Chị Quỳnh Anh, cư dân ở tầng 22 của một chung cao tầng phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho biết khoảng 7 giờ kém 5 sáng nay, 21.11, khi đang chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả gia đình, thì bỗng thấy hoa mắt chóng mặt, mọi vật chao đảo.
“Nghĩ là mình chưa ăn sáng, bị tụt huyết áp nên tôi lên giường nằm. Tuy nhiên, nhìn lên trần nhà vẫn thấy đèn chùm rung rinh. Tôi gọi điện cho chồng tôi, anh ấy nói mọi người đứng chờ thang máy còn phải bám vào tường, khả năng bị động đất. Cảm giác rung lắc kéo dài khoảng gần 1 phút. Tôi về sống ở đây 5 năm, nhưng đây là lần chứng kiến ảnh hưởng động đất mạnh nhất, thời gian lâu nhất từ trước đến nay”, chị Quỳnh Anh cho biết.
Không chỉ người dân đang sống trên các chung cư cao tầng ở khu vực quận Hai Bà Trưng cảm nhận được rung lắc, ở các khu vực khác như quận Thanh Xuân, Đống Đa cũng cảm nhận được.
Chị Minh Thu, sinh sống tại tầng 32 một chung cư ở phố Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, cho hay: “Mấy hôm nay trời lạnh, nhà tôi đóng cửa ra ban công, nhưng sáng nay chiếc mành treo gió bỗng đung đưa phát ra tiếng kêu liên hồi. Tôi còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, thì hàng xóm gọi điện hỏi thăm. Lên mạng thì thấy mọi người nói là bị động đất, nên rất hoang mang”.
|
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết nguyên nhân của hiện tượng này có thể là do ảnh hưởng của trận động đất 6,1 độ richter tại tỉnh Sayaboury (Lào ) 6 giờ 50 giờ địa phương sáng 21.11, độ sâu chấn tiêu là 38 km.
"Trung tâm Báo tin động đất và sóng thần vẫn đang theo dõi, thu thập số liệu về trận động đất này. Người dân cần bình tĩnh, không nên quá lo lắng”, ông Xuân Anh khuyến cáo.
Theo ông Xuân Anh, vào lúc 15 giờ 32 phút chiều qua, 20.11, trận động đất mạnh 4,2 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 19.172 độ vĩ Bắc - 105.133 độ kinh Đông, với độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km, thuộc địa phận huyện Tân Kỳ, Nghệ An.
Người dân các huyện: Đô Lương, Nghĩa Đàn, Yên Thành cảm nhận được rung chấn, nhưng chưa ghi nhận có thiệt hại do động đất gây ra.
Bình luận (0)