Dương Thị Thùy Trang, 27 tuổi, đang làm việc tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, trăn trở về trái sơ ri Gò Công (Tiền Giang) quê hương cô.
Sơ ri rất tốt, nhưng mà...
“Sơ ri được mệnh danh là “vua vitamin C” khi hàm lượng vitamin C cao gấp 30 lần trong cam, chanh. Đây cũng là cây xóa đói giảm nghèo của bà con vùng Gò Công nhưng sản xuất trái cây này gặp nhiều bất ổn. Đi nhiều nơi, trái này bán với giá bèo bọt ngoài chợ. Bà con thì trồng lại đốn, đốn lại trồng, quả sơ ri nhiều năm đổ bỏ vì giá thấp, bán rẻ như cho sang các bên thu mua. Sơ ri sơ chế xuất khẩu chủ yếu sang Nhật Bản để chế biến thành nước đóng chai, hóa mỹ phẩm với giá thành và lợi nhuận cao. Trong khi thị trường VN vẫn chưa có những sản phẩm chế biến từ sơ ri đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và có tính cạnh tranh cao”, Trang cho biết.
Trang đề xuất những giải pháp tăng giá trị cho trái sơ ri. Trong đó 2 hướng nổi bật là phát triển nhiều sản phẩm từ trái sơ ri nước lên men, nước si rô… với đầu ra là chuỗi sơ ri-mix bán các loại nước trái cây phối hợp giữa sơ ri và trái cây khác; các siêu thị, trạm dừng chân miền Tây. Đồng thời, Trang cho rằng cần phát triển du lịch sinh thái miền Tây, cho khách du lịch trải nghiệm vườn sơ ri, hái sơ ri, làm mứt sơ ri, bán đồ lưu niệm về loại trái cây đặc sản này.
“May mắn được sang châu Âu 4 tuần, tôi thấy người dân xây bảo tàng sô cô la, bảo tàng đồng hồ... thu hút đông khách du lịch. Trái cây miền Tây quê mình bạt ngàn, trù phú, vậy tại sao không thể cùng nhau xây dựng bảo tàng trái cây đồng bằng sông Cửu Long? Tôi cũng nghĩ tới những Trạm C ở ngay TP.HCM và trên đường về miền Tây, nơi nghỉ chân của du khách, để mọi người giải khát với trái cây, nước ép tốt cho sức khỏe”, Trang chia sẻ.
Nghiên cứu về trái sơ ri từ thời sinh viên, tới nay nhóm của Trang với 5 thành viên đều cùng tâm huyết với nông nghiệp VN, muốn khởi động lại những dự án về quả sơ ri. Ngoài việc tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp, sáng tạo, từ đầu năm 2020, họ tự tay làm các sản phẩm mứt, nước lên men sơ ri... tham gia nhiều hội chợ giới thiệu đặc sản địa phương để kêu gọi đầu tư. Trang cho hay cô luôn mong có thêm sự hỗ trợ công nghệ, chuyên môn từ những cá nhân đam mê phát triển nông sản Việt.
|
Luôn cảm thấy nợ quê hương
12 năm là con ngoan trò giỏi ở quê nhà, cha mẹ muốn con gái học y khoa nhưng Trang yêu thích kinh tế hơn. Nghiên cứu tìm hiểu chuyên sâu về chuỗi giá trị gia tăng và thương mại hóa cho quả sơ ri Gò Công của cô và 4 người trẻ khác thuộc Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã đoạt giải ba cuộc thi Tài năng khoa học trẻ cấp Bộ năm 2014.
Năm 2020, Trang tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành marketing, bán hàng và dịch vụ tại Trung tâm Pháp Việt đào tạo về quản lý (CFVG), Trường ESCP Europe và Trường kinh doanh IAE Sorbonne thuộc ĐH Paris Panthéon-Sorbonne, Pháp. Đồng thời, cô đạt giải thưởng đề tài khóa luận tốt nghiệp xuất sắc nhất về tài sản thương hiệu.
Hiện tại, Trang là nghiên cứu sinh lĩnh vực kinh tế thương mại tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Song, dù ở bất cứ vị trí nào, dự định về trái sơ ri vẫn chưa lúc nào làm Trang thôi trăn trở. Cô luôn cảm thấy nợ quê hương.
Tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu, Trang chia sẻ làm khoa học là một chặng đường mà sức trẻ và sự nhiệt huyết là điểm khởi đầu, đích đến cần có kế hoạch, sự chăm chỉ. Hiện nay các nhà khoa học trẻ có nhiều cơ hội nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức. “Nếu không ngừng trau dồi chuyên môn mỗi ngày sẽ dễ dàng bị đào thải. Bên cạnh đó mỗi người cũng cần giữ gìn đạo đức khoa học như là kim chỉ nam trong hoạt động nghiên cứu”, cô cho biết.
Bình luận (0)