Theo sát con như hình với bóng có phải là cách tốt?

Lê Thanh
Lê Thanh
31/10/2020 15:36 GMT+7

Nhiều phụ huynh lo sợ con ra ngoài sẽ giao lưu với bạn xấu, sợ con không an toàn, nên giữ con ru rú trong nhà. Nhưng điều này có thể dẫn đến những hệ lụy.

Không dám cho con ra ngoài một mình

Vợ chồng anh Trần Minh Tuấn (41 tuổi) và chị Trần Ngọc Sương (39 tuổi), ở Q.3, TP.HCM, cho biết dù rất bận bịu với công việc, nhưng hằng ngày vẫn dành thời gian đưa con đến trường. Sau đó, tới giờ tan học của con, lại đến đón về. Con anh chị đang học lớp 10 ở Trường THPT Marie Curie, Q.3 rất gần nhà.
Giải thích điều này, chị Sương cho biết sợ con giao du với người lạ, nên không để con có cơ hội ra ngoài đi chơi. Chị Sương cho rằng đấy là cách để bảo vệ con tốt nhất, an toàn nhất.
Trường hợp của chị Sương không ngoại lệ. Vì hiện nay có nhiều người làm ba làm mẹ cũng có suy nghĩ tương tự. Họ lo con cái không an toàn, nên luôn theo sát con trong mọi hoạt động. Ngoài giờ con học trên trường, thì mọi nhất cử nhất động của con đều được quản lý chặt chẽ.

"Thi thoảng bố mẹ cũng nên cho con cái đi xem phim, đi chơi với bạn bè. Chứ đi đâu bố mẹ cũng cấm cản, cũng nói là lo giao du với kẻ xấu thì cảm thấy bức bối lắm. Dù hiểu rằng bố mẹ chỉ muốn tốt cho con cái"

Như trường hợp của chị Lê Thị Ngọc Thanh (44 tuổi, nhà ở chung cư Hoàng Sa, P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có con trai đang học lớp 9 của Trường THCS Điện Biên, Q.Bình Thạnh, cho biết mỗi khi con đi học thêm, đi học võ, học bóng rổ... chị đều đưa đi. Nếu bận, sẽ để chồng chở đi. Tuyệt đối không để con tự đi với bạn bè. "Tôi phải làm thế, vì lo sợ con có vấn đề gì. Sợ con thoải mái quá thì gặp phải những kẻ xấu, tiêm nhiễm những điều sai trái. Phải giữ con như thế cho an tâm", chị Thanh nói.
Tương tự, anh Lê Trọng Hải (40 tuổi, nhà ở chung cư Lê Thành, Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết con trai anh 14 tuổi. Hằng ngày sau giờ học chỉ ở nhà đọc sách, coi ti vi. Mỗi lần con xin đi chơi với bạn bè, anh chị đều từ chối. Theo anh Hải, con từ nhỏ đến giờ được chăm sóc và quản lý như thế, gia đình không dám cho con tự ý ra ngoài một mình.

Nên trang bị cho con "tấm khiên"

Tuy nhiên, chính việc bị chăm sóc, bảo bọc thái quá như vậy đã khiến nhiều người trẻ cảm thấy bức bối, khó chịu, ngột ngạt.
"Nhiều khi em muốn đi sinh nhật bạn. Hoặc muốn được tham gia một trận bóng đá cùng các bạn. Nhưng bố mẹ em la, cấm đi. Bố mẹ nói ra ngoài một mình nguy hiểm. Em thật sự rất buồn và cảm thấy ngột ngạt lắm", T.Đ.T, học sinh Trường THCS Hồng Bàng (Q.5, TP.HCM) kể.

Cha mẹ đừng kèm cặp con cái như hình với bóng

Shutterstock

Khi thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với một số học sinh bậc THCS và THPT ở TP.HCM, cho ra kết quả, phần lớn các em đều muốn bố mẹ có suy nghĩ thoáng hơn trong cách quản lý. Thay vì theo sát con cái trong mọi việc, thì nên cho con cái được tự do trong một số hoạt động. Chẳng hạn, Nguyễn Đại Dương, học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) than vãn: "Thi thoảng bố mẹ cũng nên cho con cái đi xem phim, đi chơi với bạn bè. Chứ đi đâu bố mẹ cũng cấm cản, cũng nói là lo giao du với kẻ xấu thì cảm thấy bức bối lắm. Dù hiểu rằng bố mẹ chỉ muốn tốt cho con cái".
Cũng có những học sinh tâm sự, khi thấy bạn bè được bố mẹ cho đi đá bóng, đi ăn uống... mà chạnh lòng, tủi thân, và ước gì bố mẹ nào cũng tâm lý như thế.
Chia sẻ về vấn đề này, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (TP.HCM), cho rằng sớm muộn gì con cái cũng phải ra ngoài, phụ huynh không thể giam con cái trong nhà mãi. Do đó, phụ huynh nên trang bị cho con "tấm khiên" để con có thể tự bảo vệ bản thân trước kẻ xấu ngoài kia và trước những cám dỗ của cuộc đời.
Ông Hiếu chia sẻ cụ thể, phụ huynh nên phân tích cho con thấy xã hội sẽ có hai loại người: người tốt và người xấu. Bạn bè cũng có hai loại, là bạn tốt và bạn chưa tốt. Từ đó, giúp con cái nhận diện thế nào là một người tốt và thế nào là người xấu. "Sau đó, phụ huynh hãy chỉ cho con cách phản ứng trước cái xấu và tự vệ trước nguy hiểm. Chẳng hạn như nếu bạn rủ con trốn học để chơi game, thì hướng dẫn con cách xử lý đúng đắn. Hoặc bày cho con cách ứng phó nếu con gặp cướp. Hay hướng dẫn con cách để không xảy ra mâu thuẫn và bị bạo lực", ông Hiếu chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia tâm lý này, việc trang bị kỹ năng sống cho con cái là cách tốt nhất để giúp con cái bản lĩnh trước những cơn gió ngược của cuộc đời, bởi những cây mạnh mẽ nhất sẽ trưởng thành ở những mảnh đất khắc nghiệt nhất, hoa phải nở từ bùn chứ không phải trong vòng xiềng xích của mẹ cha.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.