Kỹ sư trẻ gây 'sốt' với phần dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh gieo vần... lục bát

Thúy Hằng
Thúy Hằng
13/04/2020 15:13 GMT+7

24 câu thơ đầu tiên trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được một bạn trẻ là kỹ sư phần mềm dịch sang tiếng Anh nhưng vẫn giữ được cách gieo vần thể thơ lục bát đang khiến nhiều người ngạc nhiên.

Yêu Truyện Kiều, dịch trong 3 giờ

Bạn trẻ là Huỳnh Minh Quân, 29 tuổi, cựu du học sinh ngành Điện - Điện tử tại Đại học Công nghệ Nanyan (NTU), hiện sống ở Singapore, công việc của anh là kỹ sư phần mềm tại một công ty.
Quân cho biết, trong thời gian rảnh vì Covid-19, anh đã ngồi khoảng 3 giờ đồng hồ và ngẫu hứng dịch đoạn thơ đầu tiên trong Truyện Kiều, từ tiếng Việt sang tiếng Anh, đoạn từ “Trăm năm trong cõi người ta… tới Kiều càng sắc sảo mặn mà/ So bề tài sắc lại là phần hơn”. Đặc biệt, phần dịch này dù chuyển ngữ sang tiếng Anh nhưng vẫn giữ thể thơ truyền thống của Việt Nam là lục bát.
Toàn bộ phần dịch thơ của Quân:
Long time in human life,
Fate is so bad for nice people.
Go through such difficult,
I saw and had struggle feelings.
One's full, others' lacking,
Heaven, it keeps hating beauty.
On light, read history,
Popular love story for teens.
Years of Jiajing (Gia Tĩnh) The Ming,
Country's in peace, nothing special.
Vương was a rich uncle,
Normal man with normal mansion.
Quan is his youngest son,
Study to pass entrance paper.
Among his two sisters,
Kiều is a bit older than Vân.
Both girls are excellent,
Despite the difference in charm.
Thúy Vân looks pretty calm,
Full moon face with ma'am body,
With jade-like melody,
Snow white skin with curly cloud hair...
Kiều even looks unfair,
Thúy Vân cannot compare to Kiều...

Quân cho biết bản thân mình thuộc 300 câu Truyện Kiều

Ảnh NVCC

Đoạn trên tương ứng với phần thơ tiếng Việt Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du vốn quen thuộc với nhiều người Việt Nam:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
Cảo thơm lần giở trước đèn
Phong tình có lục còn truyền sử xanh
Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh
Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng
Có nhà viên ngoại họ Vương
Gia tư nghĩ cũng thường thường bực trung.
Một trai con thứ rốt lòng
Vương Quan là chữ, nối dòng nho gia
Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Kiều càng sắc sảo, mặn mà,
So bề tài, sắc, lại là phần hơn.

Học chuyên lý, thuộc 300 câu Truyện Kiều

“Tôi vẫn tự thấy vốn từ vựng tiếng Anh của mình hạn chế nên khi dịch thơ sẽ dùng toàn từ đơn giản nhất”, kỹ sư trẻ 29 tuổi cho biết. Trong khi đó, với nhiều bạn trẻ, Quân cho hay, phần thơ dịch trên hay vì giản dị, truyền đạt được ý thơ Nguyễn Du và đặc biệt cho thấy một người trẻ rất quan tâm tới văn học nước nhà.
Huỳnh Minh Quân là cựu học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM). Vốn là học sinh lớp chuyên lý, nhưng bạn trẻ cho hay anh rất thích đọc thơ, bình thơ.
“Thời tôi học THPT, tôi rất thích đọc thơ và bình thơ với các bạn trong lớp, Trường Phổ thông Năng khiếu cho tôi môi trường đọc rất nhiều. Tôi học thuộc tất cả các bài thơ đọc qua, để đố thơ với bạn trong trường, cho nên đọc nhiều nhớ nhiều. Dễ thuộc nhất dĩ nhiên là thơ lục bát, tôi đã đọc toàn văn Truyện Kiều 2 lần nhưng chỉ nhớ được tầm 300 câu. Yêu thích văn, thơ tôi thấy ứng dụng rất nhiều vào đời sống, như giúp mình nói chuyện hay hơn chẳng hạn”, Quân chia sẻ.
Không chỉ vậy, trong thời là học sinh phổ thông lẫn thời sinh viên ĐH, Quân có làm một số bài thơ, viết thơ về lớp, trường, anh cũng ấp ủ viết một tác phẩm về thời THPT “nhưng 10 năm rồi tôi không thể viết được một cái khởi đầu khiến mình hài lòng".
Mới đây, Cuốn Kiều in Dương Tường’s version, bản chuyển ngữ tiếng Anh Truyện Kiều (Nguyễn Du) của dịch giả Dương Tường, vừa ra mắt bạn đọc. Trong hai câu đầu tiên, Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau, thơ của Dương Tường dịch: In the one-hundred-year span of a human life/ Destiny implacably sets upon Talent.
Dương Tường là một trong số khoảng 10 học giả người Việt đã chuyển ngữ tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Anh. Bản dịch đầu tiên được ghi nhận là bản dịch của Lê Xuân Thủy, dịch lần đầu tiên vào năm 1963, được tác giả hiệu đính lại vào năm 2010 với tên The soul of poetry inside Kim Van Kieu.
"Hiện tại, công việc của tôi đang là kỹ sư phần mềm, việc dịch thơ như Truyện Kiều, làm thơ hay sáng tác văn phụ thuộc nhiều vào cảm xúc, tôi sẽ làm khi có cảm hứng, và hiện tại chưa có kế hoạch, lịch trình”, kỹ sư đang làm việc tại Singapore cho hay.

Tiến sĩ Jaipal Tuttle bên một cuốn Truyện Kiều

Ảnh Thúy Hằng

Nhà nghiên cứu Truyện Kiều người Mỹ, tiến sĩ Jaipal Tuttle, (tiến sĩ vật lý người Mỹ say mê nghiên cứu Truyện Kiều, Báo Thanh Niên từng đăng tải - PV) sau khi đọc phần dịch thơ sang tiếng Anh lục bát của Huỳnh Minh Quân đã thốt lên: “Bạn đó có phần dịch thơ rất tuyệt. Tôi hiểu rằng, để dịch được Truyện Kiều và vẫn giữ thể thơ lục bát thật sự là rất khó. Tôi rất hạnh phúc khi biết thêm một bạn trẻ yêu thích Truyện Kiều. Ở tuổi của bạn ấy, bạn ấy sẽ còn rất nhiều năm để học hỏi, nghiên cứu và biết đâu đấy, rất có thể một ngày bạn sẽ trở thành một chuyên gia thế giới về Truyện Kiều”.
Gần gũi như đọc bản Truyện Kiều bằng tiếng Việt
Nguyễn Thục Trinh (17 tuổi, học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP.Đà Nẵng) cho biết: Bạn em chia sẻ Truyện Kiều dịch sang tiếng Anh với thể thơ lục bát thì em cũng tò mò vào đọc thử. Em không ngờ là tác giả có thể chuyển thể những khổ trong Truyện Kiều sang tiếng Anh mà vẫn giữ được nhịp 6-8, đọc lên nghe cũng rất gần gũi như đọc Truyện Kiều bản tiếng Việt vậy”.
Làm được điều “không tưởng”: Gieo vần lục bát trong tiếng Anh
Phạm Thanh Hằng (23 tuổi, nhân viên marketing tại Steakhouse, TP.HCM) chia sẻ: “Mình ít đọc văn chương nhưng riêng Truyện Kiều thì mình thuộc cũng tương đối nhiều. Lúc đọc được bài thơ mình phải phì cười vì đọc thấy nó cũng ngộ nghĩnh. Lúc trước chưa bao giờ mình nghĩ tiếng Anh có thể gieo vần lục bát như tiếng Việt nhưng bạn tác giả bài thơ đã làm một điều theo mình là “không tưởng”, rất kính nể ý tưởng của bạn. Trong mùa dịch này mọi người khá căng thẳng thì đọc bài thơ này có thể xả stress hiệu quả và một ngày cũng bớt nhàm chán hơn rất nhiều. Cảm ơn tác giả.
Cảm hứng cho nhiều người trẻ tiếp tục dịch Truyện Kiều
Trần Minh Triết (sinh viên năm 3, khoa Kiến Trúc, Trường ĐH Văn Lang) cho biết: “Mình có biết một vài bản dịch tiếng Anh của Truyện Kiều ra thế giới và mới đây nhất là của dịch giả Dương Tường, nhưng đây là lần đầu tiên thấy một người dịch Truyện Kiều theo vần lục bát. Cá nhân mình cảm thấy rất thích thú và nghĩ rằng nếu các bạn nước ngoài đọc thì sẽ dễ hình dung vần lục bát là như thế nào thay vì chỉ giải thích. Mình cũng đang rất mong chờ tác giả tiếp tục dịch thêm những khổ tiếp theo trong Kiều. Việc này cũng có thể trở thành trào lưu và cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khác tiếp tục dịch Truyện Kiều theo cách gieo vần lục bát. Việc này có thể thúc đẩy việc trau dồi tiếng Anh cũng như tình yêu với những tác phẩm văn chương kinh điển, nhất là trong những ngày cách ly xã hội vì dịch Covid-19”.
Chỉ có thể nói “quá tuyệt” dành cho tác giả
Bùi Phạm Tuấn Kiệt (23 tuổi, khoa YHCT, Trường ĐH Y dược Huế) hồ hởi nói: “Bản dịch tuy không thể nào sát ý hoàn toàn với bản gốc nhưng việc có thể lựa chọn từ ngữ để đọc ra một câu có vần lục bát thì chỉ có thể nói “quá tuyệt” dành cho tác giả. Mình cũng là người đam mê văn chương và có chút vốn liếng tiếng Anh nên mình biết bạn tác giả phải có vốn tiếng Anh khá vững vàng và cả sự sáng tạo nữa nên mới chuyển ngữ một bài thơ đọc lên không hề bị gượng mà còn rất hay nữa. Sau đây có lẽ mình cũng thử sách dịch một đoạn Kiều theo phong cách này xem sao, cũng là một việc hay trong những ngày cách ly xã hội”.
Nguyễn Khánh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.