Làm bún từ trái gấc

Lê Thanh
Lê Thanh
30/10/2020 07:28 GMT+7

Người có ý tưởng ấy là Trần Đình Lượng, 26 tuổi (ở Nam Hà, H.Cư Jút, Đắk Nông). Lượng là cựu sinh viên ngành bác sĩ thú y, Trường ĐH Tây Nguyên.

 Chàng trai này đã từng làm việc tại Israel và Đức. Nhưng sau đó về quê nhà để khởi nghiệp với dự án sản xuất bún gấc.
Lượng chia sẻ cách đây hai năm, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng thuộc Sở Khoa học tỉnh Đắk Nông lựa chọn hợp tác xã nông lâm nghiệp Nam Hà làm đơn vị chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những vườn cà phê và hồ tiêu kém hiệu quả sang cây gấc góp phần xóa đói giảm nghèo.
Từ quả gấc, Lượng và bạn bè đã có suy nghĩ: “Hay là thử tìm cách cho ra đời... bún từ gấc xem sao”. Nghĩ là làm, cả nhóm dành nhiều thời gian nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm, cho ra mắt sản phẩm bún gấc thiên nhiên.
Theo đó, bún gấc là sản phẩm kết hợp giữa bún gạo truyền thống và những tinh chất của trái gấc.
Theo chàng trai người Đắk Nông này, bên cạnh ưu điểm là bổ dưỡng, thì bún từ gấc có thể dùng được cho tất cả mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người già đều rất tốt. Và hơn hết là dễ dàng sử dụng và chế biến, có thể kết hợp được với nhiều món ăn tùy thích như: xào, lẩu...
Chính vì thế, chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt, bún gấc với chất lượng đảm bảo, giá cả phải chăng, nhiều lợi ích cho sức khỏe... đã được người dùng đón nhận nhiều. Bên cạnh đó là vô số phản hồi tích cực như: rất ngon, vừa lạ mắt, chất lượng tuyệt vời...
Theo Lượng, trong khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp bằng việc sản xuất ra các sản phẩm liên quan thực phẩm, thì yếu tố an toàn vệ sinh được đặt lên hàng đầu. Thế nên, từ khâu quản lý đầu vào đến khi sản phẩm xuất xưởng luôn thực hiện đúng theo quy trình nghiêm ngặt.
“Với lợi thế nguyên liệu vùng nằm gần trong diện tích công viên địa chất Đắk Nông, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch để phát triển du lịch nông trại. Không chỉ quảng bá sản phẩm mà qua đó còn thu hút lượng khách đến với du lịch Đắk Nông”, Lượng cho biết thêm.
Chàng trai 26 tuổi này tin tưởng về dự án khởi nghiệp của mình thành công vì lợi thế là có vùng nguyên liệu rộng lớn có thể làm truy xuất nguồn gốc và sẽ đầu tư về chất lượng, mẫu mã, giá cả sản phẩm một cách tốt nhất…
Không dừng lại đó, Lượng còn cho biết sẽ áp dụng những kiến thức học ở nước ngoài, sẽ đưa bún gấc xuất khẩu ra thị trường các nước trên thế giới.
Theo Lượng, hiện nhóm của mình cũng đã nghĩ đến việc nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm khác từ gấc như: sợi hủ tiếu, sợi phở, bánh gấc…
“Mình vui với dự án khởi nghiệp làm bún từ gấc này. Vì không những tạo thu nhập cho cá nhân, mà còn tạo đầu ra ổn định cho cây gấc, giúp tăng mức thu nhập cho nhiều hộ gia đình, đồng thời tăng ngân sách cho địa phương”, Lượng chia sẻ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.