Chương trình được tổ chức với mục tiêu trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong việc chăm sóc cho người chăm sóc trên nhiều phương diện từ tâm lý, xã hội, dinh dưỡng. Do dịch Covid-19 phức tạp, chương trình lần này được tổ chức theo hình thức trực tuyến trên ứng dụng Zoom, giúp đại biểu dễ dàng cập nhật kịp thời các thông tin mới nhất trong lĩnh vực này.
Chương trình thu hút 223 người tham dự là các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, nhân viên tâm lý và mạng lưới công tác xã hội tại các trường đại học, cao đẳng, cơ sở xã hội, trung tâm tham vấn… trong cả nước. Chương trình còn có sự tham gia của đại diện Bộ Y tế và nhiều chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước về lĩnh vực công tác xã hội
Khái niệm “Lấy người bệnh làm trung tâm” từ lâu đã là “kim chỉ nam” của ngành y tế, mỗi người bệnh đến BV được chăm sóc toàn diện về sức khỏe thể chất và sức khỏe về tâm lý, xã hội. Tuy nhiên, có một nhóm đối tượng quan trọng không kém trong quá trình cải thiện sức khỏe của người bệnh nhưng thường bị bỏ qua, họ là người hỗ trợ đưa ra các quyết định điều trị, cung cấp thông tin giúp bác sĩ chẩn đoán, giảm tải công việc cho điều dưỡng, giảm thiểu sai sót y tế, đó là người chăm sóc của người bệnh.
Người chăm sóc bao gồm nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân thường phải đối mặt với nhiều vấn đề, từ bỏ thời gian của bản thân để chăm sóc người bệnh hằng tháng, hằng năm… cuối cùng dẫn đến kiệt sức, kiệt quệ về cảm xúc, tinh thần và thể chất. Đây là hiện tượng phổ biến, nhưng nếu không được kiểm soát, nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, các mối quan hệ và trạng thái tinh thần của người chăm sóc.
ThS. Trần Văn Hùng - Trưởng phòng Công tác xã hội BV ĐHYD TP.HCM - cho biết: Không chỉ làm công việc chăm sóc khách hàng hay vận động tiếp nhận tài trợ các nguồn lực tại BV, nhân viên công tác xã hội trong ngành y tế còn là thành viên của nhóm chăm sóc sức khỏe liên ngành, có khả năng tiếp xúc, đánh giá và can thiệp hỗ trợ nhu cầu tâm lý xã hội của người bệnh và gia đình. Họ sẽ là người thực hiện công việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người chăm sóc. Việc chăm sóc cho người chăm sóc là điều cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và kéo dài.
Cũng theo ông Hùng, hơn bao giờ hết, người chăm sóc cần được hướng dẫn, hỗ trợ tăng cường chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất, giúp giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi và lấy lại cảm giác cân bằng, niềm vui và hy vọng trong cuộc sống. Do đó, chương trình đào tạo năm nay là cơ hội để nhân viên công tác xã hội tại các BV, học viên ngành công tác xã hội và nhân viên y tế có quan tâm cùng trao đổi, cập nhật những kiến thức về chăm sóc cho người chăm sóc, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò thực sự của nhân viên xã hội trong lĩnh vực y tế.
Tại BV ĐHYD TPHCM, ngoài tập trung chăm sóc cho người bệnh, BV còn quan tâm đến người chăm sóc, những người đóng vai trò không nhỏ trong quá trình hồi phục sức khỏe của người bệnh. BV định kỳ tổ chức các chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe, giáo dục kiến thức chăm sóc sức khỏe cho người nhà tại khoa Cấp cứu, khoa Gây mê - Hồi sức.
Riêng tại khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ, BV hỗ trợ tham vấn, tư vấn giảm gánh nặng chăm sóc, giảm sự đau buồn mất mát cho người nhà, hỗ trợ tinh thần cho nhân viên y tế sau thời gian chăm sóc và điều trị thông qua hoạt động giảm căng thẳng dựa vào chánh niệm (MBSR).
BV thường xuyên tổ chức các hoạt động ý nghĩa để động viên tinh thần đội ngũ nhân viên y tế, các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch; các hoạt động đoàn thể, các cuộc thi viết bài cảm nhận, cuộc thi ảnh về nét đẹp của nữ nhân viên y tế, các giải đấu thể thao… tạo sân chơi lành mạnh, gắn kết tinh thần đồng đội của các nhân viên y tế.
|
Bình luận (0)