Kêu cứu vì tài xế dùng tiền lẻ đóng phí qua trạm

05/08/2017 11:03 GMT+7

Công ty TNHH BOT đầu tư QL1 Tiền Giang gửi đơn cầu cứu công an tỉnh, Sở GTVT và UBND các huyện vì một số tài xế cố tình dùng tiền lẻ trả phí khi đi qua trạm thu phí, gây khó cho nhà đầu tư.

Chiều 4.8, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH BOT đầu tư QL1 Tiền Giang, chủ đầu tư dự án BOT tuyến tránh TX.Cai Lậy, cho biết đơn vị đã gửi đơn cầu cứu công an tỉnh, Sở GTVT và UBND các huyện vì một số tài xế cố tình dùng tiền lẻ trả phí khi đi qua trạm, gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Theo đó, từ ngày 1 - 3.8, có 7 phương tiện qua trạm dùng tiền lẻ mệnh giá 200, 500, 1.000 đồng vo tròn để trong chai nhựa, túi nhựa hoặc đưa từng tờ tiền lẻ rồi buộc nhân viên kiểm đếm lại nhiều lần.
Không chỉ vậy, một vài tài xế còn có lời lẽ không đúng mực gây ức chế tâm lý cho nhân viên, cố tình kéo dài thời gian mỗi lần qua trạm thêm gần 7 phút.
Cũng theo ông Hiệp, Trạm thu phí tuyến tránh TX.Cai Lậy hoạt động từ ngày 1.8, với 85 nhân viên phục vụ, mức phí mỗi lượt từ 35.000 - 180.000 đồng.
Giải thích về việc dư luận cho rằng vị trí đặt trạm không hợp lý vì nhiều người không sử dụng đường tránh cũng bị thu phí suốt tuyến và mức thu phí quá cao so với mức phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, ông Hiệp nói: “Việc đặt trạm thu phí không phải do chủ đầu tư muốn đặt đâu thì đặt. Thứ nhất, muốn đặt phải được UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT, Bộ Tài chính đồng ý. Thứ hai, việc đặt trạm do một đơn vị tư vấn độc lập của Bộ GTVT thuê, sau khi đo đạc lưu lượng xe đưa đến thống nhất vị trí đặt trạm, nên chủ đầu tư chỉ thực hiện theo mà thôi”.
Còn về giá thu phí, chủ đầu tư lý giải thu theo thông tư của Bộ Tài chính ban hành. “Vì dự án BOT Cai Lậy chỉ thu phí rút ngắn trong vòng 6 năm, 4 tháng, 29 ngày - ít hơn so với nhiều dự án thu phí hàng chục năm, nên giá thu phí cao. Nếu chúng ta tính toán lại thì số tiền thu phí đó sẽ tương đương nhau”, ông Hiệp nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.