Người miền Trung là thế

13/07/2020 08:00 GMT+7

Người miền Trung quê tôi thật lạ kỳ. Họ chẳng bao giờ vì khó khăn mà khuất phục. Dẫu gặp những nghịch cảnh cũng chẳng bao giờ nản chí, chùn lòng…

Một chiều cuối tháng 10.2017. Tôi lướt mạng đọc báo, thấy thông tin huyện nhà (Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị ngập lụt khắp nơi, nhiều vùng bị cô lập hoàn toàn.
Tôi, đứa con tha hương cầu thực, mưu sinh ở xứ người, vội gọi điện thoại về quê trong run rẩy. Gọi cho ba, má đều không liên lạc được. Tôi thất thần.
Không lâu sau, chuông điện thoại đổ. Ba nói điện thoại hết pin, nên mượn đỡ điện thoại để gọi báo tin cho con biết ở quê không sao cả. Biết con ở xa sẽ lo nên ba gọi để con an tâm.
Ba kể có mưa, có ngập, nhưng không sao. Ba má vẫn khỏe. Nhà có gạo cá tùm lum. Ba dặn chạy xe cẩn thận, ăn uống đầy đủ, giữ gìn sức khỏe, đừng có lo gì.
Nửa tháng sau, đứa bạn cùng học thời phổ thông kể lại, rằng đợt mưa bão vừa rồi, nhà nào nhà nấy đều chìm trong “biển nước”, có nhà ngập lên tận mái.
Bạn kể thêm chuyện gặp ba tôi ở bưu điện xã, đội mưa đứng xếp hàng chờ đến lượt để sạc pin điện thoại. Đợt đó điện cúp cả tuần, chỉ ở bưu điện mới có máy phát điện. Lúc qua ủy ban để nhận mì tôm cứu trợ, bạn ngồi chung với má tôi.
Khoảnh khắc ấy, tôi không thể nào ngăn được những dòng nước mắt. Ba má tôi, những người ở miền Trung là thế. Dẫu có đang gặp tình cảnh khó khăn, bi đát, thì cũng thể hiện thái độ lạc quan, không để người khác lo lắng. Luôn “không sao cả”, và… “động viên ngược” người khác.

Cảnh mưa bão gây ngập nặng nề ở xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào năm 2017

Ảnh: Sky Phạm

Tháng 12.2016, miền Trung cũng chìm trong lũ. Dượng tôi, nhà ở Phù Cát (Bình Định) bị chia cắt hoàn toàn.
Nhà dượng như mất trắng. Bao nhiêu tài sản có được sau nhiều năm lam lũ chắt chiu bị cuốn trôi tất cả. Vài hécta lúa đang ngậm đòng, vườn tược hoa màu sắp thu hoạch đều bị nước nhấn chìm. Đàn vịt vài trăm con dự định bán, cũng chết hết. Ao tôm mà dượng đầu tư rất nhiều tiền cũng bị sạt lở.
Tôi gọi điện thoại để an ủi. Dượng cười xòa: “Đâu có gì đâu”. Dượng kể về chuỵện… đàn bò 6 con. Ngày bão đến, dượng buộc dây ở ngay chỗ cột nhà. Nhưng mưa lũ ngập tràn, 2 con bò cái với 2 con nghé chết, bị cuốn trôi. Riêng 2 con bò đực vẫn “trụ” được.
Dượng kể có nhiều người rơi vào tình cảnh bi đát hơn vì thiệt hại rất nhiều, không còn gì, kể cả quần áo.
Với dượng, “còn người là còn của”, còn sống là may mắn. Dượng bảo dẫu gì cũng còn cái nhà, dù hư dột nhưng có chỗ để ở. Còn cặp bò thì coi như là còn “chút đỉnh” tài sản. “Dượng với dì cố gắng làm lại thì sẽ có “của ăn của để”, có gì đâu mà lo”, dượng nói tỉnh rụi.
Người miền Trung là thế. Khi nghịch cảnh ập đến, tưởng sẽ dồn người dân vào bước đường cùng, không lối thoát. Nhưng người miền Trung đáp lại một cách nhẹ tênh. Họ luôn lạc quan, tin tưởng rằng ngày sau sẽ đỡ cực khổ hơn ngày trước. Họ luôn nghĩ về một tương lai tươi sáng, đủ đầy.
Khi tôi còn học tiểu học, chẳng nhớ rõ là năm nào. Một cơn bão lớn bất ngờ ập đến cuốn đi tài sản của cả vùng quê vốn dĩ đã nghèo.
Hôm đó, cô Liên vợ chú Hoàng, hàng xóm nhà tôi, đi chăn bò ở rẫy xa, không kịp lùa bò về. Nước đập dâng cao quá nhanh vì mưa bão đã cuốn trôi cả đàn bò và người phụ nữ bạc mệnh. Phải mấy ngày sau, xác cô Liên mới được tìm thấy.
Ngày đưa tang mưa gió bão bùng. Khung cảnh của vùng quê trơ trọi, xác xơ với sập nhà, tốc mái, ngập sâu... vì mưa lũ tàn phá, lại có cảnh tang tóc nên càng ảm đạm, thê lương.
Chú Hoàng ôm di ảnh vợ lê bước đi xiêu vẹo. Chú Hoàng không khóc. Có chăng là cố giấu nước mắt trong lòng. Người đàn ông này nói với hai đứa con trạc tuổi tôi, rằng: “Phải mạnh mẽ, không được khóc, để mẹ ra đi không phải nặng lòng”. Những câu từ đau đến não lòng đã khiến bà con chòm xóm chẳng thể kìm nén được xúc động.
Sau những đớn đau vì mất đi người vợ hiền vì bão lũ, tưởng sẽ khiến chú Hoàng gục ngã. Nhưng không, sau cơn bĩ cực, người đàn ông ấy đã gượng dậy, chăm lo cho hai đứa con ăn học thành tài.
Nhớ lại những câu chuyện xưa cũ ấy, mới thấy đúng là người... miền Trung.
Mà người dân miền Trung dường như năm nào cũng phải gồng mình để chống chọi thiên tai. Có năm, bão lụt kéo về hai, ba đợt liên tiếp. Chưa kịp vực dậy sau đợt mưa lũ đầu, phải tiếp tục oằn mình trong những đợt bão lũ sau.
Nhưng có lẽ vì quen với sự khắc nghiệt của thời tiết, nên người miền Trung chẳng thở ngắn than dài.
Với sự gan lì, sức chịu đựng phi thường, người miền Trung luôn kiên cường, bản lĩnh để nhìn cuộc sống bằng lăng kính lạc quan. Nghịch cảnh dù nghiệt ngã thì họ vẫn không bao giờ buông xuôi.
Thương nhớ lắm, miền Trung ơi!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.