Thực phẩm ô nhiễm làm tăng nguy cơ gây ung thư

07/10/2016 05:09 GMT+7

Theo các báo cáo tại hội thảo quốc gia về phòng chống ung thư, tổ chức tại Hà Nội hôm qua 6.10, hầu hết các loại ung thư đang tăng nhanh tại VN.

Một số loại ung thư được khuyến cáo có liên quan đến lối sống, thực phẩm ô nhiễm.
Theo GS-TS Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội Ung thư VN, ung thư có thể phát sinh từ rối loạn bên trong cơ thể như rối loạn nội tiết và yếu tố di truyền (dưới 10%). Còn lại phần lớn phát sinh do các thói quen không có lợi cho sức khỏe.
GS Đức khuyến cáo, ô nhiễm môi trường cũng là yếu tố nguy cơ gây ung thư. Trong đó, chất bảo vệ thực vật cũng là yếu tố nguy cơ gây ung thư vú và một số ung thư khác. Hóa chất sử dụng trong công nghiệp gây ra khoảng 2 - 8% trong số các loại ung thư. Các chất bảo quản, chất nhuộm màu thực phẩm có nguồn gốc hóa học, các chất trung gian chuyển hóa sinh ra từ thực phẩm bị mốc lên men là yếu tố gây ung thư đường ruột (dạ dày, gan, đại tràng).

Gánh nặng tài chính
Theo công bố tại hội thảo, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư ở VN thuộc nhóm thứ 2 trong bản đồ ung thư thế giới, tức là đứng thứ 78 trong 172 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi năm, nước ta phát hiện mới khoảng 160.000 người mắc bệnh ung thư và khoảng 115.000 người tử vong do căn bệnh này.
Tỷ lệ chết do ung thư ở VN là 110 ca/100.000 người. Các tỉnh thành có số người mắc ung thư nhiều nhất là: Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ. PGS-TS Trần Văn Thuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, Giám đốc Bệnh viện K, cho biết có tới 70% bệnh nhân được phát hiện ung thư khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. “Bệnh nhân phát hiện bệnh muộn nên điều trị gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ chữa khỏi ung thư ở các nước phát triển là 80%. Trong nước, tỷ lệ này ở nam giới chỉ là 33% và nữ giới là 40%...”.

tin liên quan

5 loại ung thư thường gặp ở nam giới
Ung thư được xem là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay. Theo thông tin tổng hợp trên Medical Daily dưới đây là một số loại ung thư nam giới nên biết để bảo vệ mình.

Công bố tại hội thảo cho biết, các bệnh ung thư mà nam giới VN mắc nhiều nhất là ung thư phổi, dạ dày, gan và đại trực tràng, với tổng số gần 42.000 ca mắc, chiếm hơn một nửa số bệnh nhân nam mắc 15 loại ung thư mỗi năm. Các bệnh ung thư mà nữ giới nước ta mắc nhiều nhất là ung thư vú, phổi, đại trực tràng và cổ tử cung, với tổng số hơn 30.000 ca mắc, chiếm hơn một nửa số bệnh nhân nữ mắc 13 loại ung thư mỗi năm.
Người bệnh ung thư đang chịu gánh nặng về tài chính. Kết quả nghiên cứu trong các năm gần đây cho thấy, khoảng 1/3 người bệnh ung thư ở nước ta không đủ tiền mua thuốc điều trị sau 12 tháng phát hiện bệnh, 22% không thể thanh toán chi phí đi lại, 24,37% gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt, phải vay mượn, thậm chí gần 9% gia đình phải bán đất đai, chuyển nhà. Trung bình một bệnh nhân ung thư phải bỏ tiền túi ra gần 85 triệu đồng cho điều trị.
Thống kê từ 5 năm trước cho thấy, riêng chi phí chữa 6 loại ung thư: vú, cổ tử cung, gan, đại tràng, khoang miệng và dạ dày đã lên đến gần 26.000 tỉ đồng/năm, ước chiếm 0,22% GDP cả nước.

Thói quen ăn uống không đúng tích tụ gây ung thư
GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư VN, lưu ý: Thói quen ăn uống không đúng lâu ngày tích tụ gây ung thư. Ví dụ ung thư dạ dày liên quan đến chế độ ăn mặn quá. GS Chấn Hùng đặc biệt lưu ý: Đồ chiên nướng, nhất là bị cháy, khét cũng chứa chất gây ung thư. Ăn đồ ăn nhanh làm tăng béo phì, bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư. Ăn bẩn là “dính” các chất độc gây ưng thư. Ăn lành là ăn chất xơ nhiều; không uống nước ngọt, nên uống nước suối, nước chín, hạn chế các thức ăn nhanh, xúc xích, heo muối; không để béo phì nhằm giảm các nguy cơ gây ung thư.
Theo GS Chấn Hùng, một số ung thư đã gặp ở người trẻ. “Ung thư vú trước đây sau 30 tuổi mới thường gặp nhưng nay đã gặp ở tuổi 20 - 21”, GS Chấn Hùng cho biết. Chuyên gia này cũng khuyến cáo nữ giới nên đi khám phụ khoa định kỳ, xét nghiệm tế bào âm đạo; lưu ý đến độ tuổi sau 30 cần tầm soát các ung thư ở nữ: vú, cổ tử cung. “Với ung thư phổi, người hút thuốc nhiều ngoài 40 tuổi nên kiểm tra phổi. Đàn ông khoảng 50 tuổi không bệnh gì cũng nên kiểm tra tiền liệt tuyến. Đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các dấu hiệu sớm”, GS Hùng khuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.