“Thích cảm giác lân la ở quán xá, ngồi tại bàn”
Từ ngày TP HCM cho các hàng quán mở cửa bán mang về chị Lưu Thị Bích Ngọc (27 tuổi) sống tại chung cư Chương Dương Home, TP. Thủ Đức, TP.HCM rất hào hứng vì sắp được thưởng thức những món ăn mình yêu thích. Nhưng thực tế khi mở “app” tìm các quán quen thì họ chưa mở bán trở lại. Một số nơi đã mở bán nhưng giá cả cũng tăng khá nhiều.
Bên cạnh đó, chị Ngọc cho hay việc giao nhận hàng từ tài xế ở cổng bảo vệ chung cư khá khắt khe, trong khi hiện tại đặt hàng không hề dễ phải chờ khá lâu, mà giá cước lại cao.
“Tôi đã sốc và tắt “app” khi biết giá một tô bún bò nhỏ đến tận 60.000 đồng. Trong khi đặt hàng đợi rất lâu mới tìm được tài xế nhưng phí vận chuyển đến 40.000 đồng cho 3 km. Có quán gần chung cư 0,3 km mà giá “ship” đã là 29.000 đồng”, chị Ngọc lắc đầu ngao ngán.
|
Giống như chị Bích Ngọc, anh Nguyễn Hoài Thêm, 25 tuổi, ở trọ trong hẻm 343 Tô Hiến Thành, P.12, Q.10, TP.HCM vẫn chưa dám “chốt đơn” những món mình thèm như trà sữa, cơm tấm, gà quay… vì hơn 2 tháng nay công việc lễ tân nhà hàng của anh Thêm đã bị dừng lại, nguồn thu nhập chỉ dựa vào số tiền nhà nước trợ cấp.
|
“Hồi còn đi làm, tôi chủ yếu ăn ngoài nhưng khi giãn cách xã hội thì chỉ nấu mấy món đơn giản từ các nguyên liệu mà chính quyền địa phương cung cấp nên khi nghe TP.HCM cho quán hoạt động lại tôi rất thích. Tuy nhiên khi mở điện thoại xem giá thì ôi thôi, quá cao! Phần cơm tấm có 45.000 đồng nhưng phí "ship" là 60.000 đồng. Tổng số tiền phải trả hơn 100.000 đồng, nên tôi đành tiếp tục “lăn” vào bếp. Tôi thấy đây cũng là thời gian bản thân cần “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm nhiều chi tiêu hơn nữa”.
Hàng quán mở ít, thức ăn không đa dạngChị Lương Thị Nhi, 30 tuổi, chủ quán chè bưởi tại số 55 Lê Văn Duyệt P.3, Q.Bình Thạnh, cũng đã mở cửa khi TP.HCM cho phép hàng quán hoạt động lại. Tuy nhiên, người phụ nữ này cho hay quán chỉ nấu 1/2 so với công suất bình thường nên doanh thu giảm và rất khó canh lượng khách vì nhiều khách có nhu cầu mua mà đặt thì không có tài xế.
“Hiện nay số lượng hàng quán đủ điều kiện để mở rất ít, thức ăn không đa dạng và khách hàng chỉ đặt được trong nội quận. Đơn hàng chỉ “nổ” khi “app” tìm được tài xế nhận ship (1 tài xế chỉ nhận tối đa 5 đơn), nhưng tình hình dịch bệnh hiện nay số lượng tài xế ít mà họ thường lựa chọn đơn theo tiêu chí tuyến đường thuận tiện, đơn dễ, không đợi lâu, không vướng chốt khó giao… làm một số khách không thể đặt hàng được”, chị Nhi than thở.
|
Trong khi đó, là dân chuyên ăn vặt , cô nàng Nguyễn Thị Ánh Tuyết, sinh viên Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM vẫn không dám đặt đồ ăn "online" liên tục vì vẫn còn sợ dịch Covid-19.
|
Nấu ăn ở nhà, sau 2 tuần giảm được 3kg
Bên cạnh đó, một số bạn trẻ tuy có điều kiện để đặt đồ ăn trong bối cảnh ngày nay nhưng họ không “chốt đơn” vì đã dần quen với việc tự chế biến hơn là ăn đồ ở hàng quán. Điển hình như thầy giáo ngữ văn Lý Tuấn Thiện, 27 tuổi, Trường THPT Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân, TP.HCM).
Anh Thiện cho hay trước đó anh hay “order” thức ăn từ các “app” về nhưng mấy tháng nay đã quen với việc nấu ăn tại nhà vì thấy vừa ý nghĩa vừa có lợi về dinh dưỡng lại còn tiết kiệm. “Khi nấu ăn quen rồi thì tôi bắt đầu cảm thấy thích với việc tự chuẩn bị bữa ăn cho bản thân và gia đình. Nấu ở nhà mình sẽ chủ động hơn trong việc cân bằng dinh dưỡng cũng như là an tâm hơn về vệ sinh thực phẩm”, anh Thiện nói.
|
Anh Thiện cho hay bản thân muốn cắt giảm lượng chất béo và tinh bột, đường trong khẩu phần ăn nên khi đặt các món ăn trên "app", việc đề xuất, gia giảm các nguyên liệu, gia vị thực sự rất khó.
|
“Ở nhà, buổi sáng tôi thường dùng khoai lang luộc cùng với 2 quả trứng gà và 1 cốc sữa tươi. Có buổi thì tôi dùng khoai tây luộc nghiền ra ăn chung với ức gà luộc và cải xanh, những món tôi chọn vừa tiện chế biến, lại vừa có được hàm lượng tinh bột tốt. Và kết quả là kết hợp với quá trình tập luyện khoảng 30 phút mỗi ngày, sau 2 tuần tôi đã giảm được 3 kg mà cơ thể vẫn rất thoải mái, không hề có sự yếu sức", anh Thiện hào hứng nói.
Bình luận (0)