Tham vọng thâu tóm công nghệ lõi của Mỹ bị ngáng chân

06/09/2021 10:15 GMT+7

Thương vụ trị giá 40 tỉ USD của Tập đoàn công nghệ NVIDIA (Mỹ) thâu tóm hãng thiết kế vi xử lý lớn nhất thế giới ARM (Anh) có thể bị ảnh hưởng bởi tranh chấp đang diễn ra tại ARM Trung Quốc .

Thương vụ trên vốn được xem là bước đi quan trọng giúp Mỹ kiểm soát lĩnh vực thiết kế chip - công nghệ lõi quan trọng đối với ngành chip toàn cầu. Qua đó, Mỹ có thể giành nhiều ưu thế trong cuộc cạnh tranh thương mại với Trung Quốc. Cụ thể, Washington có thể tăng cường các biện pháp để ngăn Bắc Kinh tiếp cận các công nghệ chip phục vụ cho nhiều lĩnh vực quan trọng.

Thời gian qua, Mỹ đã ban hành lệnh cấm cung cấp nhiều sản phẩm, bản quyền trong ngành chip đối với Trung Quốc.

Cuộc chiến với kẻ “tay không bắt giặc”

Theo thông tin từ chuyên trang ExtremeTech, tranh chấp xảy ra giữa tập đoàn mẹ ARM, công ty ARM Trung Quốc và Allen Wu - cựu giám đốc điều hành ARM Trung Quốc. Trước đây, Wu hứa giảm giá cho các khách hàng của ARM Trung Quốc nếu họ đầu tư vào Alphatecture - một công ty do chính Wu thành lập. Vụ việc bị vỡ lỡ, Wu bị phế truất khỏi chức giám đốc điều hành.

Tuy nhiên, Wu vẫn giữ con dấu của công ty, vẫn là đại diện pháp lý của ARM Trung Quốc theo quy định của nước này. Wu tuyên bố việc ARM sa thải Wu khỏi vị trí là bất hợp pháp và khởi kiện. Thậm chí Wu được cho là đã thuê vệ sĩ để ngăn người của ARM không thể tiếp cận ARM Trung Quốc.

Wu còn bị cáo buộc rằng đã đánh cắp các IP (những tài liệu sở hữu trí tuệ độc quyền của ARM nhằm thiết kế chip) để từ đó tạo ra những thiết kế chip dưới tên của công ty Wu tại Trung Quốc.

Sau khi cáo buộc được đưa ra, Wu đã không ngần ngại tổ chức sự kiện thành lập công ty mang tên AnMou Technology, tuyên bố sẽ sớm cho ra mắt dòng sản phẩm chip “XPU” với vi xử lý tích hợp trí thông minh nhân tạo (AI), bộ xử lý hình ảnh số và các tính năng bảo mật… như các chip mang kiến trúc của ARM.

Allen Wu đang khiến ARM gặp nhiều khó khăn

Ảnh: Reuters

Trả lời ExtremTech, ARM cho biết vẫn hợp tác thành công với ARM Trung Quốc nhằm thúc đẩy tăng trưởng, cả về cấu trúc công ty lẫn quyền sở hữu của Liên doanh sẽ không thay đổi kể từ khi thành lập năm 2018.

Về mặt chính danh, ARM Trung Quốc đã độc lập khỏi ARM kể từ khi họ quyết định bán 51% cổ phần cho các nhà đầu tư Trung Quốc nhằm thành lập một công ty liên doanh. ARM Trung Quốc sau đó được cho là đã bắt đầu phát triển thiết kế chip riêng, công bố NPU (Bộ vi xử lý mô phỏng thần kinh) tự phát triển cũng như bộ vi xử lý Star dựa trên Cortex M của ARM.

AnMou Technologies đã phủ nhận cáo buộc đánh cắp IP của ARM và phát hành kiến trúc phát triển chip mới với danh nghĩa công ty riêng.

Rủi ro khó lường

Theo thông tin từ tờ Financial Times, Wu đang nắm giữ cổ phần của 4 trong số 6 công ty Trung Quốc thuộc liên doanh với ARM. Giá trị của liên doanh hiện tại đã chạm mốc 7,5 tỉ USD, tăng gấp 5 lần kể từ khi liên doanh được thành lập hồi 2018 và Wu dựa vào luận điểm này để củng cố cho tranh chấp với ARM khi thương vụ bán lại cho NVIDIA được công bố.

Chính vì thế, Wu có thể lợi dụng tình hình hiện tại để mặc cả với ARM hoặc NVIDIA nhằm dàn xếp vụ tranh chấp. Điều này dẫn tới một số thủ tục pháp lý liên quan ARM có thể kéo dài tại Trung Quốc.

Thêm vào đó, từ ảnh hưởng của lệnh cấm từ Washington, Bắc Kinh có thể sẽ tìm cách gây khó khăn hơn cho NVIDIA trong thương vụ trên. Thậm chí, kịch bản xấu nhất là Allen Wu có thể đưa ARM Trung Quốc tách hoàn toàn tập đoàn mẹ nếu NVIDIA không phải là người mua duy nhất. Khi đó, nhiều bản quyền thiết kế của ARM có thể sẽ tiếp tục ở lại Trung Quốc khiến tham vọng của Mỹ bất thành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.