Lớp diễn ra vào mỗi tối thứ ba, năm, bảy tại Nhà thiếu nhi Q.Phú Nhuận, TP.HCM.
Nhận tập miễn phí
Võ sư Lê Hoàng Mai chia sẻ, lớp tập vận động này ra đời rất tình cờ khoảng 10 năm về trước. Khi đó, lớp chỉ dạy võ và kèm theo dạy miễn phí cho những thanh niên bị bại liệt, tật nguyền. Trong những lần dạy đó, võ sư Mai ứng dụng kinh nghiệm võ thuật kết hợp với việc hỗ trợ tập vận động miễn phí cho trẻ bị tật hoặc bị tai nạn.
Nhận thấy sau những lần tập, một vài bạn gần như đi đứng lại bình thường, do đó võ sư Mai quyết định giúp trẻ bị tật nhiều hơn. Thế là võ sư Mai cắt bớt thời gian dạy võ, mở lớp tập vận động và duy trì từ đó đến nay.
|
“Do nhà tôi cũng có người bị khuyết tật nên tôi đồng cảm với những trẻ như vậy. Trước đây, tôi chỉ tập hỗ trợ cho người lớn, sau này tôi nhận thêm trẻ khuyết tật, tăng động và tự kỷ. Thật sự khi tiếp xúc với các trẻ, tôi cảm thấy rất thương. Các phụ huynh mang con đi khắp nơi chữa trị. Khi họ đến đây, đa phần con cái bị liệt. Những gia đình ở tỉnh có hoàn cảnh khó khăn, tôi cũng đến tận nơi hướng dẫn và hỗ trợ tập vận động cho họ”, võ sư Mai nói.
Võ sư Mai cho biết thêm khi đến lớp, mỗi bậc phụ huynh được hướng dẫn và cùng tình nguyện viên tập cho con mình. Mục đích mở lớp là tạo sự gắn kết giữa cha mẹ với con cái, biết yêu thương trẻ và đồng hành cùng con. Hầu như những trẻ bị tai nạn, dị tật bẩm sinh, liệt nửa người, tăng động đều được võ sư nhận hết vào lớp. Suốt nhiều năm qua, võ sư Mai không nhớ được có bao nhiêu trường hợp phụ huynh mang con đến để tập vận động.
“Trường hợp tôi nhớ nhất là một bạn trẻ đang học lớp 11 bị nghiện game nặng, nhưng đến lớp thì đã khá lên rất nhiều. Rồi có một trẻ nhỏ bị tai nạn liệt 3 chi được cha mẹ đưa đến phòng tập vận động cũng đỡ phần nào. Tôi không phải bác sĩ hay thần y gì. Tôi chỉ nhận tập cho những người muốn tập để giúp phụ huynh không tốn kém thêm nữa”, võ sư Mai tâm tình.
Mướt mồ hôi giúp trẻ tập bò
Việc tập luyện vận động được áp dụng bằng kinh nghiệm về võ thuật aikido của võ sư Mai. Những tình nguyện viên ở đây là học trò, phụ huynh có con bị tật đứng ra phụ giúp. Mỗi tình nguyện viên gồng mình cùng người bị tật vượt qua giới hạn bản thân.
Trần Hữu Tài (17 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) là môn sinh của võ đường, cũng là tình nguyện viên hỗ trợ tại phòng tập. Đều đặn mỗi buổi, Tài cõng người khuyết tật từ cổng lên phòng tập ở tầng 3 và ngược lại. Xong nhiệm vụ, Tài lại quay lại giúp trẻ tập bò. “Tôi không thấy cực lắm, tôi cõng cũng cảm thấy bình thường. Ngoài cõng ra, tôi phụ tập cho các bé bò bằng tay. Những cái nào khó, tôi mới gọi mấy anh lớn hơn phụ”, Tài cho hay.
Nguyễn Thị Bảo Ngọc (25 tuổi), hiện là một nhân viên văn phòng ở Q.Tân Bình, tình nguyện tìm đến tham gia phụ võ sư Mai tập luyện cho trẻ. Sau giờ làm, từ 17 giờ 30 đến 20 giờ Ngọc lại đẫm mồ hôi ở phòng tập. Những trẻ mới đến, Ngọc kiên nhẫn tập từng động tác từ dễ đến khó, giúp trẻ từng bước đi. Ngọc nói: “Thật ra giúp các trẻ cũng như giúp mình có thêm thể lực. Tuy có cực, nhưng mình thấy thời gian này có ý nghĩa. Càng làm mình càng thấy thích các trẻ hơn”.
Có thâm niên 10 năm gắn bó tại đây, Mai Xuân Danh (29 tuổi, quê H.Tây Sơn, Bình Định) đã làm công việc tình nguyện này khi còn là môn đệ của võ đường. Dần dần, Danh trở thành người tình nguyện chính ở đây. Từ tập cho trẻ nhỏ đến người lớn, Danh đều đảm nhận. Thoáng chốc Danh tập đi với người này, lát sau lại qua cõng người khác. Hầu như những người nặng ký, khó đi lại đều do Danh hỗ trợ.
Danh cho biết: “Trải nghiệm 10 năm qua ở đây, tôi được nhìn thấy các trẻ tự đứng lên đi. Nhiều lúc tôi rớt nước mắt với một bé bị liệt mà đã bò được rồi đứng lên và bước đi. Cảm xúc lúc đó dâng trào”.
Bình luận (0)