'Không phải cầm sách mới là đọc sách'

Vũ Thơ
Vũ Thơ
18/04/2021 13:21 GMT+7

Chia sẻ tại Ngày hội “Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn”, do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức, Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc Đặng Phương Nam cho rằng: “Không phải cầm sách mới là đọc sách ”.

Ngày 18.4, tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức Ngày hội “Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn” với sự tham dự của anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Ngày hội còn có sự tham gia của các diễn giả như: nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm; ông Lê Thanh Hà, Giám đốc Nhà xuất bản Thanh Niên; bạn Đặng Phương Nam, sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân, Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc năm 2020.

Văn hóa đọc là ứng xử đọc

Chia sẻ tại buổi giao lưu với học sinh, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cho biết, thời của ông đã sẵn sàng "xếp bút nghiên ra trận" là thông qua những dòng viết trong những trang nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc, những câu thơ của Phạm Tiến Duật, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu…

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cho biết đọc sách mang lại tình yêu đất nước

Ảnh Đăng Hải

"Những câu thơ của Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân đã theo tôi vào chiến trường. Những cuốn sách đã mang lại cho tôi lòng yêu nước. Lòng yêu nước đã giúp tôi có những kỳ tích...", nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chia sẻ.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng nhắn gửi các bạn trẻ cần phải gây dựng được thói quen đọc sách. "Sách là loại mỹ cao quý nhất, bền chặt nhất mà rẻ nhất. Sách giúp cải biến con người", ông nói.
Ông Lê Thanh Hà, Giám đốc NXB Thanh Niên, cũng cho rằng, những trang sách, báo là kênh giao tiếp, người bạn đồng hành với sự lớn lên của học sinh, sinh viên. Lịch sử nhân loại là quá trình tiến hóa thông qua tích lũy, đóng gói tri thức.

Ban tổ chức trao tặng thư viện đọc cho Trường PTDT nội trú tỉnh Bắc Giang

Ảnh Đăng Hải

Tuy nhiên, ông Hà cho rằng, việc tiếp cận tri thức chắt lọc qua nhiều thế hệ bằng nhiều cách khác nhau như khúc hát ru, ca dao dân ca... chứ không chỉ có sách. Đến nay, tri thức được đóng gói không chỉ trong những cuốn sách in trên giấy mà trong các phương tiện khác nhau. Do đó, quan niệm về đọc cũng cần mở rộng hơn.
“Có người than phiền với tôi các cháu không đọc sách. Tôi nói các cháu không còn đọc thơ, tiểu thuyết, văn chương như các cụ mà đọc truyện tranh, sách khám phá, sách về kinh doanh… Các bạn nghe, xem, đọc trên điện thoại, thu nạp kiến thức rất nhiều”, ông Hà nói.
Ông Hà cũng nhấn mạnh sách chỉ là một phần, là một cái cớ dẫn dắt các bạn trẻ xây dựng thói quen đọc. Đọc là kỹ năng tuyệt đỉnh để phát triển bản thân, có nơi nương tựa về tinh thần, tích lũy trí tuệ và tâm hồn góp phần tạo nền tảng cho chúng ta bước vào xã hội hiện đại.

Học sinh tham gia đọc sách tại ngày hội

Ảnh Đăng Hải

Bạn Đặng Phương Nam, Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc 2020, cũng chia sẻ, trong thời đại cách mạng 4.0, công nghệ thông tin phát triển và các phương tiện nghe nhìn phát triển, văn hóa đọc không còn giống trước đây.
“Văn hóa đọc có thể hiểu là giá trị đọc, chuẩn mực đọc, ứng xử đọc chứ không phải cầm sách mới là đọc sách”, bạn Nam nói.

Lan tỏa văn hóa đọc

Phát biểu tại buổi lễ, anh Nguyễn Tường Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của sách và ý nghĩa của Ngày Sách Việt Nam (21.4), nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách.
 

Anh Nguyễn Tường Lâm phát biểu tại ngày hội

Ảnh Đăng Hải

Anh Lâm cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xây dựng Kế hoạch tổ chức chương trình “Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn”, nhằm nâng cao nhận thức của hội viên, thanh niên về giá trị của việc đọc sách; đồng thời xây dựng và phát triển thói quen, kỹ năng đọc sách trong hội viên, thanh niên.
Qua đó, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh trong hội viên, thanh niên; tạo sức lan tỏa của văn hóa đọc và phát huy tinh thần xung kích của thanh niên trong phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Anh Nguyễn Tường Lâm trao tặng học bổng cho học sinh khó khăn

Ảnh Đăng Hải

Chương trình cũng nhằm thúc đẩy hình thành xã hội học tập; xây dựng môi trường giao lưu, chia sẻ và tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức của hội viên, thanh niên. Ngày hội “Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn” là một trong những hoạt động thiết thực triển khai chương trình “Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn”.
“Trong thời gian qua chương trình “Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn” đã được các cấp bộ Đoàn, Hội, đoàn viên, hội viên và thanh niên tích cực tham gia hưởng ứng bằng nhiều hoạt động thiết thực như thành lập các câu lạc bộ đọc sách; tổ chức các buổi giao lưu với các diễn giả, tác giả; trao đổi tặng sách hình thành thói quen đọc sách, xây dựng văn hóa đọc trong các bạn trẻ. Qua đó, giúp nhiều bạn trẻ tìm thấy những kiến thức, kỹ năng, ươm mầm những ước mơ, những giá trị của cuộc sống, định hướng tương lai để bước vào đời…”, anh Lâm nói.
Dịp này, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang công trình thanh niên “Không gian đọc sách thân thiện” trị giá 50 triệu đồng; trao 10 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho các em học sinh. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.