'Thành phố bọt biển' Trung Quốc vì sao vẫn ngập nặng?

'Thành phố bọt biển' Trung Quốc vì sao vẫn ngập nặng?

La Vi
La Vi
21/08/2023 15:00 GMT+7

Trung Quốc đã hứng chịu những trận lũ lụt tàn khốc trong những tuần gần đây, làm ngập các thành phố trong nước, gây chết người và làm hư hại cơ sở hạ tầng quan trọng. Những thiệt hại đặt ra câu hỏi nghiêm túc về tính hiệu quả của sáng kiến thành phố bọt biển của nước này.

Thành phố bọt biển là dự án được thiết kế để tăng khả năng chống chịu lũ lụt ở các khu vực đô thị của Trung Quốc.

Nhưng hiệu quả của dự án này đang được xem xét lại sau khi lũ lụt tàn phá nhiều thành phố trong những tuần gần đây.

Thời tiết khắc nghiệt đã gây ra nhiều thiệt hại nhân mạng, phá hủy nhà cửa và cơ sở hạ tầng.

Vậy kế hoạch thành phố bọt biển là gì và tại sao nó không hiệu quả?

Xuất phát ý tưởng?

Trung Quốc từ lâu đã tìm cách cải thiện phương án chống chọi thời tiết khắc nghiệt.

Quá trình đô thị hóa chóng mặt đã để lại những dải đất rộng lớn phủ bê tông không thấm nước, thường chạy dọc theo bờ các con sông lớn lâu nay vốn là các bãi bồi. Khi những vùng đất ngập nước được trải nhựa và không còn nơi nào để lượng nước dư ngấm xuống, tình trạng ngập úng và lũ lụt là dễ hiểu.

Các thành phố bọt biển được thiết kế để sử dụng nhiều hơn các giải pháp dựa trên thiên nhiên có tác động thấp hơn đến môi trường. Về cơ bản, dự án này cho phép phân phối nước tốt hơn và cải thiện hệ thống thoát nước và trữ nước.

Kế hoạch thành phố bọt biển bao gồm việc sử dụng nhựa đường thấm, xây dựng kênh và ao mới, cũng như khôi phục vùng đất ngập nước. Mục tiêu là giảm ngập úng và cải thiện môi trường đô thị nói chung.

Và đối với Trung Quốc, nhu cầu tìm ra giải pháp đã tăng lên. Dữ liệu năm 2018 cho thấy 641/654 thành phố quy mô lớn và vừa dễ bị lũ lụt và ngập úng.

Sáng kiến thành phố bọt biển của Trung Quốc có thực sự hiệu quả? - Ảnh 1.

Một kho sách bị ngập sau mưa lũ ở thành phố Trác Châu, tỉnh Hà Bắc

REUTERS

Trung Quốc đã làm gì?

Các nghiên cứu cho thấy nhiều sáng kiến thí điểm tại địa phương đã có tác động tích cực.

Tuy nhiên, việc triển khai rộng rãi lại mang tính chắp vá.

Chỉ có 30 thành phố bọt biển thí điểm được chọn vào năm 2015 và 2016.

Theo các nhà nghiên cứu, chỉ có 64 trong số 654 thành phố của Trung Quốc đưa ra luật để thực hiện các hướng dẫn về thành phố bọt biển vào năm ngoái, và chính phủ cho đến nay đã ít chú ý đến kế hoạch này.

Các nhà nghiên cứu kêu gọi cần soạn thảo văn bản luật quốc gia càng sớm càng tốt.

Thành phố bọt biển có hạn chế gì?

Cho dù có được thực hiện nghiêm chỉnh thì các thành phố bọt biển cũng không thể ngăn chặn thảm họa năm nay. Các chuyên gia tin rằng cơ sở hạ tầng của các thành phố này chỉ có thể xử lý lượng mưa khoảng 20 cm mỗi ngày.

Ví dụ, TP. Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam là một trong những nơi tiên phong tích cực nhất trong việc xây dựng thành phố bọt biển. Nơi đây đã phân bổ hơn 8 tỉ USD cho chương trình từ năm 2016-2021. Nhưng vào tháng 7.2021, lượng mưa đã dâng lên tới 20 cm trong 1 giờ.

Còn có những yếu tố nào khác?

Chính quyền cũng đang hụt hơi đuổi theo biến đổi khí hậu. Ở các thành phố miền bắc, nơi thường khô ráo, năm nay lại chịu mưa lớn, nhưng các thành phố bọt biển ở đây lại ít phát triển.

Các quan chức cảnh báo Trung Quốc đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu, do dân số đông và nguồn cung cấp nước phân bố không đồng đều.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.