Ngày 6.7, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết đã nhận được phương án khắc phục các tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014 NĐ-CP trên địa bàn bị hư hỏng của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định), Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng).
Chờ thay máy mới
Tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (H.Hoài Nhơn, Bình Định), Công ty Nam Triệu đã kéo 5 tàu vỏ thép hành nghề lưới rê, máy thủy chính công suất 811 HP của ngư dân tỉnh Bình Định lên đà để tiến hành sửa chữa. Hiện các công nhân đang sửa chữa hầm lạnh bảo quản trên các tàu vỏ thép. Trong ngày 7.7, Công ty Nam Triệu sẽ tiếp tục kéo thêm một tàu vỏ thép nữa lên đà để sửa chữa.
Theo ông Bùi Hữu Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Nam Triệu, đơn vị này đã thuê bến bãi và một số máy móc của Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan. Đồng thời, các thợ hàn, thợ máy, công nhân… và một số máy móc khác cũng đã được công ty này đưa từ Hải Phòng vào Bình Định để tiến hành sửa chữa tàu vỏ thép cho ngư dân Bình Định.
“Trong ngày 7.7, Công ty Nam Triệu sẽ tiến hành bắn cát, sơn lại toàn bộ vỏ tàu theo đúng quy trình. Dự kiến ngày 11.7 thì lô máy Mitsubishi có công suất 811 HP sẽ về đến Bình Định. Hiện thợ máy của Công ty Nam Triệu đang tiến hành tháo gỡ máy cũ, đến ngày 13.7, sau khi kiểm định viên kiểm định máy mới, chúng tôi sẽ tiến hành lắp cho tàu vỏ thép. Dự kiến đến ngày 30.7 thì 6 tàu vỏ thép này sẽ hoàn thành việc sửa chữa. Đợt sửa chữa 6 tàu tiếp theo sẽ hoàn thành vào ngày 30.8”, ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, trong quá trình khắc phục tàu vỏ thép, chủ tàu luôn có mặt để giám sát và Công ty Nam Triệu cũng báo cáo tiến độ công việc hằng ngày về Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định. Trung tâm đăng kiểm cũng đã cử đăng kiểm viên vào để kiểm tra, giám sát.
Trong khi đó, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cũng đã thông báo kế hoạch lần lượt kéo 5 tàu cá do đơn vị này đóng lên đà tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan để sửa chữa, bắt đầu từ ngày 12.7.
Giám sát chặt quá trình sửa tàu
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, hiện Sở NN-PTNT Bình Định đã thành lập Tổ giám sát để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đầu vào trong quá trình sửa chữa tàu như: kiểm tra chất lượng thiết bị, máy móc trước khi lắp vào tàu vỏ thép, kiểm tra xem các vật tư này đã có xác nhận chất lượng của đăng kiểm viên hay chưa…
Trong quá trình sửa chữa tàu, Cơ quan đăng kiểm tàu cá của Tổng cục Thủy sản (thuộc Bộ NN-PTNT) phải cử đăng kiểm viên vào để kiểm tra thiết bị, vật tư sửa là đồ mới, nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng hay không và phải ký văn bản xác nhận. Trong suốt quá trình sửa tàu, đăng kiểm viên phải có mặt để giám sát việc thực hiện lắp đặt đúng thiết bị. Sở NN-PTNT Bình Định cũng yêu cầu chủ tàu giám sát trong suốt quá trình sửa chữa tàu, nếu không có mặt đăng kiểm viên thì nhất quyết không cho sửa chữa, thay thế thiết bị. Sau khi việc sửa chữa tàu hoàn thành và trước khi tàu xuất xưởng đi khai thác, đăng kiểm viên lại kiểm tra xem con tàu này có đảm bảo chất lượng hay không…
“Trách nhiệm của đăng kiểm viên trước kia đã giám sát việc đóng tàu thì nay sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng con tàu sau khi sửa chữa. Việc sửa chữa này nhằm khắc phục lại con tàu đúng theo hợp đồng đã ký kết và đăng kiểm viên chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng. Vấn đề này chúng tôi đã làm việc với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT và Thứ trưởng đã đồng ý”, ông Hổ nói.
Vừa điều tra vừa khắc phục tàu vỏ thép Ông Phan Trọng Hổ cho biết: "Hiện Thủ tướng đã giao Bộ Công an chỉ đạo điều tra về chất lượng tàu vỏ thép. Tôi cho rằng quá trình điều tra chủ yếu xác định ai đúng ai sai để có biện pháp xử lý. Còn phương án khắc phục sửa chữa tàu vỏ thép kém chất lượng thì đơn vị đóng tàu vẫn phải thực hiện theo đúng cam kết, đúng hợp đồng đã ký với ngư dân". |
tin liên quan
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an điều tra vụ tàu cá kém chất lượngVăn phòng Chính phủ hôm nay (4.7) vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc làm rõ chất lượng tàu cá đóng theo Nghị định số 67.
Bình luận (0)