Người đặt nền móng hơn 300 cây cầu

15/08/2019 07:28 GMT+7

Từ 20 năm nay, cứ đến tháng 7, tháng 8 là người dân ở miền Tây sông nước lại vui mừng khánh thành những tuyến đường, cây cầu mà nhiều khi họ nghĩ nằm mơ cũng không thấy được.

Đấy là những tuyến đường, cây cầu in dấu màu xanh của các sinh viên (SV) tình nguyện Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Để SV có được những ngày hè làm nên nhiều điều ý nghĩa như vậy là xuất phát điểm từ những người đã đặt nền móng cho chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh ở TP.HCM, trong đó có thầy Võ Tấn Thông, Trưởng phòng Công tác chính trị SV, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

Những viên gạch đầu tiên

Theo thầy Thông, năm 1989, khi thầy đang là SV và là Bí thư Đoàn Khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thầy và một vài nhân vật ngồi lại với nhau cùng nghĩ: “SV đông như vậy nhưng ngày hè chưa có việc gì để làm cho ý nghĩa?”. Thế là, bắt đầu với chuyên môn về sư phạm để khởi xướng chiến dịch Xóa mù chữ (mở đầu của chiến dịch thanh niên tình nguyện hè ngày nay).
“Ngày đó người dân cần xóa mù nhiều lắm, nên ý tưởng 3 năm đầu chỉ như vậy. Rồi những năm tiếp theo mới rủ thêm bác sĩ đi phát thuốc khám bệnh, nhưng không có tiền mới giao cho đội hình Trường ĐH Bách khoa đi vận động quyên góp, để SV y dược mua thuốc làm tình nguyện”, thầy Thông kể.
Thầy Thông không quên những ngày đầu, đội quân đầu tiên chủ yếu là SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, 30 SV tình nguyện ngày đó đạp xe qua các cánh đồng của huyện Hóc Môn, Củ Chi rồi ngồi dạy xóa mù chữ bên những bóng đèn hột vịt.
Bắt đầu từ năm 1992, sau khi SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM xuất quân để xây nhà tình thương, SV y dược khám chữa bệnh, SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thì biểu diễn văn nghệ, từ đó chiến dịch mới đổi tên thành “Ánh sáng văn hóa hè”. Đến năm 1995, Thành đoàn TP.HCM phát động rộng hơn và đổi tên thành chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, sau đó T.Ư Đoàn triển khai ra toàn quốc và mang tên chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè như 20 năm nay.
“Sau 6 năm xây nhà cho người dân mới thấy, làm nhà chỉ giải quyết được cho một hộ gia đình, nên làm gì để phục vụ cho cộng đồng nhiều hơn. Lúc đó mới nảy ra câu chuyện làm đường và cầu. Nhưng những công trình này không phù hợp ở thành phố nên tôi mới xin để đưa đội quân về “đóng đô” ở các tỉnh miền Tây. Từ đó đến nay, hơn 230.000 m đường và 310 cây cầu đã được bàn giao, giải quyết được rất nhiều khó khăn cho người dân”, thầy Thông chia sẻ.

Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè thật sự rất ý nghĩa, không chỉ cho cộng đồng mà cho chính SV. Công trình làm được lớn hay nhỏ không quan trọng, điều quan trọng nhất là qua chiến dịch, SV sống trách nhiệm hơn với cộng đồng, gia đình và bản thân mình. Điều đó thật sự rất đáng quý”

Võ Tấn Thông Trưởng phòng Công tác chính trị SV, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM

Làm cầu, làm đường chỉ bằng tay

“Năm 2000 đi khảo sát các tỉnh miền Tây, chỉ cần nhìn trẻ con đi học mới thấy đứt ruột. Mùa mưa thì lớp học vắng tanh, ngày thường thì mặc quần xà lỏn, lội sình té lên té xuống, lên đến gần trường mới xin nhà người dân tắm rửa rồi thay đồ vào lớp học. Nhưng đó cũng chỉ là những học sinh chăm học, chịu khó chứ còn đâu là bỏ học hết. Cầu thì chỉ là cầu khỉ, học sinh đi học toàn té lọt sông. Nên quyết tâm ngày đó của chúng tôi là xóa hết cầu khỉ cho tất cả tuyến đường đi đến trường. Với quyết tâm đó, trong 3 mùa chiến dịch đầu tiên đã xây đến 40 cây cầu, và hàng ngàn mét đường”, thầy Thông cho biết.
Nhắc đến khó khăn của những tháng ngày đó, thầy Thông còn ớn lạnh. Theo thầy, ngày đó mọi công đoạn đều làm bằng tay, ớn nhất là đổ bê tông làm đường mà cũng phải đổ bằng tay.
Người đặt nền móng hơn 300 cây cầu1

Thầy Võ Tấn Thông sau 30 năm vẫn trực tiếp đứng chỉ huy và cùng SV thực hiện các công trình trong chiến dịch tình nguyện hè

Ảnh: NVCC

Những kỳ tích đó như hiện ra trước mặt, thầy Thông đứng dậy, kết hợp ngôn ngữ hình thể tái hiện những nỗ lực ngày đó của đội hình: “Mỗi lần đổ bê tông là 4 thằng 4 góc của tấm bạt nhựa, đổ xi măng, đá, cát vào rồi cứ hô 2, 3, rồi lại 3, 2 mà cứ thế lắc qua rồi lắc lại cho đến khi đều mới khoét lỗ đổ nước vào. Rồi công đoạn chuyển cây dầm cầu từ ngoài vào đến nơi thi công, mỗi cây dầm dài 15 m, nặng 2,7 tấn, xe cũng không thể nào vận chuyển vào đến nơi vì hết đường, phải vứt xuống sông. Sau đó dùng 10 thùng phi, móc móc sắt rồi cột dây thừng buộc cây dầm vào các phi để dùng tàu kéo đi. Một ngày từ sáng sớm đến tận khuya mới chuyển được 1 cây dầm, mà mỗi cây cầu là 12 cây dầm, nên chỉ công đoạn chuyển dầm đã mất 12 ngày. Ôi thôi hãi hùng”.
Từ năm 2003, không chỉ trực tiếp đứng ra thi công mà đội hình còn chuyển giao kỹ thuật làm cầu, đường cho người dân. “Vì một cây làm chẳng nên non, phải có nhiều người cùng đồng hành mới có thể giải quyết được toàn diện vấn đề. Nên sau khi đội hình rời đi, có những gia đình tại địa phương đã trở thành chuyên gia về xây cầu giao thông nông thôn”, thầy Thông tâm đắc.

Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm

Thầy Thông cho biết cây cầu kỳ công nhất là cầu U ở xã Long Mỹ (Giồng Trôm, Bến Tre) và cũng là cây cầu đầu tiên xe 4 chỗ đi qua được. Với cây cầu này, SV phải xuất quân trước và ở lại sau chiến dịch một tháng để hoàn thành cây cầu cho dân.
Điều ấn tượng nhất có lẽ là chiến dịch 10 ngày đêm của thầy trò để hoàn thành xong tuyến đường Bình Phú (Càng Long, Trà Vinh), con đường đã giúp học sinh mỗi ngày tiết kiệm được 10 km đến trường, người dân thông thương được nên giá lúa tăng từ 400 - 600 đồng/kg.
Người đặt nền móng hơn 300 cây cầu2
Theo dự tính thì tuyến đường dài 6 km này phải qua 3 mùa chiến dịch (từ 2013 - 2015) mới hoàn thành. Năm đầu tiên làm được 2,4 km, đến hết mùa thứ 2 thì còn lại hơn 1 km đường nữa. Lúc đó đội hình phải rút quân, nên thầy Thông đã kêu gọi 120 SV tình nguyện ở lại cùng thầy hạ quyết tâm hoàn thành xong mới về.
Làm ngày không đủ nên phải tranh thủ làm đêm, mỗi ngày các ca thay phiên nhau từ 6 giờ đến 4 giờ hôm sau, thế là sau 10 ngày đêm, hơn 1 km đường còn lại đã hoàn thành. “Năm đó chúng tôi đổ mẻ bê tông cuối cùng lúc 7 giờ tối, người dân vui mừng mang lân ra múa và ăn mừng ngay trong đêm đó. Thật ra lúc đó phải hạ quyết tâm vì nếu để chờ đến mùa chiến dịch năm sau thì nguyên một năm trẻ con phải lội sình đến trường, người dân thất thoát mùa màng, hại vô cùng hại”, thầy Thông đầy quyết tâm kể lại.
Điều đặc biệt nhất ở người thầy đầy tâm huyết này, là 30 năm kể từ ngày khởi đầu nên chiến dịch đến giờ, chưa một mùa chiến dịch nào thiếu vắng hình bóng thầy dãi nắng dầm mưa cùng các tình nguyện viên.
“30 năm nay tôi vẫn còn đứng máy trộn bê tông, phải đứng máy để đổ những mẻ bê tông đầu tiên, vì đường chất lượng hay không đều phụ thuộc vào tổ đứng máy. Và tôi vẫn sẽ làm đến khi nào không còn sức thì thôi. Sau này có về hưu, không còn trách nhiệm nhưng vẫn còn tâm huyết, vì vậy chắc chắn vẫn còn đồng hành cùng các chiến sĩ”, thầy Thông chia sẻ.
“Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè thật sự rất ý nghĩa, không chỉ cho cộng đồng mà cho chính SV. Công trình làm được lớn hay nhỏ không quan trọng, nhưng điều quan trọng nhất là qua chiến dịch này, SV sống trách nhiệm hơn với cộng đồng, gia đình và bản thân mình. Điều đó thật sự rất đáng quý”, thầy Thông khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.