Người ở vùng xanh TP.HCM mong gì sau ngày 30.9 ?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
26/09/2021 06:15 GMT+7

Các vùng xanh: H.Củ Chi, H.Cần Giờ, Q.7 của TP.HCM được đi chợ mỗi tuần một lần và có thể tập thể dục ở công viên nhỏ trong các khu dân cư

Nhịp sống ở vùng xanh hơn 1 tuần qua ra sao? Họ mong gì sau ngày 30.9?

Niềm vui khi được đi chợ

“Ngày đầu tiên người dân vùng xanh được đi chợ sau nhiều tháng chỉ ở trong nhà, ba em vui lắm. Ba còn khoe giá rau muống ở chợ giảm được chút ít”, Hà Minh Thư (trú xã Phú Mỹ Hưng, H.Củ Chi, TP.HCM) khoe.
Thư là học sinh lớp 11 Trường THPT An Nhơn Tây, cha làm việc ở bộ phận chăm sóc cây xanh của địa đạo Củ Chi, mẹ là công nhân nhà máy AA ở Tây Ninh. Những tháng giãn cách xã hội phòng chống Covid-19, Thư đã quen với việc chỉ có 3 cha con ở nhà quán xuyến nhà cửa vì mẹ ở luôn tại nhà máy để đảm bảo sản xuất an toàn suốt mấy tháng qua.
Sau ngày 16.9, gia đình Thư được phát phiếu đi chợ. Trên phiếu ghi rõ các ngày (19; 23 và 28.9) và các khung thời gian được tới chợ ấp Phú Lợi, các cửa hàng tiện ích, thuốc tây, cửa hàng thức ăn chăn nuôi cũng như thuốc bảo vệ thực vật... trên địa bàn xã.
“Trước đây những việc mua thực phẩm, đồ thiết yếu, kể cả việc rút tiền, gia đình em đều có các anh dân quân trong xã hỗ trợ. Mấy ngày qua, chợ chưa đông đúc như trước dịch. Ngay lối vào có bàn khai báo y tế, các tình nguyện viên chống dịch hỗ trợ đo thân nhiệt, rửa sát khuẩn tay trước khi vào chợ”, Thư kể.
“Em mong sau ngày 30.9, học sinh ở Củ Chi sẽ được tới trường học trực tiếp, được gặp thầy gặp bạn, tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. Mẹ em cũng sẽ được về nhà, em rất nhớ mẹ”, Thư nói.

Covid-19 sáng 26.9: 746.678 ca nhiễm, 516.449 ca khỏi | TP.HCM gỡ chốt nội đô trước 30.9

Trong khi đó, Nguyễn Minh Thường (18 tuổi, trú xã Tân An Hội, H.Củ Chi) cũng cho biết gia đình em được phát phiếu đi chợ. Việc được đi ra ngoài mua những đồ cần thiết, cho thấy những tín hiệu tích cực về tình hình phòng chống dịch bệnh ở Củ Chi cũng như TP.HCM. Thường vừa chính thức trở thành sinh viên năm nhất Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, do đó sau ngày 30.9, Thường mong muốn nhịp sống bình thường mới sớm trở lại, để em có thể được học tập trực tiếp ở giảng đường.
Chị Dương Thị Thu Định, 31 tuổi, người sáng lập trung tâm tiếng Việt cho người nước ngoài GotoViki (số 22 Hưng Gia 4, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Q.7), chia sẻ sau nhiều tháng ở trong nhà thì hơn 1 tuần qua, chị đã được mang xe đạp ra tập thể thao mỗi sáng. “Khung giờ cho phép tập thể dục của mọi người ở vùng xanh là từ 6 - 8 giờ. Nhưng đường phố giờ đó vẫn lác đác lắm, không quá nhiều người đi bộ hay đạp xe. Có thể mọi người vẫn e ngại khi ra đường, hoặc đã quen với hình thức tập luyện các môn thể thao trong nhà mùa dịch. Hoặc một số khác lựa chọn tập buổi chiều”, chị Định kể.

Duy mong nhịp sống bình thường mới trở lại sau 30.9 để công việc ở H.Cần Giờ có thể như trước đây

Ảnh: NVCC

Mong gì sau ngày 30.9 ?

Điều thay đổi lớn nhất ở vùng xanh trong hơn 1 tuần qua là gì? Hà Minh Thư chia sẻ, đó có lẽ là tâm lý của những người dân. “Đường sá xung quanh xã em vẫn rất vắng vẻ. Người dân chỉ ra đường khi đi chợ, mua thuốc men và những lúc thật cần thiết. Nhưng tâm trạng mọi người, em thấy không còn quá âu lo, stress giống như thời điểm cách đây 2 tháng. Mọi người đều có mong muốn là sau ngày 30.9 nhịp sống sẽ trở về bình thường mới”, Thư chia sẻ.
Còn chị Nguyễn Thu Hồng (26 tuổi, trú đường 45, P.Tân Quy, Q.7) cũng cho hay đó là những thói quen sinh hoạt của mọi người, điều này sẽ thích ứng trong tình hình mới sau ngày 30.9. Mọi người đã quen với việc ăn uống tại nhà, sống tối giản hơn, chi tiêu tiết kiệm, không cần tập trung quán xá ngoài đường vẫn có thể tìm thấy niềm vui tại gia đình. Nếu có việc cần thiết phải ra đường, mọi người đều đeo khẩu trang và luôn luôn mang theo nước rửa tay.
Tại H.Cần Giờ, vùng xanh, cũng là địa phương đầu tiên tại TP.HCM được lựa chọn để khởi động lại du lịch, những người trẻ đang kỳ vọng sau ngày 30.9, học sinh được đến trường học trực tiếp, công việc của mọi người quay trở về “guồng” cũ, nhất là sau khi ông Lê Minh Dũng, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ, cho biết huyện này đang xây dựng kế hoạch cho học sinh trở lại trường sau 30.9 để trình lên UBND TP và Sở GD-ĐT phê duyệt.
Hồ Hữu Bảo Duy, 22 tuổi, kỹ sư ngành công nghệ thực phẩm, làm việc tại Công ty TNHH phát triển dừa nước Việt Nam (ấp Bình Phước, xã Bình Khánh, H.Cần Giờ), chia sẻ hơn 3 tháng qua khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, anh em kỹ sư đều thực hiện “3 tại chỗ”, ăn ở và tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm tại ngay công ty. Những ngày qua, mọi người ở trong ấp của Duy được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 liên tục, để đảm bảo tách F0 khỏi cộng đồng.
Anh bộc bạch: “Từ ngày 16.9, các chuyến xe vận chuyển hàng hóa đã hoạt động trở lại, các sản phẩm mật dừa nước đã được giao tới tay khách hàng. Chúng tôi rất mong sau ngày 30.9, TP.HCM sẽ nới lỏng giãn cách xã hội, để mọi người đều được quay về công việc ngày thường. Sau đó, du lịch Cần Giờ sẽ sôi động hơn, bà con nơi đây cũng có thêm công ăn việc làm từ chính cây dừa nước quê hương”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.