Vô tình 'bỏ quên'... người khuyết tật nhẹ

Như Lịch
Như Lịch
18/07/2021 09:10 GMT+7

Các chính sách về giáo dục , việc làm, y tế đều tập trung vào người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng, nên đã vô tình 'bỏ quên' người khuyết tật nhẹ.

Trong khi đó, hoàn cảnh kinh tế của nhiều người khuyết tật nặng và nhẹ cũng khó khăn như nhau.
Ý kiến đáng lưu ý này tại hội thảo trực tuyến Khuyến nghị chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người khuyết tật nhẹ, do Trung tâm nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật (DRD) tổ chức vào ngày 16.7. Hoạt động này thuộc dự án “Tăng cường trợ giúp pháp lý và bảo vệ quyền của người khuyết tật trong lĩnh vực lao động, việc làm, y tế, giáo dục” được Quỹ JIFF tài trợ.

Không đủ khả năng chi trả khám chữa bệnh

Trong hội thảo, nhóm nghiên cứu độc lập gồm thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Uyên và thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Diệp (Chính sách công, chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright Việt Nam) công bố đề tài “Tầm quan trọng của BHYT đối với người khuyết tật nhẹ”. Nghiên cứu này được thực hiện từ tháng 12.2020 đến tháng 6.2021, với 162 mẫu người khuyết tật tham gia khảo sát (số lượng người khuyết tật nhẹ và nặng là ngang nhau) tại TP.HCM và Quảng Bình.
Theo kết quả nghiên cứu, 82% người khuyết tật nhẹ có cuộc sống không ổn định, khi 23% trong số đó không có khả năng lao động và 59% có việc làm bấp bênh. Nhu cầu khám chữa bệnh ở nhóm người khuyết tật nhẹ là rất cao, nhưng đa phần không đủ khả năng chi trả. 95% người khuyết tật nhẹ chưa có thẻ BHYT đều đánh giá chi phí khám chữa bệnh là “cao và rất cao” so với khả năng kinh tế của họ. Ở TP.HCM, nhóm người khuyết tật nhẹ sống bằng nghề bán vé số dạo hoặc ăn xin có nhiều hạn chế về điều kiện chăm sóc sức khỏe cho bản thân...
Bà Phạm Thị Kim Tâm, Chủ tịch Mạng lưới tự kỷ Việt Nam, nêu nguyện vọng: “Người tự kỷ dù nặng hay nhẹ thì cũng rất ít người có thể đi làm, tự nuôi sống bản thân. Nếu người tự kỷ nhẹ không có BHYT sẽ tạo gánh nặng suốt đời cho người nhà về chi phí y tế. Vậy nên Mạng lưới tự kỷ Việt Nam tha thiết mong người khuyết tật nhẹ nói chung và người tự kỷ nói riêng đều được cấp thẻ BHYT”.
Nhìn tổng thể, ông Nguyễn Văn Cử (Phó giám đốc DRD) khẳng định cái gốc vấn đề là các chính sách về giáo dục, việc làm, y tế đều tập trung vào người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng. Điều này đã vô tình loại trừ người khuyết tật nhẹ ra khỏi các chính sách, các chương trình hành động quốc gia về người khuyết tật. Trong khi đó, hoàn cảnh kinh tế của nhiều người khuyết tật nặng và nhẹ cũng khó khăn như nhau.

Cần cấp thẻ BHYT miễn phí cho người khuyết tật nhẹ

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Uyên, Trưởng nhóm nghiên cứu, đã chỉ ra rằng: Quy định hiện hành về BHYT cho người khuyết tật lồng ghép vào chính sách bảo trợ xã hội đã vô tình loại trừ đối tượng người khuyết tật nhẹ ra khỏi chủ trương trợ giúp tiếp cận chăm sóc y tế dành cho người khuyết tật. Cụ thể, luật BHYT năm 2014 quy định người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng thuộc nhóm do ngân sách nhà nước đóng BHYT. Theo đó, nhà nước cấp thẻ BHYT cho người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.

7,09% dân số là người khuyết tật

Trong hội thảo, thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Thu Hà (Trưởng phòng Giám định BHYT, Bảo hiểm xã hội TP.HCM), thạc sĩ Nguyễn Thanh Xuân (Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội) đã trình bày các tham luận liên quan đến BHYT của người khuyết tật. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Xuân cho biết dân số Việt Nam là 97,75 triệu người (tính đến tháng 1.2021), trong đó có 7,09% là người khuyết tật. Khoảng 20,05% dân số Việt Nam sống chung trong hộ gia đình có người khuyết tật…
Ông Nguyễn Thanh Xuân (Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội) đồng tình với đề xuất của nhóm nghiên cứu rằng cần có sự sửa đổi luật Người khuyết tật năm 2010 theo hướng bổ sung quy định cấp thẻ BHYT miễn phí cho người khuyết tật nhẹ. Song song đó, nên có sự xem xét sửa đổi để tách chính sách BHYT cho người khuyết tật với chính sách bảo trợ xã hội cho người khuyết tật, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người khuyết tật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.