Sẽ xử lý tổ chức, cá nhân xâm hại di tích quốc gia chùa Quan Thánh

10/11/2022 11:16 GMT+7

Kết quả kiểm tra vụ di tích quốc gia về kiến trúc, nghệ thuật chùa Quan Thánh, Sở VH-TT-DL Thanh Hóa cho rằng đây là vụ việc hủy hoại di tích , làm thay đổi yếu tố gốc của di tích.

Ngày 10.11, thông tin từ Sở VH-TT-DL Thanh Hóa cho biết đơn vị này đã có văn bản kết luận ban đầu về vụ xâm hại di tích quốc gia chùa Quan Thánh (ở P.An Hưng, TP.Thanh Hóa, Thanh Hóa), đồng thời đã kiến nghị với Thành ủy, UBND TP.Thanh Hóa kiểm điểm cá nhân, tập thể vi phạm.

Cập nhật vụ "di tích điêu khắc trên đá ở Thanh Hóa bị sơn lòe loẹt"

Bia ma nhai và tượng khắc trên đá là yếu tố gốc tạo nên giá trị của di tích quốc gia chùa Quan Thánh bị tô, vẽ bằng sơn công nghiệp

Minh Hải

Kết quả kiểm tra của Sở VH-TT-DL Thanh Hóa xác định toàn bộ hệ thống 12 tấm bia ma nhai (khắc trên vách đá), 3 bức dạng đại tự bằng chữ Hán, và hệ thống 10 pho tượng của chùa đã bị tô vẽ, phun, phủ sơn công nghiệp.

Việc tự ý tô, vẽ, sơn vào hệ thống hiện vật của chùa Quan Thánh đã làm sai lệch, hủy hoại, thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích kiến trúc nghệ thuật, vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý di tích.

Đáng chú ý, trong các tấm bia ma nhai thì có 1 tấm niên đại Cảnh Hưng 47 (kích thước 70 x 80 cm) đã bị khoan, đóng thanh sắt vuông vào giữa 2 hàng chữ Hán, làm nứt, tách một phần mặt bia, hư hỏng một chữ Hán.

Ngoài ra, việc quản lý đất đai đã được quy hoạch bảo vệ di tích của chính quyền địa phương cũng không nghiêm, vì quy hoạch vùng bảo vệ di tích từ năm 1992 của chùa Quan Thánh là 4.800 m2, nhưng UBND P.An Hưng báo cáo hiện nay vùng di tích chỉ còn 585 m2.

Từ kết quả kiểm tra, Sở VH-TT-DL Thanh Hóa đã kiến nghị với bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP.Thanh Hóa chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với cá nhân, tập thể có liên quan, đã để xảy ra việc hủy hoại di tích chùa Quan Thánh; làm rõ việc thu hẹp diện tích quy hoạch bảo vệ di tích; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Sở VH-TT-DL Thanh Hóa xây dựng phương án khắc phục hậu quả.

Cũng theo Sở VH-TT-DL Thanh Hóa, di tích chùa Quan Thánh là di tích kiến trúc nghệ thuật thuộc loại vô cùng độc đáo của tỉnh Thanh Hóa và của cả nước. Hệ thống tượng pháp, bia, đại tự ở đây có từ thế kỷ XVI - XVII, được tiền nhân tạc vào các vách, vòm, trần hang đá. Các tác phẩm là yếu tố gốc cấu thành di tích kiến trúc nghệ thuật không nơi nào có được.

1 tấm bia bị khoan, đục để cắm thanh sắt vào đã làm hư hỏng chữ trên bia

Minh Hải

Liên quan đến trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tập thể nào vi phạm, đến sáng ngày 10.11, UBND P.An Hưng vẫn chưa có báo cáo xác định được ai là người tô, vẽ vào di tích; và việc xâm hại di tích thực hiện vào thời gian nào.

Hiện UBND TP.Thanh Hóa đã yêu cầu UBND P.An Hưng xác minh, báo cáo làm rõ các nội dung trên để có cơ sở xử lý cá nhân, tập thể vi phạm.

Trước đó, như Thanh Niên đã phản ánh, di tích chùa Quan Thánh thuộc cụm lịch sử quốc gia về nghệ thuật điêu khắc đá núi Nhồi (P.An Hưng, TP.Thanh Hóa, Thanh Hóa) đã và đang bị xâm hại, khi các tấm bia ma nhai và hình tượng người và con vật khắc trên đá đã bị tô nhiều màu sơn khác nhau, làm biến đổi nguyên trạng ban đầu của di tích.

Dù di tích quốc gia bị xâm hại như vậy, nhưng khi trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Lợi, Phó chủ tịch UBND P.An Hưng, Trưởng Ban quản lý di tích của phường này lại không rõ thời gian di tích bị xâm hại là khi nào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.