Tiến sĩ vật lý người Mỹ say mê nghiên cứu 'Truyện Kiều'

Thúy Hằng
Thúy Hằng
18/12/2019 08:16 GMT+7

Hai tháng trước, tiến sĩ Jaipal xuất hiện trong chương trình Talk Việt Nam của VTV4 dài hơn 40 phút. Say mê nói về Truyện Kiều , chúng tôi có lúc không tin ông là người Mỹ.

Tiến sĩ Jaipal Tuttle chậm rãi bên ly cà phê ở trên đường Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM, giọng rành rọt “trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Hữu duyên, trên con đường mang tên đại thi hào, chúng tôi cùng bàn luận về Truyện Kiều.
Là tiến sĩ vật lý ở ĐH California, ĐH Yale (Mỹ) và có công việc ổn định về giao dịch trên thị trường chứng khoán ở Phố Wall, cuộc sống của ông Jaipal Tuttle thay đổi vào năm 1998, khi lần đầu tiên tới Việt Nam.
Trở về Mỹ, tiến sĩ Jaipal quyết định nghỉ việc, ông quay lại Việt Nam, bắt đầu học tiếng Việt và say mê đọc rất nhiều sách, báo, xem phim, nghe nhạc Việt Nam. 5 năm sau, tình cờ một lần ông tìm thấy một cuốn sách giấy ố vàng. “Tôi mở ra và kinh ngạc, mình đã không hiểu bất cứ một chữ gì trong đó, dù mình đã học 5 năm tiếng Việt. Đó là Truyện Kiều, dịch từ chữ Nôm sang chữ Hán Việt. Tôi đã biết mình phải làm gì sau đó”, tiến sĩ Jaipal kể về cơ duyên để ông say mê học chữ Hán, chữ Nôm và tìm hiểu về Truyện Kiều xuyên suốt 16 năm qua.

Phát hiện bài thơ kiều viết trước khi nhảy sông tiền đường

“Từ Kim Vân Kiều Truyện của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân, đại thi hào Nguyễn Du đã kể lại một câu chuyện tuyệt vời bằng 3.254 dòng thơ lục bát với ngôn ngữ tuyệt đẹp, lồng ghép trong đó những phẩm chất, đạo lý lịch sử, tôn giáo và trở thành tuyệt tác của văn học Việt Nam. Trong Truyện Kiều có sự giao thoa của đạo Khổng, đạo Phật và tín ngưỡng tổ tiên”, tiến sĩ Jaipal, người đang sở hữu bộ sưu tập hơn 100 cuốn Truyện Kiều, từ những bản in quý của rất nhiều năm trước. Ông cho hay mình đặc biệt thích nhân vật Thúy Kiều, Từ Hải và so sánh cặp đôi này như Romeo và Juliet trong tuyệt tác của Shakespeare. “Tình yêu của Từ Hải dành cho Thúy Kiều là một tình yêu mạnh mẽ, bất diệt. Chấp nhận quá khứ, để hướng về những gì tốt đẹp nhất tương lai, đó là một tình yêu bao dung và trường cửu. Tôi bị xúc động mạnh với hình ảnh Từ Hải hiên ngang, chết đứng ở chiến trường, chân vùi trong cát, nhưng khi thấy những giọt nước mắt đau đớn của Kiều khi chạy tới, Từ Hải đổ xuống”, tiến sĩ người Mỹ trầm ngâm.
Một trong những phát hiện của tiến sĩ Jaipal, đó là bài thơ mà Thúy Kiều viết trước khi nhảy xuống sông Tiền Đường sau 15 năm đời nàng nhiều biến cố. “Nguyễn Du có nhắc trong Truyện Kiều, là Kiều viết một bài thơ, nhưng nội dung bài thơ ấy ra sao thì không nêu. Tôi đã tìm thấy bài thơ đó trong Kim Vân Kiều Truyện và dịch từ nguyên tác chữ Hán ra chữ quốc ngữ, và cả một bản tiếng Anh. Mười lăm năm trước có ước/Sáng nay mới tới Tiền Đường/Trăm đời ngày tháng thoi đưa/Một kiếp như chuyện kê vàng/Triều tín giục người đi đó!/Rút tên khỏi sổ đoạn trường”, tiến sĩ Jaipal chia sẻ.

Chưa lúc nào hối tiếc

Hai tháng trước, tiến sĩ Jaipal xuất hiện trong chương trình Talk Việt Nam của VTV4 dài hơn 40 phút. Say mê nói về Truyện Kiều, chúng tôi có lúc không tin ông là người Mỹ.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, ông cho hay không chỉ nghiên cứu văn học trung đại, ông còn đang tìm hiểu văn học hiện đại đầu thế kỷ 20, cuốn sách ông đang đọc là Làm đĩ của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Tiến sĩ thành thật: “Tôi nghiên cứu vật lý ở ĐH Yale, ĐH California và ĐH Stanford, công việc đó rất khó, tuy nhiên so sánh với việc nghiên cứu văn học trung đại, tìm hiểu Truyện Kiều, học chữ Hán Việt, chữ Nôm thì nó không thấm tháp vào đâu cả”.
Rời khỏi nước Mỹ, nơi đang có nghề nghiệp nhiều người mơ ước với thu nhập cao, để chọn Việt Nam và công việc không thể “ra tiền” bằng, nhưng tiến sĩ Jaipal cho biết chưa một lúc nào ông hối tiếc. Ông hào hứng khoe, mình đã tới Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Huế, Phan Thiết. Còn ở miền Nam, chưa tỉnh thành nào ông chưa đặt chân tới, từ Tây Ninh tới Cần Thơ, Long An, Kiên Giang, Cà Mau...
Ông từng kết hôn với một phụ nữ Việt Nam. “Tôi yêu thích trải nghiệm và nghĩ rằng nó đáng quý hơn việc mình sẽ có bao nhiêu tiền. Ở Việt Nam, tôi có hai đứa con đáng yêu, tài sản lớn nhất của tôi; tôi có những trải nghiệm tuyệt vời, một chiều hoàng hôn lẻ bóng ở một miền quê xa lạ, tôi nghêu ngao hát với những người bạn và thấy rằng cuộc đời này đáng sống biết bao nhiêu”.

“Chắc kiếp trước tôi là người Việt Nam”

Yêu Truyện Kiều và luôn mong muốn có thêm những cơ hội có thể trao đổi ở các trường ĐH về tuyệt tác, nhưng một trong những trăn trở của tiến sĩ người Mỹ, đó là làm sao để ngày càng nhiều người trẻ Việt Nam quan tâm tới Truyện Kiều hơn. “Tôi rất tâm đắc câu nói của nhà văn hóa Phạm Quỳnh “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn. Tiếng ta còn thì nước ta còn”. Hầu như ai là người Việt Nam cũng biết Truyện Kiều, nhưng hiểu sâu về nó thì rất ít. Tôi nghĩ tới mạng xã hội như Facebook hay Instagram, công cụ mà giới trẻ dành nhiều thời gian với nó mỗi ngày. Tôi luôn tự hỏi, làm sao để có thể tạo ra những cuộc thảo luận, trao đổi với nhau về Truyện Kiều trên mạng xã hội”.
Bây giờ, không chỉ có Truyện Kiều, niềm say mê của tiến sĩ Jaipal Tuttle còn ở cải lương, bolero, mỗi tuần ông có 4 buổi tập luyện với một thầy giáo dạy bolero tại Q.7. Lý giải tất cả những duyên nợ với Việt Nam, từ văn học tới âm nhạc, ẩm thực, con người..., tiến sĩ Jaipal thổ lộ “chắc kiếp trước tôi là người Việt Nam!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.