Làng đại học khi sinh viên đi học trở lại: Vui như chưa từng được vui!

24/05/2020 18:04 GMT+7

Không còn khung cảnh vắng vẻ như trong 'kỳ nghỉ tết lịch sử' vì dịch, giờ đây trên mọi nẻo đường ở làng đại học đều tấp nập người qua, kẻ lại. Sinh viên đi học trở lại, làng đại học vui như chưa từng được vui.

Tranh thủ hẹn hò cùng bè bạn

Sau gần ba tháng vắng bóng sinh viên, làng đại học bỗng nhộn nhịp trở lại, trả lại không gian năng động cho các bạn sinh viên như ngày nào. Đặc biệt, khi về đêm, nhịp sống ở nơi đây trở nên sôi động như tết. Con đường ẩm thực nức tiếng của làng đại học cũng chen chúc các hàng quán thu hút lượng lớn sinh viên đến thưởng thức. Sân trượt patin, sân bóng đá của Nhà Văn hóa Sinh viên cũng rộn ràng mỗi ngày...

Nhiều nhóm sinh viên chọn hàng quán ăn vặt làm nơi gặp mặt sau thời gian dài xa cách

TUYẾT RCOM

Lâu ngày không gặp nhau, nhiều nhóm sinh viên đã tụ họp tại các quán trà sữa, hàng quán vặt ven đường ở khu làng đại học, hàn huyên tâm sự. Để có chỗ ngồi “đắc địa” tại quán bán xiên, Ngô Phương Mai (sinh viênTrường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) và nhóm bạn của mình đã phải đến thật sớm để “đánh dấu lãnh thổ”. “Mình rất vui vì bây giờ đã có thể đi ăn và tâm sự cùng bạn bè thoải mái. Lúc ở nhà, mình mong ngóng từng giây, từng phút để vào lại thành phố. Có bạn bè, cảm giác cô đơn, nhớ ba mẹ dưới quê đã vơi đi phần nào. Hiện tại ở đây cũng tấp nập hơn rồi và mình cũng dần quen lại với nhịp sống hối hả của trước đây như lúc chưa nghỉ tết", Mai Phương tâm sự.

Chị Bùi Hằng Nga vui mừng chào mời sinh viên

TUYẾT RCOM

Cũng tranh thủ những ngày cuối tuần rảnh rỗi, Nguyễn Tri Thuận và Võ Tuyết Mai ( sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cùng nhau đi chợ đêm làng đại học để sắm vài món đồ tư trang cá nhân. Khi được hỏi về cảm xúc trở lại làng đại học thân thương, Tri Thuận bộc bạch: “Mình cảm thấy có chút bồi hồi khi quay trở lại, mọi thứ vừa lạ vừa quen. Mình cũng rất vui vì được gặp lại bạn bè, thầy cô sau hơn ba tháng xa cách”.

Chợ đêm sáng đèn, thu hút nhiều sinh viên đến mua sắm

TUYẾT RCOM

Còn Võ Tuyết Mai thì tâm sự: “Mình rất háo hức khi đi học lại, dù ban đầu hơi choáng vì số lượng bài tập khá nhiều, nhưng giờ thì đỡ rồi. Lại được dạo quanh Nhà Văn hóa Sinh viên và ăn những đồ ăn vặt ở đây là mình cảm thấy vui rồi”. Mai còn chia sẻ thêm: “Khoảng hai tuần trước khi chính thức đi học lại thì không khí ở đây đã nhộn nhịp rồi, mọi thứ như trở lại quỹ đạo cũ của nó vậy, không khí này tạo cho mình một sự quen thuộc đến lạ lùng”.

“Sinh viên trở lại, tôi thấy lòng mình có sức sống hơn”

Có lẽ được gặp lại nhau, sinh viên vui một nhưng những người bán hàng quán ở đây vui mười. Họ là những người chứng kiến sự vắng vẻ của làng đại học trong mùa dịch, và biết bao mong ngóng chờ ngày sinh viên quay lại. Với họ, có sinh viên thì việc buôn bán sẽ thuận tiện hơn, nhưng đó chưa phải là tất cả, vì gắn bó với nhau quá lâu, họ xem sinh viên như những người thân của mình và khi sinh viên trở lại họ thấy mình như có sức sống hơn.

Cô Hà Thị Tâm tất bật làm bánh tráng nướng để kịp bán cho khách. Cô cho biết bán cho sinh viên quen rồi nên thiếu sinh viên là buồn khôn tả

TUYẾT RCOM

Tất bật làm bánh để kịp đưa cho khách, trên gương mặt không giấu nỗi niềm hạnh phúc, cô Hà Thị Tâm (46 tuổi), người bán bánh tráng nướng lâu năm tại chợ đêm làng đại học, hào hứng nói: “Từ lúc nghỉ tết tới trước khi sinh viên đi học lại thì cô bán ế ẩm lắm. Lúc đó rất ít sinh viên ở lại nên bán chẳng được bao nhiêu. Giờ thì đông hơn rồi, cô cũng bán được nhiều hơn, lại được nghe các bạn khen cô nướng bánh ngon. Tụi nó tíu ta tíu tít bên tai cô cả ngày nên khi vắng thấy nhớ vô cùng. Làng đại học mà không có sinh viên thì đâu còn là làng đại học nữa”.

Chợ đêm có sinh viên nên như có "sinh khí" trở lại

TUYẾT RCOM

Dọn hàng từ lúc 13 giờ, chị Bùi Hằng Nga (30 tuổi) không ngớt lời mời chào khách vào sạp giầy dép ở trong chợ đêm. Chị Nga tâm sự: “Nhìn các bạn sinh viên đi mua đồ mà chị thấy mừng, lâu rồi chợ chưa được nhộn nhịp như thế này. Mình kinh doanh mà, càng đông thì mình càng thích. Hồi trước chợ vắng tanh, buồn lắm, thậm chí có ngày còn không có ai để mở hàng nữa.  Giờ khách cũng còn ít nhưng cũng đỡ được phần nào”. Thay vì chỉ bán được 1 – 2 đôi giày vào một đêm thì bây giờ chị Nga có thể bán được 10 đôi, thậm chí gần 20 đôi/đêm.

Những gian hàng thân thương của sinh viên trong làng đại học

TUYẾT RCOM

Ở tuổi đời ngoài 60, ông Trần Văn Mến chọn làm công việc chăm sóc cây xanh tại Nhà Văn hóa Sinh viên ở làng đại học khi về già. Với ông Mến, chăm sóc cây là để tạo không gian xanh, mát cho các bạn sinh viên khi đến Nhà văn hóa vui chơi. Trong thời gian  cách ly xã hội, vắng người qua lại nên tâm trạng của ông cũng chùng xuống.

Ông Trần Văn Mến (62 tuổi) ngồi lặng nhìn các bạn sinh viên đến chợ đêm sau thời gian xa nhớ

TUYẾT RCOM

Ông tâm sự: “Rôm rả tiếng sinh viên, tôi thấy mình có sức sống hơn và có thêm nhiệt huyết để làm công việc hiện tại. Chăm sóc cây cũng là để cho sinh viên có bóng mát, nên khoảng thời gian không có sinh viên tự nhiên trống trải lắm. Giờ thì cây lớn hơn và tỏa bóng hơn rồi, thấy sinh viên cười nói dưới tán cây mà tôi thấy lòng mình vui hẳn và làng đại học cũng vui hơn hẵn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.