“Lít ánh sáng” cho bản làng vùng cao
Xóm Mã Lịp là xóm cực kỳ khó khăn thuộc khu vực giáp biên giới của xã Trường Hà (H.Hà Quảng, Cao Bằng). Xóm có 41 hộ dân, đa số là người dân tộc Mông, 100% là hộ nghèo và cận nghèo.
“Trước đây chưa có ánh sáng, nhà nào cũng tối om om. Đi đường chỉ có đi bộ rọi đèn pin, chứ xe đạp thì không đi được. Từ ngày được Đoàn thanh niên lắp đèn bằng chai nhựa, đường làng cứ vào buổi tối lại sáng trưng, trời càng tối thì đèn càng sáng”, anh Lý Văn Thái (dân tộc Mông), Trưởng xóm Mã Lịp, phấn khởi kể.
Anh Thái cũng cho biết con đường được lắp bóng đèn kéo dài 1 km từ đầu làng đến cuối xóm nên “màu mè lắm”. Bóng đèn là những chai nhựa mà cứ đến tối lại tự động sáng lên, còn ban ngày thì không sáng.
“Người dân ngạc nhiên lắm vì không hiểu đèn lấy ánh sáng ở đâu. Họ cứ hỏi tôi sao bóng đèn cũng biết ngày và đêm?”, anh Thái chia sẻ.
Đó là mô hình “Lít ánh sáng cho bản làng nông thôn mới” vừa được Ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn triển khai tại các bản làng nông thôn không có điện. Bằng sự sáng tạo và áp dụng kỹ thuật công nghệ, từ những vỏ chai nhựa đã qua sử dụng, các thanh niên đã chế tạo đèn thắp sáng bằng năng lượng mặt trời. Mô hình có giá trị sử dụng cao và đèn sáng tự động, hoàn toàn không cần dùng điện.
Chia sẻ về mô hình này, anh Vũ Minh Thảo, Phó trưởng ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn, cho biết: “Để phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và để tái sử dụng chai nhựa đã qua sử dụng, chúng tôi đã tham mưu Ban Bí thư T.Ư Đoàn tổ chức chương trình “Hành trình thứ 2 của chai nhựa - Mô hình Lít ánh sáng cho bản làng nông thôn mới”. Mô hình kết hợp với các nguyên vật liệu chế tạo đèn năng lượng mặt trời thắp sáng cho các bản làng nông thôn, xã khó khăn chưa có điện”.
Mô hình đã được khánh thành và trao tặng cho xóm Mã Lịp vào đúng dịp khởi động Tháng Thanh niên và Tháng ba biên giới năm nay, giúp người dân vùng biên có đời sống tốt hơn. “Trước đây, người dân đi lại vất vả lắm, nhưng giờ đi buổi tối cũng như ban ngày, chở nông sản và dắt bò một phát đến tận cửa nhà”, anh Thái hào hứng.
Sáng tạo vì cộng đồng
Nhằm thực hiện mô hình, các bạn đoàn viên thanh niên đã nhờ một chuyên gia của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội tư vấn hỗ trợ, để làm ra những chiếc đèn từ chai nhựa bằng nguyên lý sử dụng ánh sáng mặt trời. Đèn gồm tấm pin mặt trời, 3 - 5 bóng đèn led được đựng trong 1 chai nhựa có nước tẩy trắng. Ban ngày pin sẽ hấp thu ánh sáng mặt trời để chuyển hóa quang năng thành điện năng và nạp vào pin lưu trữ. Khi trời tối, đèn sẽ tự động sáng (độ sáng tùy thuộc vào độ sáng/tối, càng tối thì càng sáng).
“Chai nước sử dụng dung tích bao nhiêu tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Làm đèn thắp sáng trong nhà thì dưới 1 lít. Đèn thắp sáng đường thì 1 lít. Tuổi thọ của tấm pin lưu trữ năng lượng mặt trời là 5 năm, chai nước gắn phía dưới có tuổi thọ 1 năm”, anh Thảo cho biết.
Theo anh Thảo, mô hình bắt đầu được triển khai từ tháng 9.2020, tại 6 tỉnh: Tuyên Quang, Gia Lai, Cao Bằng, Hòa Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. Thông qua mô hình đã tái chế gần 1.000 chai nhựa (dung tích 1 lít) đã qua sử dụng và các nguyên vật liệu, góp phần bảo vệ môi trường, mang đến những “lít ánh sáng” cho bản làng nông thôn. Mỗi tuyến đường có giá trị kinh tế khoảng 60 triệu đồng.
“Khi mô hình được hiện thực hóa đã mang đến niềm hạnh phúc cho người dân các bản làng vùng cao. Bên cạnh đó, còn nâng cao tinh thần xung kích tình nguyện vì cộng đồng, ý thức của đoàn viên, thanh niên về tiết kiệm, tái chế, tái sử dụng các nguyên vật liệu, đặc biệt là rác thải nhựa. Mô hình đã có ý nghĩa và giá trị sử dụng cao cho người dân, mặt khác, tiết kiệm năng lượng điện, thay bằng sử dụng năng lượng mặt trời - năng lượng sạch, vô tận và có ở khắp mọi nơi”, anh Thảo nói.
Bình luận (0)