Bong bóng và những nỗi lo
Chị Võ Trúc Mai (28 tuổi) công tác tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 11, TP.HCM, luôn lo lắng khi thấy con tiếp xúc với bong bóng được trang trí tại trường học: “Các bé học mẫu giáo thì rất thích bong bóng có màu sắc sặc sỡ, nhưng mỗi khi thấy con chơi bong bóng thì tôi lại lo nó cầm nhai và nuốt luôn”, chị Mai tâm sự.
Không chỉ làm ô nhiễm môi trường, bong bóng còn gây ra tiếng nổ làm người khác khó chịu. Cô Nguyễn Thị Mộng Nhi, giáo viên Trường THPT Bình Phú (quận 6, TP.HCM) chia sẻ: “Mình không thích nơi có trang trí nhiều bong bóng, ngoài việc gây ô nhiễm môi trường thì nó còn tạo ra tiếng nổ dễ khiến người khác giật mình...”.
Hình ảnh bong bóng không chỉ xuất hiện ở trường học, mà nó còn được dùng để trang trí tại đám cưới, sinh nhật... với số lượng không ít. Là người từng tổ chức sự kiện tại TP.HCM, anh Nguyễn Bảo Thái (27 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cho biết: “Tôi thấy đám cưới tại các nhà hàng sử dụng nhiều bong bóng, từ bóng bay đến bóng thường. Sau khi hết tiệc thì bỏ hết chứ đâu tái chế được”.
|
Cùng công việc với anh Bảo Thái, chị Nguyễn Thị Thúy Loan (23 tuổi) chuyên tổ chức sự kiện ở quận Thủ Đức, TP.HCM, cho biết: “Công ty mình hồi đó hay cho trẻ thả bong bóng để thực hiện ước mơ, rồi mời chú hề dùng bong bóng tạo hình mấy con vật cho sinh động. Nhưng thấy nhiều người phản đối, đặc biệt là người nước ngoài, nên công ty cũng hạn chế nhiều”.
Anh Trần Quốc Việt (40 tuổi), công tác tại Trung tâm Văn hóa Hòa Bình, quận 10, TP.HCM, cho biết: “Nhà trường thường hay sử dụng bong bóng để trang trí vì nó vừa rẻ vừa tạo sự thích thú. Tuy nhiên đối với bóng bay thì rất nguy hiểm vì dễ cháy nổ, bong bóng trang trí bình thường thì dùng xong cũng phải bỏ đi hết. Nhưng quan trọng là bỏ ở đâu? Hay là vứt ra sông ra biển”.
Nhiều cách để thay thế
Để hạn chế dùng bong bóng trang trí, anh Nguyễn Bảo Thái hướng dẫn: “Sử dụng bong bóng cũng khá chiếm diện tích, để sự kiện thêm lung linh thì có thể kết hợp âm thanh và ánh sáng, tạo khói lạnh và bong bóng xà phòng”.
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết trẻ con rất thích bong bóng nhiều màu sắc, chính vì vậy nhiều trường, đặc biệt là các trường mầm non hay chọn bong bóng để trang trí. Tuy nhiên, thấy được tác hại từ chất thải từ bong bóng, Sở đã triển khai nhiều hoạt động đến các trường học như: Lễ hội không rác, trường học không rác, lớp học không rác... Bên cạnh đó, không chỉ hạn chế sử dụng bóng bóng để bảo vệ môi trường, chúng ta còn nhiều giải pháp như không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, các căn tin không được sử dụng ly nhựa để đựng đồ ăn cho học sinh, bìa bao sách vở bằng nhựa được chuyển sang bằng giấy... Ngoài ra, mỗi giáo viên phải luôn tự nâng cao nhận thức về môi trường để xây dựng trường học an toàn và thân thiện với học sinh.
|
Từ khi theo dõi loạt bài viết về hạn chế thả bong bóng bay, cô Nguyễn Thị Thu Lan - Hiệu trưởng Trường Măng Non II (quận 10, TP.HCM) chia sẻ: “Trong những ngày lễ, hội sắp tới, nhà trường sẽ không trang trí hay thả bóng bay. Thay vào đó, các cô giáo sẽ xếp giấy thành những bông hoa, chong chóng xinh xắn. Nhà trường sẽ tạo thêm các khu trò chơi vận động, trò chơi dân gian... để trẻ có thêm không gian vui chơi”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân (34 tuổi) làm công tác thư viện tại quận 10, TP.HCM, cho biết: “Thay vì trang trí bong bóng, mình có thể cho các bé vẽ những quả bóng, những chú chim... lên trên hộp giấy rồi trang trí chúng trong những ngày lễ tại trường học. Làm điều này, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa cho bé được sáng tạo...”.
Riêng anh Nguyễn Anh Khoa (27 tuổi), làm công tác đoàn tại Quận đoàn Tân Phú, TP.HCM, chia sẻ: “Khi tổ chức các hoạt động, tôi thường dùng những tấm pano bằng Hiflex để làm nền cho sân khấu. Sau khi dùng xong, tôi cắt ra làm túi đi chợ, ba lô, ví...”.
Theo tiến sĩ Nguyễn Vinh Tiến, giảng viên khoa Công nghệ hóa học và thực phẩm Trường ĐH Sư Phạm kỹ thuật TP.HCM, nguyên liệu chính để sản xuất bong bóng là mủ cao su lỏng, được giữ lỏng nhờ có trộn sẵn amoniac. Trong quá trình sản xuất bong bóng, nhà sản xuất phải sử dụng khá nhiều chất phụ gia các loại hóa chất, kim loại nặng và các loại màu công nghiệp. Do đó, hầu hết các loại bong bóng hiện nay đều độc cho trẻ nhỏ khi thổi, ngậm hay cầm tay. Bên cạnh đó, cần chú ý đến các loại bóng bóng không rõ nguồn gốc, đặc biệt là hàng hết hạn sử dụng. “Các loại bong bóng khi hết hạn thường bị nhũn, dính vào nhau, các chất phẩm màu chảy ra dính vào da sẽ gây ra tình trạng dị ứng. Đồng thời, nếu chúng ta nuốt các chất đó vào sẽ rất nguy hiểm...”, thầy Tiến chia sẻ.
|
Bình luận (0)