Để cùng chung sức phòng tránh Covid-19, vai trò giám sát của cộng đồng cũng quan trọng, trong đó có vai trò kịp thời phát hiện những người không tuân thủ quy định cách ly. Nhiều bạn trẻ thắc mắc, nếu vẫn thấy hàng xóm của họ, dù đang cách ly tại nhà nhưng vẫn ra ngoài đường, đi lại trong khu dân cư, thì báo cho ai trong trường hợp này?
Anh Thiều Quang Thanh Sang, tình nguyện viên đội hình phản ứng nhanh phòng chống dịch Quận Đoàn Thủ Đức, TP.HCM, cho biết khi thấy người đang trong diện cách ly tại nhà, hoặc đang cách ly tập trung mà vẫn ra ngoài đường, không tuân thủ quy định cách ly, các bạn trẻ có thể báo về công an khu vực, hoặc theo số điện thoại đường dây nóng theo dõi tình hình Covid-19 1900 9095 hoặc 1900 3228.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong thời gian cách ly ở nhà, nơi lưu trú, người được cách ly phải chấp hành yêu cầu ở nhà không đi ra ngoài trong suốt thời gian cách ly tại nhà. Nếu vi phạm, người cách ly bắt buộc phải vào khu cách ly tập trung.
Theo thông tin hướng dẫn của Bộ Y tế, hướng dẫn người dân tự cách ly tại nhà phải tuân thủ những quy định sau: Phải cách ly trong 14 ngày. Phải cách ly tại phòng riêng, nếu ở phòng chung phải kê giường cách nhau 2 m. Không được tự ý rời khỏi khu vực cách ly.
|
Người được cách ly không tiếp xúc trực tiếp, ăn chung với người trong gia đình, nơi lưu trú. Thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, nước sạch ít nhất 30 giây. Đo thân nhiệt ít nhất 2 lần một ngày, ghi kết quả vào phiếu theo dõi sức khoẻ. Phải thu gom khẩu trang, giấy lau mũi, miệng đã sử dụng vào túi đựng riêng, xử lý rác theo hướng dẫn của y tế. Báo ngay cho cán bộ y tế nếu thấy 1 trong các dấu hiệu: ho, sốt, khó thở.
Đối với thành viên gia đình, người làm việc, quản lý nơi cư trú có người cách ly tại nhà cần: Hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi tiếp xúc. Hằng ngày lau nền nhà, bề mặt dụng cụ, tay nắm cửa bằng chất sát khuẩn thông thường. Báo ngay cho cán bộ y tế khi thấy người được cách ly có dấu hiệu sốt, ho, khó thở. Động viên chia sẻ, hỗ trợ dụng cụ cần thiết cho người được cách ly. Không tổ chức hoạt động đông người tại gia đình, nơi lưu trú. Không chủ quan, không hoang mang, chung tay đẩy lùi Covid-19.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phòng khám đa khoa Tâm An (TP.HCM). cho hay khi thấy người đang bị cách ly tại nhà mà vẫn ra ngoài đường, tiếp xúc với người khác, chúng ta cần phải lên tiếng để bảo vệ cho chính mình, cộng đồng và bản thân người đang được cách ly. “Mọi người nên liên lạc, báo thông tin ngay cho tổ trưởng dân phố, công an khu vực, UBND phường nơi cư trú”, bác sĩ Lâm nói.
Xử phạt nghiêm người trốn cách ly, né khai báoLuật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng biết người nào có hành vi trốn cách ly, né khai báo dẫn đến hậu quả lây dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì phải buộc cưỡng chế cách ly trở lại, đồng thời truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 240 bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” với mức phạt tù lên đến 12 năm, hoặc bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng…
Theo luật sư Hà Hải, pháp luật đã có hình phạt hành chính hay phạt tù nghiêm khắc, tuy nhiên quan trọng hơn hết là ý thức con người. Nếu bản thân mỗi người dân đang phải cách ly, đang cách ly tại nhà mà vẫn ra ngoài đường không ý thức hết trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, gia đình thì mọi tuyên truyền, nỗ lực của cả xã hội đều không có tác dụng. Vì vậy, luật sư Hà Hải đề nghị mỗi hành vi vi phạm cần phải xử lý nghiêm minh.
Duy Tính - Phan Thương
|
Bình luận (0)