng năm tới nữa là tốt nghiệp, tôi mừng lắm. Nó không cha không mẹ, chỉ có học thì sau này mới bớt khổ thôi”, bà Lang nói.
Dù vậy, Trung luôn lạc quan vì với Trung, tinh thần là thứ rất kỳ diệu, giúp em có thể vượt qua mọi khó khăn và đau khổ trong cuộc sống. Và cậu học trò nghị lực này cho biết chưa bao giờ than thân trách phận mà cứ thế tiến lên phía trước.

Giấy chứng nhận và sổ hộ khẩu photocopy của gia đình bà Lang

Ước mong cháy bỏng

Điều khiến hai bà cháu buồn bã và lo lắng nhất là không biết làm sao để làm được chứng minh nhân dân cho Trung.
Bà Lang kể trước đây gia đình bà có hộ khẩu tại số nhà 122 Trần Quang Khải, P.Tân Định, Q.1, TP.HCM (hộ khẩu theo nhà chồng). Sau đó cô chồng bán nhà, gia đình bà Lang phải đi thuê phòng ở và đến năm 1996 vì bị trộm nên mất luôn sổ hộ khẩu. Ngay sau khi trình báo công an, gia đình bà được giải quyết bằng một tờ giấy chứng nhận của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP.HCM, chứng nhận các nhân khẩu của gia đình bà Lang đã có đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa chỉ trên. Trong giấy chứng nhận có ghi rõ vì căn nhà trên đã bán nên chưa được giải quyết đổi sổ hộ khẩu gia đình.
Mặc dù có giấy chứng nhận và còn bản photocopy sổ hộ khẩu cũ nhưng theo bà Lang thì đến nay, sau rất nhiều lần đi xin cấp lại sổ hộ khẩu mới nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Bà Lang không giấu được nước mắt: “Tội nghiệp cho mấy đứa cháu của mình sau này, nhất là thằng Trung, nó đã không còn cha còn mẹ, mà giờ nếu lỡ tôi mất nữa thì nó biết làm sao. Không giấy tờ, lại một thân một mình, nghĩ tới mà buồn”.
Lau những giọt nước mắt, bà Lang nói tiếp: “Cứ mỗi lần nghĩ đến viễn cảnh đó, dù có đau bệnh, tôi cũng ráng ăn để có sức mà còn sống tiếp và lo giấy tờ cho cháu được ngày nào hay ngày ấy. Tôi chỉ sợ đến lúc nhắm mắt rồi vẫn chưa lo được giấy tờ cho cháu, lúc đó không biết Trung nó phải thế nào nữa”.
Còn với Trung, mặc dù em luôn mong được có chứng minh nhân dân để thi tốt nghiệp THPT sắp tới và theo học ngành tin học mà em yêu thích, nhưng Trung nói: “Em chỉ ước mong mình có chứng minh nhân dân để có thể đi xin làm thêm được nhiều việc hơn nữa, phụ giúp lo cho bà. Với lại nếu có chứng minh thì em sẽ được đi thi nhiều giải đấu mà em mong muốn”.
Nghe Trung nói xong, biết cháu mình đang cố dối lòng, bà Lang tiếp lời: “Trung thấy gia đình khổ quá, tôi giờ bệnh tật, đi học đại học lại tốn đủ thứ tiền nên nói vậy đó. Bao nhiêu năm nay nhờ các thầy cô giúp đỡ nhiều quá, nó ngại nên cứ muốn sớm được đi làm, chứ thật ra nó ham học lắm, không ham học là nó đã nghỉ lâu rồi. Nếu tôi còn khỏe mạnh thì chắc chắn sẽ ráng làm để nuôi cháu học đại học”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.