Đây là khẳng định của trung tướng Lê Chiêm, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề: “Toàn quốc kháng chiến - Ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử (19.12.1946 - 19.12.2016)” do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 25.11.
Theo trung tướng Lê Chiêm, ngày 19.12.1946, đã đi vào lịch sử dân tộc ta như một mốc son sáng ngời về tinh thần yêu nước quật khởi, ý chí kiên cường đấu tranh giữ vững độc lập tự do.
Những nỗ lực vãn hồi hòa bình của VNDCCH những năm 1945 - 1946
Theo đại tá, PGS-TS Hồ Khang, nguyên Phó viện trưởng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, ngay sau khi vừa giành độc lập 1945, nước Việt Nam mới đã phải đối diện với tình thế hết sức hiểm nghèo. Đó là tình trạng "thù trong, giặc ngoài" cùng những thách thức, khó khăn về kinh tế, tài chính, văn hóa - xã hội, đặt chính quyền cách mạng non trẻ vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
|
Song song với đó, Chính phủ VNDCCH tích cực tranh thủ sự ủng hộ của các nước lớn, nhất là hai nước Anh và Mỹ. Cùng chung ý thức hệ, ngay từ những ngày đầu giành độc lập, Chính phủ VNDCCH tìm mọi cách liên lạc với Liên Xô. Để giành ủng hộ của Mỹ và các nước phương Tây khác, tháng 11.1945, Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định tự giải tán, nhằm “phá tan tất cả những điều hiểu lầm ở ngoài nước và ở trong nước có thể trở ngại cho tiền đồ giải phóng của nước nhà”.
Đối với nước Pháp, ngay sau ngày Việt Nam giành độc lập, VNDCCH đã tích cực và thiện chí tìm kiếm giải pháp thương lượng nhằm giải quyết quan hệ Việt - Pháp, luôn bày tỏ mong muốn xây dựng quan hệ thân thiện giữa hai nước Việt Nam và Pháp; khẳng định sẵn sàng tôn trọng những quyền lợi kinh tế, văn hóa, quân sự của Pháp trên đất Việt Nam. Một trong những cố gắng nhằm vãn hồi hòa bình quan trọng của Chính phủ VNDCCH là chuyến thăm nước Pháp kéo dài hơn 4 tháng (từ 31.5 - 20.10.1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
|
Theo PGS-TS Hồ Khang, bỏ qua cơ hội lịch sử thiết lập những quan hệ hợp tác bình đẳng giữa Pháp và Việt Nam, Chính phủ Pháp đã làm vỡ tan hy vọng cuối cùng về một nền hoà bình ở Đông Dương, đẩy những người lính Pháp vào cuộc chiến vô nghĩa.
“Cơ hội hòa bình bị bỏ lỡ ở những năm tháng đó có giá trị thức tỉnh và soi rọi cho không chỉ cho những ngày đã qua mà còn cho hiện tại nóng bỏng hôm nay, khi những thách thức và cơ hội, những khả năng hợp tác, đấu tranh luôn thường trực và đan xen nhau. Nó nhắc nhở ta nhìn về lịch sử để càng thêm trân quý hòa bình”, tham luận của PGS-TS Hồ Khang viết.
Cuộc chiến tranh đã bắt đầu như thế nào?
Theo thiếu tướng, PGS-TS Trịnh Vương Hồng, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, từ lâu, nhiều tác giả, gồm nhà khoa học, chính khách, tướng lĩnh trong đó nhiều người là nhân chứng của sự kiện, vẫn đi tìm lời giải cho câu hỏi cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (theo cách gọi của học giả phương Tây) vào cuối năm 1946 đã bắt đầu như thế nào?
|
TS Trịnh Vương Hồng cho rằng, một số tác giả nước ngoài đổ lỗi cho Việt Nam tiến công trước, “đánh trước”, là bên “gây chiến”. Thực tế, luận điểm này là hệ quả của việc (vô tình hoặc hữu ý) đã cắt rời diễn trình lịch sử khi chỉ tập trung vào thời điểm cuối năm 1946 và chú ý hiện tượng, chưa đi sâu vào bản chất sự việc để nghiên cứu.
Theo TS Trịnh Vương Hồng, trong cuốn sách Việt Nam 1946 - chiến tranh bắt đầu như thế nào? (2008), nhà nghiên cứu Stein Tonnesson (Na Uy) đã phơi bày thái độ của các nhà chức trách Pháp tại Đông Dương quyết tâm chà đạp lên chủ quyền của nước VNDCCH, từ chối đề nghị đàm phán và cố tình dồn Việt Nam vào chân tường. Ý đồ đen tối của họ là muốn phía Việt Nam nổi giận, tạo cho giới chức Pháp tại Đông Dương cái cớ mà họ cần để kéo nước Pháp vào chiến tranh.
Theo TS Trịnh Vương Hồng, việc chủ động mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc kháng Pháp cách đây 70 năm thể hiện ý chí kiên quyết bảo vệ độc lập tự do của toàn dân tộc, phản ánh trình độ giác ngộ chính trị, tinh thần sẵn sàng cứu nước của quân và dân ta; thể hiện sự nhạy bén cách mạng của T.Ư Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc sớm phát hiện nguy cơ chiến tranh, xác định quyết tâm kháng chiến đi đôi với thái độ thiện chí kiên trì giữ gìn hòa bình, lãnh đạo/chỉ đạo quân và dân cả nước chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc chiến.
Trong tham luận về thái độ của các cường quốc trước việc thực dân Pháp tái chiếm Đông Dương, GS Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phân tích về sự “im lặng không khó hiểu” của Liên Xô thời điểm đó.
Theo Hiệp ước Potsdam, Hồng quân Liên Xô vào miền Bắc vĩ tuyến 38, quân Mỹ vào miền Nam bán đảo Triều Tiên nên ở Việt Nam, Liên Xô chỉ có đại diện trong các phái bộ đồng minh. Người đại diện Liên Xô là sĩ quan cấp tá Stephane Solosieff, một cán bộ chính trị của Moscow.
Về thái độ của Liên Xô đối với việc Pháp muốn trở lại Đông Dương, Solosieff nêu quan điểm: người Pháp sẽ phải đi theo một đường lối rút lui dần mà không thể chủ trương quay trở lại nguyên trạng như trước. Nhưng người Việt Nam chưa sẵn sàng cho một nền độc lập hoàn toàn và đang còn cần sự bảo trợ của một nước lớn.
|
Do vậy, Liên Xô không muốn đụng chạm đến quyền sở hữu thuộc địa của Anh và Pháp, nhất là vào tháng 12.1944, Liên Xô đã ký với Pháp bản Hiệp ước quy định không nước nào tham gia liên minh chống lại bên kia. Đó là lý do giải thích vì sao Liên Xô giữ thái độ im lặng trước những biến động ở Việt Nam mặc dầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho nguyên thủ các nước Đồng minh, trong đó đương nhiên có Liên Xô.
tin liên quan
Những chí sĩ tham gia Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Khâm sai đại thần Phan Kế Toại - Liêm chính, an dânKhâm sai đại thần Phan Kế Toại 'lên ngàn' kháng chiến và được giữ nhiều trọng trách trong Chính phủ: Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao...
Sự kiện tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 11.1945) dù là biện pháp sách lược nhưng cũng làm tăng mối hoài nghi của Moscow. “Tháng 1.1950, do nhiều biến động trên trường quốc tế và do thế và lực cuộc chúng ta đã khác trước nên Liên Xô mới chính thức công nhận VNDCCH, giúp đỡ cho nhân dân ta kháng chiến”, GS Vũ Dương Ninh cho biết.
Tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”... vẫn vẹn nguyên trong mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội
Trong tham luận gửi đến hội thảo, đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng khẳng định kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946 - 19.12.2016) là dịp ôn lại và tự hào về truyền thống của dân tộc, về những ngày tháng hào hùng mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Theo đại tướng Ngô Xuân Lịch, tuy sự kiện lịch sử trọng đại này đã lùi xa, song ý chí sắt đá, tinh thần quyết tâm “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, sẵn sàng “hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”, “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”... vẫn vẹn nguyên trong mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội. “Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xây dựng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, tạo cơ sở cho việc thực hiện quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống...”, tham luận viết. |
Bình luận (0)