Hôm qua (23.6), trên nhiều trang mạng xã hội rộ lên thông tin tài khoản Facebook của cầu thủ Nguyễn Quang Hải bị hacker đột nhập làm lộ thông tin cá nhân. Sự việc khiến Quang Hải phải lên tiếng bằng cách phản hồi trên trang cá nhân của mình.
Tuy vậy, làn sóng “tin đồn” về thông tin đời tư của Quang Hải vẫn còn hiện hữu. Điều này cho thấy còn nhiều rủi ro khi bạn trẻ sử dụng mạng xã hội về bảo mật thông tin cá nhân.
Tài khoản cá nhân cần bảo mật nhiều lớp
Anh Nguyễn Đăng Khoa, Giám đốc Công ty Nghiên cứu bảo mật, hệ thống tại HVSC Học viện Sẻ chia, cho biết để bảo mật các tài khoản mạng xã hội (MXH) Facebook, Instagram, YouTube phải thật lưu ý về nhiều khâu quan trọng.
Đầu tiên người dùng cần bảo mật tài khoản email khởi tạo quản lý các tài khoản MXH của mình. Cẩn thận khi bấm vào liên kết lạ được gửi qua email hoặc tin nhắn chat của bạn bè. Thường virus phát tán qua đường link trên Messenger. Tuyệt đối không nhập mật khẩu Facebook trên các trang website giả Facebook (website chính xác của Facebook là https://facebook.com - có chữ https).
Ngoài ra, tuyệt đối không gửi mã OTP đăng nhập Website, ứng dụng cho bất kỳ ai. Nếu vô tình gửi người khác có thể mạo nhận là nhân viên ngân hàng, nhân viên Facebook, Google, một số trường hợp mạo danh là công an, tòa án để đe dọa,…
Theo Khoa, bạn trẻ nên kích hoạt bảo mật 2 lớp cho tài khoản cá nhân của mình. Bởi khi đã kích hoạt chức năng này, dù ai có được Username (tên đăng nhập)/email, mật khẩu của bạn và họ đăng nhập từ trình duyệt/thiết bị lạ. Lúc đó hệ thống sẽ tự gửi về một mã xác thực OTP qua Tin nhắn SMS điện thoại, nhập chuỗi các số ngẫu nhiên trên mới vào được tài khoản. Hiện tại Facebook, Google đều hỗ trợ xác thực 2 bước bằng phê duyệt đăng nhập từ thiết bị tin cậy đã đăng nhập trước đó. Chỉ cần bấm Xác thực đó là tôi, mà không cần qua tin nhắn SMS.
|
“Bên cạnh đó, bạn còn có thể chọn 3 đến 5 người bạn để liên hệ nếu bạn bị khóa tài khoản. Facebook có chính sách nhờ 3 trong 5 người trên xác thực tài khoản này là của bạn để có thể mở tài khoản nếu mình gặp sự cố đăng nhập hoặc bị khóa. Ngoài ra cần chú ý bảo vệ sim điện thoại của mình, vì các ứng dụng hiện tại đều cho khôi phục mật khẩu qua tin nhắn SMS. Bạn có thể đặt mã PIN sim cho Android, iOS để tăng cường bảo mật cho sim điện thoại. Đây là bước nâng cao, giúp bảo vệ kép, trong trường hợp kẻ gian lấy được điện thoại của bạn, tháo sim ra gắn vào điện thoại khác sẽ không thể mở sim lên được, nếu không có mã PIN. Điều này khiến kẻ gian, không thể khôi phục mật khẩu các tài khoản mạng xã hội, email,… bằng SMS”, Khoa nói thêm.
Theo Khoa, để những tin nhắn riêng tư mà người khác khó tiếp cận được người dùng có thể bấm vào hình cây bút trên cùng của ứng dụng Messenger. Bấm vào hình ổ khóa “riêng tư”, nhập tên người cần chat. Lúc này toàn bộ nội dung tin nhắn sẽ được mã hóa giữa 2 thiết bị của 2 người với nhau. Ai đó dù có đăng nhập được vào tài khoản Facebook từ thiết bị khác cũng không thể đọc được, ngoài ra bạn có thể hẹn giờ để tự hủy tin nhắn sau bao nhiêu giây, phút, giờ,…
Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền can thiệp
Luật sư Nguyễn Tri Đức, Giám đốc Công ty Luật 360, cho rằng quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là một trong những quyền nhân thân được Hiến pháp ghi nhận và pháp luật bảo vệ theo luật định hiện hành. Mọi hành vi đi ngược lại với điều này là vi phạm pháp luật.
Theo thông tin xung quanh cho thấy các hành vi của các cá nhân đưa tin phát tán các nội dung trên Facebook của cầu thủ Quang Hải là hành vi bị cấm theo Điều 5 Nghị định 72/2013 NĐ-CP. Mọi đối tượng có hành vi phát tán các nội dung thông tin cá nhân từ trang Facebook của Quang Hải phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về các thông tin mà mình lưu trữ, truyền đưa, cung cấp hoặc phát tán trên mạng (khoản 5, Điều 21 Nghị định 72/2013 NĐ-CP).
Biện pháp chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi trện được quy định theo Điều 101 Nghị định Số: 15/2020/NĐ-CP. Cụ thể phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi trên, đồng thời buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.
Bên cạnh biện pháp chế tài hành chính nêu trên hoặc hành vi phát tán thông tin cá nhân (video clip, hình ảnh…) có thể bị truy tố về “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo Điều 288 BL HS hiện hành.
Ngoài ra, nếu việc đưa phát tán những nội dung hình ảnh nhạy cảm thuộc bí mật cá nhân gây ra hậu quả thiệt hại khác cho nạn nhân còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS hiện hành.
Do đó các bạn trẻ khi gặp trường hợp này cần phải khẩn trương có đơn tố cáo sự việc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra xử lý ngăn chặn kịp thời. Quá trình điều tra nếu xác định được thủ phạm thì việc khởi tố hình sự hay phạt hành chánh theo đều phải xét về tính chất, mục đích và hậu quả thiệt hại do các hành vi đó gây nên. Bởi lẽ hậu quả thiệt hại của mỗi trường hợp nói trên (nếu có) và bản chất, mục đích của những người phạm tội đều khác nhau. Tuy nhiên các nạn nhân có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết buộc các đối tượng có hành vi gây ra phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại điều 592 BLDS hiện hành.
Cũng theo luật sư Đức, thực tế hiện nay đã có quy định chế tài hình sự đối với các đôi tượng có các hành vi phát tán thông tin cá nhân lên mạng xã hội .Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có trường hợp nào được nghiêm trị xử lý hình sự, nên dẫn đến các vụ việc tương tự vẫn luôn xảy ra gây nhiều hệ lụy đến vấn đề văn hóa, thuần phong mỹ tục, trật tự xã hội mà không phải chỉ từ vụ việc của Quang Hải.
Bình luận (0)