[Kỳ6] Ra trường làm bao lâu 'lấy lại' học phí?: Nếu lương thấp, hãy 'dứt áo ra đi'

Thanh Nam
Thanh Nam
05/11/2022 09:30 GMT+7

Tiến sĩ Hà Thanh Vân, Viện Khoa học Văn hóa và giáo dục - Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, giảng viên Trường ĐH Hùng Vương có những chia sẻ về việc “học phí cao, lương thấp”.

TS Hà Thanh Vân có cuộc trò chuyện với Thanh Niên về vấn đề đi làm lương thấp nhưng từng đóng học phí cao khi học đại học

XUÂN PHƯƠNG

Tiến sĩ Vân cũng là giảng viên thỉnh giảng nhiều Trường đại học ở TP.HCM như: Khoa học xã hội và nhân văn, Văn hóa, Kiến trúc, Hồng Bàng...

Hạn chế tình trạng “bán than” và “nhảy việc” vì lương thấp...

Nhiều người trẻ chia sẻ câu chuyện khá tréo ngoe, là đóng học phí thì cao, nhưng ra trường đi làm nhận mức lương bèo bọt. Quan điểm của bà về câu chuyện này như thế nào?

Câu chuyện người trẻ đi làm việc mà nhận mức lương bèo bọt sau khi trả một số tiền học phí cao ở bậc đại học là một đề tài được chia sẻ rất nhiều hiện nay. Thậm chí có cả những câu chuyện hay những đoạn đối thoại gây cười. Tôi cho rằng đây là một vấn nạn đáng báo động vì nó xảy ra rất phổ biến hiện nay.

Theo Báo cáo khảo sát của Bộ GD-ĐT về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp các trường đại học trong 2 năm 2020 và 2021 thì có thể thấy sinh viên mới ra trường có mức lương trung bình từ 2,8 - 7 triệu đồng/tháng tùy theo từng ngành nghề.

Còn trên các diễn đàn, sinh viên mới tốt nghiệp ra trường cho biết là họ cần mức lương tối thiểu phải từ 10-15 triệu đồng/tháng thì mới có thể đủ sống. Chưa kể rất nhiều người trong số họ phải trả nợ số tiền học phí vay mượn để học đại học. Nhiều người tốn hàng trăm triệu đồng học phí cho bốn năm đại học, thậm chí hàng tỉ khi du học nước ngoài, chưa kể đến sinh hoạt phí, mua sách vở, giáo trình, tài liệu. Nay đối diện với thực tế mức lương bèo bọt, nhiều người trẻ mới ra trường đã vỡ mộng, hoang mang và dĩ nhiên là than vãn.

Tôi cho rằng đây là một hiện tượng đáng chú ý trong xã hội hiện nay và phải cần có những cách thức để giải quyết tình trạng này. Chắc chắn là không thể giải quyết ngay lập tức được vì đây là vấn nạn từ nhiều năm nay, nhưng nếu không thể cùng phối hợp tháo gỡ thì tình hình chỉ có ngày càng tệ hơn.

Có những ý kiến cho rằng, sở dĩ có câu chuyện buồn “đóng học phí cao nhưng lương thấp” mà những người trẻ đang than vãn là vì họ đang "bán" tri thức của họ không đúng chỗ. Bà có nghĩ vậy không?

Nếu lướt một vòng trên mạng xã hội mỗi ngày hay trò chuyện trực tiếp, thì chúng ta đều có thể thấy nhiều người trẻ đang than vãn. Do công việc (vừa làm nghiên cứu, vừa giảng dạy đại học) nên tôi may mắn tiếp xúc với khá nhiều người trẻ và được lắng nghe những tâm tư, suy nghĩ của họ. Tôi cảm nhận thế này: Nhiều bạn trẻ có khuynh hướng trách móc và đổ lỗi cho mọi điều, trừ chính họ. Khuynh hướng đổ lỗi nhiều nhất là đổ lỗi cho trường đại học đã không cung cấp đủ kiến thức. Sau đó là đổ lỗi cho công ty bóc lột sức lao động của họ, không trả lương tương xứng và than vãn rằng đã sai lầm khi chọn công ty, rồi tiếp tục là nghỉ việc, tìm công ty mới. Tôi nghĩ điều này cũng có phần đúng với tình hình thực tế ở Việt Nam hiện nay.

Nhưng điều quan trọng nhất là nhiều người trẻ đã không nắm bắt được tình hình thực tế của công ty nơi mình làm việc. Trong nhiều cuộc khảo sát về chất lượng lao động, nhiều doanh nghiệp, cơ quan cũng “than rằng” sinh viên mới ra trường hiện nay không chỉ thiếu kiến thức chuyên môn mà còn thiếu kỹ năng làm việc nữa. Nhiều người trẻ cho rằng chỉ cần giỏi ngoại ngữ, tin học làm kiến thức bổ trợ, mà không chú trọng những kỹ năng mà nhiều doanh nghiệp, cơ quan yêu cầu như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng xử lý những vấn đề phát sinh bất ngờ, kỹ năng lập dự án, phân bổ thời gian làm việc hợp lý, thích ứng với văn hóa công ty… Cho nên tôi nghĩ rằng khi đi xin việc, cần tìm hiểu kỹ về công ty mình ứng tuyển, tìm hiểu về vị trí việc làm của mình, tự tìm ra chỗ mà mình có thể phát huy thế mạnh, thì khi ấy người trẻ mới hạn chế được tình trạng “bán than” và “nhảy việc”.

Nếu cảm thấy môi trường làm việc không phù hợp, mức lương không tương xứng, người trẻ nên dũng cảm thay đổi

PHẠM HỮU

Du học sinh cũng... mếu

Khảo sát lương thưởng năm 2022 do tổ chức Talentnet phối hợp cùng công ty Mercer công bố mới đây cho biết theo mặt bằng chung, mức trả lương ở các công ty Việt Nam thấp hơn các công ty đa quốc gia là 31%. Nhưng để được nhận vào làm ở các công ty đa quốc gia, thì bản thân người trẻ cũng phải đáp ứng được yêu cầu công việc và có năng lực phù hợp. Do vậy, các du học sinh học ở các trường đại học nước ngoài danh tiếng, quay về Việt Nam làm việc thì có ưu thế hơn, nhưng đây chỉ là một thiểu số rất nhỏ.

Bản thân những sinh viên đi du học ở nước ngoài về cũng phải đối mặt với khó khăn này (tức là người trong cuộc của câu chuyện đóng học phí cao nhưng nhận mức lương thấp) vì không phải ai đi du học ở nước ngoài cũng giỏi và có học bổng. Nhiều bạn du học theo diện tự túc nên phải vay mượn học phí và lương thì không đủ để trả nợ học phí. Chưa kể đến việc nhiều kiến thức học ở đại học nước ngoài cũng không phù hợp với thực tế ở Việt Nam và cũng không phải trường đại học nước ngoài nào cũng là trường có chất lượng đào tạo tốt và có uy tín. Vẫn có những trường chất lượng đào tạo kém và hiện tượng cấp bằng ồ ạt.

Câu trích dẫn

Nếu cảm thấy không hòa hợp với môi trường làm việc, lương không đáp ứng yêu cầu thì...

Cảm xúc của bà như thế nào khi nhiều tiến sĩ, bác sĩ từng du học nước ngoài khá thất vọng, họ nghỉ việc... vì lương chỉ vài triệu đồng?

Thực tế cho thấy hiện nay trong nhiều đơn vi, cơ quan nhà nước, công lập thì mức lương thấp là chuyện gây ức chế nhất nhưng lại khó giải quyết nhất bởi vì vướng mắc những quy định về bậc lương của nhà nước. Chính vì vậy nhiều người giỏi, có bằng cấp cao, khi ra trường thì hăm hở cống hiến sức làm việc, nhưng thực tế đã khiến họ phải thất vọng và chuyện nghỉ việc chỉ là chuyện đương nhiên phải đến. Họ có thể tìm những nơi làm việc khác có mức lương cao hơn, hay thậm chí tìm cách định cư ở nước ngoài với môi trường làm việc tốt hơn. Tôi cho rằng đây là sự sử dụng chất xám tri thức rất lãng phí, đồng thời cũng là sự mất mát những người giỏi, những chuyên gia ở những cơ quan đang rất cần người có khả năng. Tuy đau lòng nhưng tôi cho rằng sự ra đi, nghỉ việc của họ là hoàn toàn hợp lý, bởi vì trước khi chờ đợi những chính sách tiền lương được thay đổi, thì việc họ tự cứu lấy tương lai của bản thân là điều tốt nhất cho họ trong lúc này.

Người trẻ đi làm cần làm gì để có thể nhận được mức lương, sự đãi ngộ tương xứng với khả năng của bản thân, thưa bà?

Tôi nghĩ rằng để người trẻ đi làm có thể nhận được mức lương, sự đãi ngộ tương xứng với khả năng của bản thân thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó đầu tiên phải nói đến chính sách tiền lương hợp lý của công ty, doanh nghiệp, cơ quan mà họ chọn làm việc. Nhưng điều quan trọng nhất là phụ thuộc chính bản thân người trẻ, bởi vì họ có quyền thay đổi, chọn lựa công ty.

Muốn có lương cao thì không ngoài những điều như tôi đã nói ở trên như là có kiến thức tốt, đáp ứng được nhu cầu công việc, các kỹ năng làm việc tốt, hòa nhập với văn hóa công ty… Nhưng vẫn còn những điều khác cần phải nói đến, đó là thái độ làm việc phải chăm chỉ, cẩn thận, hòa nhã, không kiêu ngạo, dám nhận việc, dám thử nghiệm... Không nên tự bằng lòng với bản thân, ngủ quên trên thành quả, mà phải luôn học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm, kiến thức để áp dụng cho công việc.

Quá trình làm việc cũng phải là một quá trình học tập, rèn luyện bản thân không ngừng. Và phải có lòng dũng cảm nữa. Dũng cảm để nếu như cảm thấy không hòa hợp với môi trường làm việc, lương không đáp ứng yêu cầu thì người trẻ dám “dứt áo ra đi” để thử thách bản thân với những công việc mới ở những môi trường mới.... (còn tiếp)

Lương thấp khi đã tốt nghiệp lâu năm là vấn đề cần quan tâm

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho rằng “Câu chuyện “học phí cao nhưng lương thấp” là bình thường khi mới ra trường. Nhưng lương thấp khi đã tốt nghiệp lâu năm lại là vấn đề cần quan tâm. Có thể người làm thấy thoải mái hơn khi lương thấp. Bởi có nhiều thời gian lo cho gia đình, hoặc làm biếng quá nên chấp nhận mức lương thấp... Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là các bạn ấy lười biếng quá. Lương thấp thì có thể làm việc thêm để có thu nhập cao hơn. Như làm kế toán ở xã, mức lương chỉ có 3,5 triệu đồng/tháng thì nên làm thêm nhiều việc nữa. Ví dụ làm thêm việc ở gia đình, làm thêm kế toán ở các công ty... Có rất nhiều việc để làm những có lẽ một bộ phận người trẻ quá thụ động để kiếm thêm việc làm.

Thế nên trong những năm học đại học, sinh viên hãy đi làm nhiều những công việc có liên quan đến kiến thức chuyên môn. Để sau này, khi tốt nghiệp đại học, sẽ có kinh nghiệm làm việc và có sự tự tin trong công việc để đàm phán với các nhà tuyển dụng mức lương tốt. Chứ đừng có quá thụ động để phải yên vị với công việc mức lương thấp và bỏ qua cơ hội có mức lương tương xứng với trình độ, năng lực của bản thân. Còn các trường đại học phải thường xuyên nói chuyện với các sinh viên về kỹ năng tìm việc, kỹ năng phản biện, kỹ năng trả lời trước nhà tuyển dụng... để giúp SV có được nhiều kỹ năng sống phù hợp với xã hội bây giờ, cũng như đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.