Điều thú vị về chàng trai có hơn 10 năm sưu tầm đồ cổ...

Lê Nam
Lê Nam
14/04/2020 11:59 GMT+7

Mới 22 tuổi nhưng chàng sinh viên mỹ thuật Nguyễn Đức Huy đã có hơn 10 năm kinh nghiệm sưu tầm đồ cổ, đấu xảo cổ vật cùng nhiều bài nghiên cứu kỳ công về các di sản mỹ thuật Việt Nam.

Nguyễn Đức Huy, 22 tuổi, sinh viên năm cuối Khoa Mỹ thuật công nghiệp, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM). Trong giới sưu tầm đồ cổ ở TP.HCM, Nguyễn Đức Huy là một trường hợp đặc biệt. Chàng trai đã có hơn 10 năm kinh nghiệm sưu tầm, đấu xảo cổ vật cùng nhiều bài nghiên cứu kỳ công về các di sản mỹ thuật Việt Nam.

9X hơn 10 năm sưu tầm đồ cổ

Từ năm học lớp 6, Đức Huy đã bắt đầu nuôi dưỡng niềm yêu thích sưu tầm đồ cổ. Gần 100 tờ tiền Đông Dương, tiền Việt Nam qua các thời kỳ; sưu tầm gốm Cây Mai – biểu tượng tay nghề tinh xảo của nghệ nhân... đến nhiều bộ ảnh quý về các loại gốm đẹp tại đền chùa miếu mão.

9X sưu tầm tiền cổ từ khi 12 tuổi...

Lê Nam

Chàng sinh viên năm cuối chuyên ngành mỹ thuật công nghiệp theo đuổi sở thích kỳ công này chính từ cảm hứng do ông bà để lại: “Ông cố của mình lúc sinh thời làm nghề cầm đồ. Do đó, từ bé xíu mình được nhìn thấy trong nhà có rất nhiều món đồ cũ nhìn rất lạ mắt. Niềm yêu thích sưu tầm đồ đẹp, đồ quý cứ thế phát triển.

Bộ sưu tầm tiền cổ với nhiều giá trị văn hóa của Đức Huy

Lê Nam

Đến năm lớp 5, lớp 6 mình được ba dẫn đi gặp một nhóm bạn bè chơi đồ cổ trên đường Lê Công Kiều. Nhóm bạn của ba sưu tập tiền xưa. Lúc đó có một số nhà chuyên bán về tiền xưa đó. Mỗi tuần ba tài trợ cho 50.000 đồng để mình đi mua những thứ mình thích. Cứ mỗi tuần có tiền tiêu vặt là mình tích cóp để mua thêm các tờ tiền xưa để làm dày bộ sưu tập, rồi mình mê sưu tầm lúc nào không biết…”
Sau đó, Đức Huy chuyển qua sưu tập đồ gốm cổ: “Để chuyển qua sưu tầm gốm Cây Mai lại là câu chuyện…buồn cười khác. Mẹ thấy mình lơ là học nên giấu quyển sưu tầm tiền xưa. Một thời gian sau, chú của mình lại dắt đi sinh hoạt cùng một nhóm “chơi” gốm cổ. Mình “nảy sinh” máu sưu tầm và bắt đầu từ những món gốm cũng chỉ vài chục nghìn. Một may mắn khác là giai đoạn đó em lại gặp bác Huỳnh Ngọc Trảng – một người mê và nghiên cứu tài liệu gốm Cây Mai “lão làng”. Thế là mình cùng bác đi điều nghiên các lò gốm xưa, các dòng gốm hậu Cây Mai để hoàn thiện kiến thức về thú sưu tầm của mình”. Cuối những năm học THCS, đầu THPT, Đức Huy đã trở thành một nhà sưu tập đồ gốm cổ. 

Một số món đồ gốm cổ được Đức Huy sưu tầm trong nhà

Lê Nam

Suốt những năm đầu tiên bắt đầu công cuộc nghiên cứu của bản thân, Đức Huy cùng một người bạn thân từ hồi học THCS thong dong khắp các con đường, khi thì đi bộ, khi thì đạp xe. Sau này có cơ hội được đi những tỉnh thành khác, có cơ hội được đối chiếu lại bản thân, nơi mình sinh ra, Đức Huy cảm thấy may mắn. “Điều làm em thích nhất là do mình được sinh ra tại Quận 5, TP.HCM (trung tâm của vùng Sài Gòn – Chợ Lớn ngày xưa), cái nôi của gốm Cây Mai. Em được đi khảo cứu các chùa chiền, hội quán để làm giàu kiến thức rồi lại dùng kiến thức đó để đi giao lưu, trò chuyện với các anh, các chú sưu tập tư nhân khác”.

Nhà sưu tầm cổ vật tuổi 22 cảm thấy may mắn khi được sinh ra tại Quận 5, TP.HCM (trung tâm của vùng Sài Gòn – Chợ Lớn ngày xưa)

Lê Nam

Nói về thú sưu tầm gốm, Đức Huy chia ra làm hai loại: cao cấp và bình dân. Dòng cao cấp hướng về những sản phẩm tiểu tượng gốm quý hiếm; giá trị hàng chục hoặc hàng trăm triệu. Riêng với Đức Huy, cậu lựa chọn trao đổi và tìm tòi những dòng gốm dòng trung, có giá từ vài trăm ngàn đến khoảng dưới 5 triệu đồng.
Vừa sưa tầm vừa trao đổi, cậu tự nhận không còn giữ quá nhiều hiện vật trong nhà. Tuy nhiên, món đồ tâm đắc nhất của Đức Huy là con Lân đứng, cậu sưu tầm được cả cặp từ một ngôi nhà Tây ở Quận 3, TP.HCM, sau khi ngôi nhà được giải tỏa.
“Thực tế ra là con lân trang trí những đình chùa nó gọi là sư tử thì đúng hơn. Trang trí những đình chùa thì dạng thức bố cục khác so với cái loại mà trang trí của nhà cửa. Loại trang trí nhà cửa là thế dáng đứng. Trong dòng gốm Cây mai thì loại này chiếm số lượng rất ít, vì vậy có được cặp Lân này mình cho đó là điều may mắn”, 9X nói.
Sau thời gian nghiên cứu, sưu tầm đổ cổ, với một nguồn kiến thức nhất định, Đức Huy được mời làm cố vấn cho những nhà sưu tầm đấu giá khác. “Nguồn kinh phí tới từ nhiều hướng, từ những việc mình bán những món mình sưu tập, những món nhỏ nhỏ mình tích cóp lại dần dần, mình vừa tạo được uy tín trong giới, vừa thu được tiền mà tư vấn của những vị khách đó”, đó là động lực để cậu mở rộng và phát triển thêm bộ sưu tập của mình.

Chàng sinh viên chuyên ngành mỹ thuật phác họa lại tượng lân được đặt trước cổng chính Chùa Bà Thiên Hậu (Q.5, TP.HCM)

Lê Nam

Mới đây, Đức Huy đã có hội góp mặt trong cuốn sách "Gốm Cây Mai: Đề ngạn - Sài Gòn xưa" của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng dưới tư cách là cộng sự. Sách Gốm Cây Mai, Sài Gòn xưa xuất bản lần đầu năm 1994. Sau 26 năm, NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM đã tiến hành chỉnh lý và bổ sung thêm nhiều lập luận và hình ảnh sinh động minh chứng cho bề dày nghệ thuật của dòng gốm Cây Mai.
“Khi một tác phẩm nào đó ra đời, mong muốn của người tác giả là việc định hình gốm Cây mai trong cuốn sách vừa ra, mình mong muốn những người chủ quản đình tự có được nguồn tư liệu đó để gìn giữ những di vật của hội quán để góp phần làm cho những di tích đó không bị hao mòn, mất cắp mà càng ngày càng rực rỡ hơn. Hiện nay, gốm Cây mai đã có hơn 100 năm lịch sử nên có giá trị nhất định của nó, thành ra mình phải cùng cộng đồng bảo vệ nó”, 9X chia sẻ.

Sau sự góp mặt trong cuốn sách Gốm Cây mai, Đức Huy đang ấp ủ cho ra đời một cuốn sách riêng về tranh Kiếng cổ

Lê Nam

Với việc góp mặt trong tác phẩm Gốm Cây mai, chàng sinh viên năm cuối chuyên ngành mỹ thuật công nghiệp, cho rằng đó là thành quả có được sau nhiều năm tâm huyết nghiên cứu. “Hiện tại, mình muốn gác việc sưu tầm gốm qua một bên để tiếp tục nghiên cứu những nội dung khác, giống như tranh kiếng chẳng hạn. Tại các đình chùa, bên cạnh đồ gốm, tranh kiếng và các đồ thờ tự khác cũng là những cổ vật rất đáng lưu tâm”.
Về dự định trong thời gian tới, Đức Huy đang ấp ủ cùng nhóm bạn của mình cho ra đời một cuốn sách riêng nói hành trình sưu tầm đồ cổ và tìm hiểu về loại hình tranh kiếng xưa: “Mình muốn tập trung hết kỳ này cho tranh kiếng để có được một tác phẩm khác giúp cho giới trẻ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn tới nguồn tư liệu của vùng Sài Gòn - Chợ Lớn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.