Mark Zuckerberg xin lỗi nhưng vẫn khiến Nghị viện châu Âu giận dữ

Thu Thảo
Thu Thảo
23/05/2018 09:05 GMT+7

CEO Facebook Mark Zuckerberg vừa có buổi trả lời chất vấn Nghị viện châu Âu, nói lời xin lỗi về sai phạm của doanh nghiệp nhưng lại khiến các nhà lập pháp châu Âu giận dữ vì né tránh câu hỏi của họ.

Theo CNN, Zuckerberg vừa bị các lãnh đạo chính trị và nhà làm luật châu Âu chất vấn tại Nghị viện châu Âu ở Brussels (Bỉ) trong khoảng 80 phút. Câu trả lời của ông khiến giới lãnh đạo châu Âu thất vọng. Họ sử dụng vài phút cuối của cuộc chất vấn để than phiền và nói rằng Zuckerberg đã đưa ra câu trả lời chung chung.
“Tôi hỏi bạn sáu câu hỏi trả lời dạng có và không. Tôi không nhận được câu trả lời nào hết”, chính trị gia Philippe Lamberts nói.
Thực tế, phân bổ thời gian của cuộc gặp là lý do chính cho việc này. Mỗi nhà lập pháp có ba phút để lần lượt thay phiên đặt các câu hỏi. Zuckerberg có thêm thời gian ở phần cuối cùng để trả lời họ. Khi hết giờ, sếp Facebook hứa rằng công ty sẽ trả lời cho từng câu hỏi của các nhà lập pháp bằng văn bản “trong vài ngày tới”.
Đây là định dạng tiêu chuẩn cho các cuộc họp của Nghị viện châu Âu. Tuy nhiên, các chính trị gia than phiền vì Zuckerberg không đồng ý tham dự cuộc họp ủy ban đầy đủ như buổi điều trần mà ông tham gia tại Mỹ. Chính trị gia Guy Verhofstadt cho rằng hình thức cuộc gặp giúp Zuckerberg né tránh được nhiều câu hỏi. Ông viết trên Twitter sau buổi làm việc: “Tôi tin tưởng Facebook sẽ có câu trả lời bằng văn bản trong thời gian tới. Nếu những câu hỏi này không được trả lời chi tiết chính xác, các cơ quan cạnh tranh của EU phải hành động và pháp luật phải được thực thi kỹ hơn”.
Nghị viện châu Âu đặt câu hỏi về tin tức giả mạo, nội dung cực đoan và cáo buộc Zuckerberg kiểm duyệt Facebook. Họ còn đề nghị Facebook nên được chia nhỏ thành các doanh nghiệp riêng biệt để tăng tính cạnh tranh. Zuckerberg xin lỗi vì cách Facebook xử lý các vấn đề liên quan đến tin tức giả mạo, can thiệp nước ngoài trong các cuộc bầu cử và thông tin cá nhân của người dùng khi buổi họp bắt đầu.
Cũng như động thái mà ông đã làm trong vài tháng gần đây, Zuckerberg tiếp tục cam kết tăng gấp đôi số nhân viên bảo đảm an ninh cho Facebook, cho hay đầu tư cho việc này sẽ “tác động đáng kể đến lợi nhuận Facebook”, song giữ an toàn cho người dùng là ưu tiên so với việc tối đa hóa lợi nhuận doanh nghiệp.
Nhiều thành viên Nghị viện châu Âu gặng hỏi Zuckerberg về việc liệu Facebook có phải là doanh nghiệp độc quyền hay không, trong đó có một chính trị gia hỏi rằng liệu Zuckerberg có thể thuyết phục ông rằng Facebook không cần bị chia tách hay không. Nhà sáng lập mạng xã hội cho hay Facebook tồn tại trong ngành rất cạnh tranh, chỉ ra nhiều ví dụ về các công cụ mà người dùng sử dụng để giao tiếp.
Về vấn đề nội dung cực đoan, Zuckerberg cho hay Facebook đã phát triển một loạt tính năng, trong đó có công cụ trí tuệ nhân tạo, để giải quyết vấn đề. Cũng như khi xuất hiện trước Quốc hội Mỹ, Zuckerberg phần lớn né tránh trả lời các câu hỏi về việc thu thập dữ liệu của Facebook, bao gồm dữ liệu nhận được từ những người không phải là người dùng Facebook.
Mark Zuckerberg trả lời chất vấn Nghị viện châu Âu hai tháng sau khi hãng đối mặt bê bối rò rỉ dữ liệu lớn cho Cambridge Analytica, công ty dữ liệu có liên quan đến chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump. 87 triệu người dùng bị rò rỉ dữ liệu, trong đó 2,7 triệu người là cư dân châu Âu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.