Giáo sư trẻ nhất Việt Nam được tặng giải thưởng Ramanujan của ICTP

Quý Hiên
Quý Hiên
23/10/2019 21:15 GMT+7

Phạm Hoàng Hiệp, giáo sư trẻ nhất Việt Nam đã được Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế ICTP công bố đạt giải thưởng Ramanujan 2019, một giải thưởng dành cho các nhà toán học trẻ ở các nước đang phát triển.

Hôm nay, 23.10, trang chính thức của Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế ICTP công bố trên trang nhất thông tin về giải thưởng Ramanujan 2019. Theo đó, người được ICTP trao giải thưởng Ramanujan 2019 là Phạm Hoàng Hiệp, công tác tại Viện Toán học Việt Nam.
Thông báo viết: “Giải thưởng là để ghi nhận những đóng góp nổi bật của ông (GS Phạm Hoàng Hiêp - PV) trong lĩnh vực giải tích phức và cụ thể là lý thuyết đa thế vị, nơi ông đã đạt được một kết quả quan trọng về các điểm kỳ dị của các hàm đa điều hòa dưới; các phương trình Monge-Ampère phức và tình trạng đạt ngưỡng dạng log-chính tắc, với các ứng dụng quan trọng trong hình học Kähler phức và hình học đại số. Giải thưởng cũng thể hiện sự công nhận vai trò tổ chức quan trọng của Phạm trong sự tiến bộ của toán học tại quê nhà của ông, Việt Nam”.
Theo GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện toán học Việt Nam, đây là một tin vui đối với cộng đồng toán học trong nước, vì giải thưởng Ramanujan của ICTP là một giải thưởng danh giá dành cho các nhà toán học trẻ (dưới 45 tuổi) làm việc tại các nước đang phát triển, mỗi năm có 1 nhà toán học trẻ được chọn. Trong số những người đã nhận giải, nhiều người đã trở thành các nhà toán học tên tuổi, được mời báo cáo tại các đại hội toán học thế giới. GS Phùng Hồ Hải nói: “Giải thưởng Ramanujan năm nay được trao cho GS Phạm Hoàng Hiệp thêm một lần nữa khẳng định sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với các nhà toán học Việt Nam”.
GS Phùng Hồ Hải cũng cho biết, đến nay đã có 3 người Việt Nam được tặng các giải thưởng của ICTP. Ngoài GS Phạm Hoàng Hiệp còn có GS Đàm Thanh Sơn (ĐH Chicago, Mỹ), được tặng huy chương Dirac (một giải thưởng rất danh giá trong cộng đồng vật lý quốc tế dành cho các nhà khoa học đã có những đóng góp đáng kể cho vật lý lý thuyết) năm 2018; PGS Lê Hồng Vân, được tặng giải thưởng ICTP (giải thưởng dành cho các nhà khoa học trẻ từ các nước đang phát triển) năm 1991, khi bà Vân còn là cán bộ trẻ của Viện Toán học Việt Nam (nay bà là phó giáo sư Viện toán học, Viện hàn lâm CH Séc).
Nhà toán học Phạm Hoàng Hiệp là một nhân vật quen thuộc với giới truyền thông trong nước. GS Phạm Hoàng Hiệp được nhà nước công nhận và được Viện Toán học Việt Nam bổ nhiệm giáo sư năm 2017, khi mới 36 tuổi và là giáo sư trẻ nhất Việt Nam. GS Phạm Hoàng Hiệp là Giám đốc Trung tâm quốc tế đào tạo và nghiên cứu toán học, trực thuộc Viện Toán học Việt Nam. Đây là một trung tâm hoạt động dưới sự bảo trợ của UNESCO nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển toán học trong khu vực.
Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế ICTP là một trung tâm nghiên cứu quốc tế về vật lý và toán học, do nhà vật lý lý thuyết Abdus Salam (người từng đoạt giải Nobel) khởi xướng thành lập năm 1964. Trung tâm đặt ra sứ mệnh là cung cấp cho các nhà khoa học ở các nước đang phát triển những kỹ năng và cơ hội đào tạo để họ say mê theo đuổi sự nghiệp khoa học lâu dài và hiệu quả. Theo nhận định của Hội Vật lý Việt Nam, ICTP đã chứng tỏ như một lực lượng chính trong việc ngăn chặn sự chảy máu chất xám khoa học từ các nước đang phát triển.
Trụ sở của ICTP được đặt tại Ý. Trung tâm được hoạt động theo thỏa thuận ba bên giữa chính phủ Ý; Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa UNESCO; Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
ICTP đã thiết lập các giải thưởng để tôn vinh và khuyến khích nghiên cứu cấp cao trong lĩnh vực vật lý và toán học gồm: Huy chương Dirac, dành cho các nhà khoa học đã có những đóng góp đáng kể cho vật lý lý thuyết; Giải thưởng ICTP, dành cho các nhà khoa học trẻ từ các nước đang phát triển; Giải thưởng ICO/ICTP Gallieno Denardo, dành cho những đóng góp đáng kể cho lĩnh vực quang học; Giải thưởng Ramanujan, dành cho các nhà toán học trẻ từ các nước đang phát triển; Giải thưởng Walter Kohn, được trao bởi ICTP và nền tảng Lượng tử ESPRESSO, cho công việc trong các vật liệu cơ học lượng tử hoặc mô hình phân tử, được thực hiện bởi một nhà khoa học trẻ làm việc tại một quốc gia đang phát triển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.