Bộ Y tế: Gia tăng F0, gần 45.000 người tại TP.HCM cần theo dõi tại nhà

Liên Châu
Liên Châu
27/08/2021 12:18 GMT+7

Theo Bộ Y tế , số F0 gia tăng tại TP.HCM, hiện 45.000 ca F0 cần được chăm sóc tại nhà . Trạm y tế lưu động sẽ hỗ trợ F0 và người dân chăm sóc y tế.

Theo TS - BS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện TP.HCM có 45.000 người mắc Covid-19 (F0) cần theo dõi, chăm sóc tại nhà.
Trong đó, 23.000 người đang được theo dõi, chăm sóc tại nhà, còn 22.000 là các ca F0 đã điều trị ở các cơ sở y tế và được chuyển về nhà cách ly, theo dõi tiếp.
Ông Hoàng Long đánh giá, trong bối cảnh số F0 ngày càng tăng trên địa bàn, các cơ sở điều trị (bao gồm bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực...) sẽ bị quá tải. Do đó, triển khai chăm sóc F0 tại nhà và cộng đồng là cần thiết.

Gia tăng ca mắc Covid-19, gần 45.000 F0 tại TP.HCM cần theo dõi tại nhà

Việc thành lập các trạm y tế lưu động là phù hợp với bối cảnh chống dịch hiện nay. Sau gần 1 tuần triển khai chính thức, các trạm y tế lưu động bắt đầu cho thấy rõ hiệu quả. Người dân cảm thấy yên tâm hơn vì dịch vụ y tế không bị đứt gãy trong khi thực hiện giãn cách xã hội.
“Các F0 là đối tượng chính mà các trạm y tế lưu động phục vụ. Bên cạnh đó, những người dân khác mắc bệnh thông thường hay có bệnh mãn tính cũng được chăm sóc và điều trị”, ông Long cho biết.
Theo ông Long, từ tháng 7 vừa qua, lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS đã vào hỗ trợ trực tiếp Q.7 (TP.HCM) phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, có triển khai mô hình đội y tế lưu động ở xã, phường, đưa dịch vụ y tế đến tận các hộ gia đình.
Mô hình này là khởi đầu của trạm y tế lưu động vừa được lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt. Chính quyền và ngành y tế TP.HCM đã phối hợp rất tích cực trong việc triển khai xây dựng các trạm y tế lưu động trên phạm vi toàn thành phố.
Mỗi trạm y tế lưu động được bố trí tối thiểu 1 bác sĩ, 3 - 5 nhân viên y tế và đội ngũ hỗ trợ từ các lực lượng như tình nguyện viên, hội phụ nữ, đoàn thanh niên…
Y bác sĩ của các trạm này sẽ quản lý, hỗ trợ, theo dõi, điều trị F0 tại nhà; sớm phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng để có biện pháp chuyển lên tuyến trên kịp thời, hạn chế tối đa tử vong.
Các trạm y tế lưu động cũng triển khai mạnh mẽ việc xét nghiệm Covid-19 tại cộng đồng, đặc biệt là xét nghiệm bằng test nhanh ở các "vùng đỏ", "vùng cam" để sớm phát hiện F0.
Các trạm này cũng triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Đây cũng có thể xem là điểm tiêm chủng hiệu quả.
Cùng với đó, các trạm y tế lưu động còn chịu trách nhiệm khám bệnh, sơ cấp cứu các bệnh thông thường để bảo đảm người dân trong vùng dịch vẫn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản một cách kịp thời nhất; hướng dẫn và giải đáp các thắc mắc của người dân về phòng chống dịch.
Trạm y tế lưu động được trang bị bình ô xy cố định, bình ô xy di động, máy đo SpO2, dụng cụ cấp cứu cơ bản, túi thuốc hỗ trợ nâng cao thể lực và các loại thuốc cần thiết khác theo chỉ dẫn của Bộ Y tế.

TP.HCM không để thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 tuồn ra thị trường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.