Mới đây, trong thời gian tham gia khoá đào tạo của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chúng tôi có dịp được tới nhà một người bản địa tại thành phố Kurume, tỉnh Fukuoka, cùng trải nghiệm
văn hóa mặc trang phục truyền thống
Kimono và thưởng thức trà đạo của quốc gia này.
Chị Neshige, đại diện trung tâm cộng đồng tuyến trường tiểu học Sojima đón chúng tôi tại nhà riêng. Căn nhà khá rộng lớn ở ngay mặt đường chính, tầng trệt ở dưới là một phòng khám tư của gia đình, phía trên là không gian để chị cùng những người phụ nữ tâm huyết với văn hóa truyền thống của đất nước “sống” cùng Kimono, trà đạo… Không chỉ là nơi để
bạn trẻ, du khách tới có thể thuê áo Kimono mặc và chụp ảnh trong những không gian, kiến trúc Nhật, nơi đây cũng là những câu lạc bộ về
trà đạo, về Kimono, để mọi người cùng trò chuyện, trao đổi với nhau, mong những nét đẹp văn hóa của quê hương mình không bị mai một theo thời gian.
Bánh để ăn với trà theo mùa
|
Những bạn nam Việt Nam trong trang phục truyền thống của Nhật và uống thử trà Nhật
|
Những bạn trẻ Việt Nam thích thú khi lần đầu tiên được trải nghiệm trà đạo
|
Và ai cũng ngạc nhiên trước những thông tin về trà đạo được những nghệ nhân chia sẻ
|
Ấm đun nước pha trà trong buổi trà đạo
|
Trong gian phòng ấm cúng, tĩnh lặng thơm ngát mùi trầm, chị Neshige và người bạn của mình trong trang phục Kimono trang trọng cúi đầu chào khách. Bếp đun nước, bình nước, ly trà, bột trà, dụng cụ khuấy trà đã sẵn sàng. Nghệ nhân pha trà đạo hướng dẫn khách ngồi đúng vị trí, cách đường kẻ thẳng ở chiếc chiếu khoảng 1 gang tay, rồi bắt đầu nghi thức đưa bánh mời khách. Người ngồi gần nhất vị trí bếp đun nước được coi là trưởng đoàn trong đoàn khách, do đó, được đưa bánh đầu tiên.
Qua lời chị Izumi, nữ điều phối và phiên dịch cho chương trình, chúng tôi được giới thiệu, bánh ăn cùng với trà đạo có thể là bánh khô, hoặc bánh ướt, nhưng sẽ là tượng trưng cho mùa. Mỗi mùa trong năm, với thời tiết, hoa thơm sắc lá trong vườn khác nhau thì hương vị bánh cũng khác biệt. Do đó, có thể nhìn miếng bánh gia chủ đưa mời khách, có thể biết ngoài trời đang là xuân, hạ hay thu, đông. Gia chủ dùng 2 tay đưa ly trà lịch thiệp tới khách, khách cũng cúi người, hai tay đặt sát chiếu để bày tỏ sự cảm ơn. Khách xoay ly trà trên tay, để miệng kề vào không sát hoa văn trên chiếc ly. Mỗi người sẽ uống phần trà của mình trong 3 ngụm, ngụm cuối cùng phải tạo ra tiếng kêu như “rột”, để tỏ ý là trà rất ngon, khách đã uống hết sạch…
Chúng tôi, những bạn trẻ Việt Nam đầu tiên được quan sát và trải nghiệm văn hóa uống trà đạo của Nhật Bản và không tránh khỏi những bối rối, cả những hoang mang, “không biết mình làm như vậy có đúng không, cách thức uống, ngồi, để tay, cúi đầu như của mình có đúng không...”.
Các bạn trẻ Việt Nam cùng những nghệ nhân trà đạo, Kimono tại Nhật
|
Trải nghiệm nét văn hóa độc đáo của đất nước Mặt trời mọc là kỷ niệm khó quên của nhiều người
|
Trong gian nhà thơm hương trầm, uống một ngụm trà đạo, chúng tôi thấy mùa xuân ở đâu đây...
|
Chị Neshige cho biết, tại Nhật Bản, việc học để trở thành một nghệ nhân trà đạo không đơn giản, sẽ có những trường sư phạm đặc thù để đào tạo những nghệ nhân này, và quá trình học để xong một chương trình này có thể trên 50 năm là chuyện bình thường. Tức là, để nói rằng đã hiểu cùng tận về trà đạo là điều khó xảy ra, và trong đời một nghệ nhân, họ luôn tâm niệm rằng sẽ dành cả cuộc đời mình để tìm hiểu và nghiên cứu về trà đạo.
Trà đạo ở Nhật Bản được các gia đình thực hiện trong nhà, hoặc ngoài vườn để mời khách quý trong những dịp đặc biệt quan trọng, và những ngày lễ, tết.
Chị Neshige, đại diện trung tâm cộng đồng tuyến trường tiểu học Sojima, TP Kurume cho hay, hiện nay ngay ở chính Nhật Bản thì không nhiều người trẻ hiểu sâu sắc về trà đạo. Để khuyến khích điều này, Chính phủ thường xuyên có những chương trình đặc sắc trong nhà trường để từ trẻ em mẫu giáo có thêm những hiểu biết, đam mê với văn hóa lâu đời của dân tộc như Kimono và trà đạo...
Bình luận (0)