Nghĩa tình người Sài Gòn giữa dịch Covid-19

01/04/2020 20:15 GMT+7

Giữa những khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 , nghĩa tình người Sài Gòn trước việc chăm lo cho người nghèo càng lan toả mạnh hơn. Hàng loạt quán cơm miễn phí, giá rẻ đã nổi lửa cho người nghèo trong những ngày này.

Mỗi khi khó khăn, người Sài Gòn lại dang tay ra để hỗ trợ những người nghèo, người lang thang... Những ngày cả nước phòng, chống dịch Covid-19 này cũng không ngoại lệ. 

Tăng suất cơm tương trợ

Anh Nguyễn Tập, một thành viên của quán cơm tương trợ 2.000 đồng Nụ Cười 6 (số 11 Nguyễn Huy Lượng, P.14, Q.Bình Thạnh) cho biết ngày 1.4, quán đã nổi lửa nấu 400 suất cơm. Các quán cơm Nụ Cười 4, 7, 8 cũng đặt Công ty Cỏ May nấu 500 suất.

Anh Tập cho biết thoạt đầu quán Nụ cười 6 dự tính chừng 10 giờ 30, tình nguyện viên sẽ lái xe đi phân phối cơm nhưng bà con đang điều trị, thăm nuôi tại Bệnh viện Ung bướu gần đó nghe tin đã kéo đến từ... 8 giờ sáng và ngồi ngoài đường đợi. Sợ họ ngồi đợi lâu mệt, nên mọi người phải cấp tốc vào hộp đến đâu giao đến đó. Cơm chẳng mấy chốc mà hết “sạch sành sanh”. Rất vui là bà con đều ý thức đeo khẩu trang cẩn thận, không che lấn, dồn ứ. UBND P.14, Q.Bình Thạnh cũng cử hai dân phòng đến giúp quán giữ trật tự và khoảng cách an toàn phòng tránh lây lan dịch bệnh.

Anh Tập cảm khái: "Có đi mới thấy thương, người nghèo đâu ra mà dữ thần vầy nè. Đó là gia đình bé mọn của chị Nguyễn Thị Thu Loan, 37 tuổi, làm nghề lượm ve chai. Cả nhà gồm chị, ông chồng chạy xem ôm và đứa con 6 tuổi bị thiểu năng sống bên hông Bảo tàng Mỹ Thuật. “Nhà” là mấy tấm bạt phủ lên chiếc xe đẩy nhỏ. Thấy tình nguyện viên đến, thằng nhỏ nhem nhuốc, đi chân không, chỉ bận áo không bận quần lon ton chạy ra ôm lấy phần cơm. Được chụp hình, nó ngoác miệng cười nắc nẻ, lộ hàm răng sún không còn một cái. Đó là chú xe ôm thâm niên hơn 30 năm Trần Văn Lượm, 61 tuổi, người gầy đét đang chờ khách ở góc đường. Cầm phần ăn đầy đủ cơm canh trên tay, mặt chú đầy hân hoan, không quên cảm ơn và dặn: “Lỡ bữa sau đến không gặp chú thì con gửi chú bảo vệ bên kia đường giùm. Nhiều khi chú đi chở khách, về cũng còn có cái để ăn. Mùa này vắng lắm”.

Tình nguyện viên quán Nụ Cười 6 đi tặng cơm được trang bị bảo hộ kỹ càng để phòng tránh lây nhiễm

Nguyễn Tập

Đó cũng là cụ già móm mém người Hoa Lâm Tài Kim đạp xích lô. Hỏi tuổi, không nhớ. Hỏi nhà, không có. Chiếc xích lô cũ mèm, quấn chằng chịt đồ dùng cá nhân vừa là cần câu cơm, vừa là nhà, cứ thế mà đạp xe quanh mấy con phố. Đường xá giờ hầu hết cấm xích lô, ba gác. Khách cần thì đặt Grab, GoViet đi cho nhanh, cho tiện. Ai sẽ ngồi lên chiếc xích lô cà rịch cà tang của ông già Kim hom hem?...

Theo anh Tập, từ ngày 2.4, quán Nụ Cười 6 sẽ nấu tăng lên 600 suất cơm. Quán Nụ cười 2 (488 Trường Chinh, P.13, Q.Tân Bình) bắt đầu nổi lửa, nấu 300-400 suất. Các quán còn lại như Nụ cười 4, 7, 8 vẫn tiếp tục thực hiện như hôm nay nhưng số lượng tăng lên 750 suất. Tổng cộng, ngày 2.4, các quán cơm trong hệ thống Nụ Cười sẽ phân phối khoảng 1.700 suất cơm.

Bên cạnh việc phân phối cơm, vài ngày tới các quán cơm Nụ Cười sẽ cùng lực lượng tình nguyện viên đi tặng thực phẩm khô (gạo, xì dầu, trứng, cá khô...) cho người nghèo. Bằng cách này người nghèo sẽ bớt di chuyển hơn (giảm lây nhiễm và phát tán dịch bệnh), có thể cầm cự được với cái đói lâu hơn.

"Thật lòng, chúng tôi chưa bao giờ lo sẽ thiếu thực phẩm cho người nghèo bởi chúng tôi biết Sài Gòn đầy nghĩa tình này sẽ không bao giờ để đồng bào của mình bị đói. Điều duy nhất chúng tôi lo là chẳng may ở đâu đó có những hoàn cảnh khốn khó mà chúng ta vô tình không biết. Nếu biết ở đâu có những hoàn cảnh thật sự khó khăn vui lòng báo lại, chúng tôi sẽ đến tận nơi giúp đỡ", anh Tập cho biết.

Dìu nhau qua mùa dịch 

Trên mạng xã hội, thông tin về những quán cơm giá rẻ, miễn phí, những địa điểm tặng quà cho người nghèo, người lang thang, người tạm thời mất việc làm khó khăn... đang tràn ngập. 
Chị Bùi Mai Anh (P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú) là một người làm việc ngay tại nhà. Nhưng trong đợt này, khi thấy có nhiều người khó khăn trong đợt dịch Covid-19 này, chị quyết định sẽ làm mỗi ngày 50 - 100 suất ăn gồm cơm, bánh mì, sữa... để tặng. 

Chuẩn bị cơm hộp tại quán cơm tương trợ 2000 đồng Nụ Cười 6

Nguyễn Tập

"Thời điểm này, mình thấy cần phải hỗ trợ một tay, giúp cho những người bán vé số, người lượm ve chai hoặc người nghèo trong đợt dịch này. Ban đầu, mình dự định đứng một địa điểm để phát nhưng hiện nay không tiện nên mỗi tối, mình sẽ đi các nơi để tặng các suất ăn này. Mình cũng sẽ đến các khu nhà trọ của những người nghèo để hỗ trợ. Vì chỉ có một mình để chuẩn bị đồ ăn nên mình chỉ chuẩn bị được khoảng 50 - 100 suất. Mong mọi người sẽ bình an qua mùa dịch", chị Mai Anh chia sẻ.
Anh P.C, một chuyên gia truyền thông phim, chia sẻ những địa chỉ này kèm theo những dòng tâm sự rất cảm xúc: "Hiện tại mình không đủ sức làm được gì hơn, ngoài việc chia sẻ thông tin thiết thực này, từ bạn bè (ở Sài Gòn) trực tiếp đi làm việc thiện nguyện mùa dịch. Nếu bạn bè trên Facebook thấy bà con bán vé số, người lao động cơ nhỡ, tạm thời mất việc làm mùa dịch nên chưa kịp xoay sở với nỗi lo trong thời gian cách ly toàn xã hội... ở khu vực mình cư ngụ, hãy thử chia sẻ thông tin "Dắt nhau qua mùa dịch" bằng nhiều cách phù hợp nhất có thể, trong khả năng của nhau (bởi có thể bà con thuộc đối tượng cần hỗ trợ này không có điều kiện tiếp cận thông tin Facebook). Các hàng quán, địa điểm cứu trợ trong danh sách này có phát cơm miễn phí (hoặc có giá bán dưới 5.000 đ)". 
Cứ thế, người Sài Gòn đang dang tay cùng người nghèo đi qua mùa dịch Covid-19. 
Động viên nhau cố gắng
Sáng 1.4, các bạn đoàn thanh niên Công an Q.Tân Bình, TP.HCM đã trao 200 hộp sữa dinh dưỡng cho các y bác sĩ tại Trung tâm y tế tại địa phương. Điều đặc biệt trên những hộp sữa ấy là những lời nhắn gửi được viết tay từ chính các chiến sĩ để khích lệ tinh thần đến các y bác sĩ hằng ngày đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19.
Cầm hộp sữa trên tay mà không khỏi xúc động, chị Nguyễn Nguyên Khánh Ngọc, 26 tuổi, nhân viên Khoa dược Trung tâm y tế Q.Tân Bình, TP.HCM, tâm sự đây khoảng thời gian mà anh em đồng nghiệp ngành y trên cả nước đang rất nỗ lực cố gắng phát huy hết khả năng, chuyên môn cũng như toàn thời gian của mình. Chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng để góp phần thực hiện tốt vai trò đảm bảo an toàn tránh lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng.
“Các anh chiến sĩ công an cũng đã vất vả, chung sức cống hiến đẩy lùi dịch Covid-19, nhưng vẫn dành tình cảm đến mấy bạn làm ngành y như tụi mình. Thật sự cảm thấy rất bất ngờ và cảm động. Mong rằng những điều tốt đẹp nhỏ nhoi này được lan rộng đến tất cả mọi người”, chị Khánh Ngọc cho biết.
Tấn Đạt
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.