Chiều tối 8.1, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo yêu cầu dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, thẩm mỹ viện, karaoke, vũ trường, quán nhậu, quán bar, pub, beer club, massage, xông hơi, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử.
Các trung tâm tiệc cưới, phòng trà, sân khấu - kịch, rạp chiếu phim, các cơ sở kinh doanh thể thao, yoga, phòng tập gym cũng phải dừng hoạt động.
|
Tương tự, ghi nhận của phóng viên Báo Thanh Niên vào tối 8.2 tại Phố ông đồ (đường Phạm Ngọc Thạch, Q.1, TP.HCM, nơi bạn trẻ thường tìm đến mỗi khi tết đến) cũng ngừng hoạt động vì dịch Covid-19. Khoảng 22 giờ, tất cả các gian hàng, liều trại của các ông đồ đều bắt đầu dọn dẹp, trả lại mặt bằng trước thời hạn.
Những bạn trẻ viết thư phápở đây đều buồn bã, ai nấy đều hối hả thu dọn tranh, khung lều và tư trang cá nhân lên xe rồi nhanh chóng rời đi. Còn tại dãy ông đồ phía đường Nguyễn Thị Minh Khai, các bạn trẻ hầu như đã thu dọn tất cả những quầy hàng và chất lên xe trước 23 giờ.
|
Tại một quầy mặt tiền gần cổng chính Nhà văn hoá Thanh Niên, Đào Nguyễn Ngọc Quỳnh (sinh viên Trường ĐH Văn Lang TP.HCM), người viết chữ, cho biết đây là lần đầu tiên trong 3 năm viết chữ ở Phố ông đồ phải đóng cửa sớm khi chưa đến giao thừa. Theo kế hoạch, Quỳnh và nhóm 4 người bạn của mình sẽ bán chữ tại phố ông đồ đến ngày giao thừa. Tuy vậy, từ chiều đã nhận được thông báo của ban tổ chức về việc ngừng hoạt động tại đây. Đến tối, Quỳnh và nhóm bạn lập tức dọn dẹp ngay trong đêm.
“Nay chỉ mới 27 tết, khi tôi viết còn đang dang dở, một số người đặt viết lên những bao lì xì thì đóng cửa không biết phải giao như thế nào. Ai nấy đều trong tâm thế phục vụ mọi người trong dịp tết cũng đành phải chịu. Thiệt hại ở đây cũng nho nhỏ thôi nhưng vì tình hình chung ai nấy cũng phải chấp hành”, Quỳnh cho hay.
|
Cạnh đó là quầy của ông đồ Đào Chiến (35 tuổi, ngụ đường Út Tịch, Q.Tân Bình) cũng đã hoàn tất việc thu dọn tranh ảnh lên xe ngay trong đêm. Theo anh Chiến, đây cũng là lần đầy tiên dọn quầy về nhà sớm trong 13 năm phục vụ tại Phố Ông đồ. Như thường lệ trong những ngày 28, 29 tết giới ông đồ xem là ngày cao điểm của nghề. Thế nhưng vì tình hình dịch anh Chiến cũng như nhiều người phải thu dọn đồ đạc về nhà sớm hơn dự định.
“Phải nói là ở đây nhiều bạn còn tồn rất nhiều tranh thư pháp, có những bạn bán tranh không đủ doanh thu. Thường những bạn này sẽ mang tranh đến các chùa hay nơi khác để bán tiếp sau khi Phố ông đồ kết thúc. Nhưng giờ tình hình này chắc là không ai bán thêm được nữa. Riêng tôi thì sẽ mang tranh về phòng tranh riêng của mình để bán thôi”, anh Chiến chia sẻ.
|
Cũng vào khoảng 23 giờ, Mai Đức Cường (31 tuổi, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ thư pháp Nhà văn hoá Thanh Niên) phải tạm đóng quầy thư pháp của mình chờ đến sáng sẽ dọn về vì không tìm kịp xe tải để chở. Sở dĩ phải đợi là vì quầy của Cường nằm ở mặt tiền, đầu tư công phu, nhiều trụ sắt lớn nên phải chờ hôm sau mới có thể dọn được.
Cường nói thêm: “Tình hình bán chữ thư pháp năm ai ai cũng chỉ được khoảng 50% so với năm ngoái. Dù cho Phố ông đồ có tiếp tục diễn ra thì khách chắc cũng sẽ không dám đến nữa. Tôi thấy đóng của vì tình hình chung như vậy cũng là hợp lý rồi”.
Bình luận (0)