Ứng xử ra sao với vụ Facebook kiện 4 tin tặc người Việt ?

04/07/2021 06:25 GMT+7

Thông tin mạng xã hội Facebook kiện 4 người Việt Nam lên tòa án quận tại TP.Oakland (bang California, Mỹ), với cáo buộc chạy quảng cáo trái phép 36 triệu USD trên nền tảng Facebook, đang gây chú ý cho cộng đồng người Việt Nam.

4 người Việt bị Facebook cáo buộc là: N.H.T, L.K, N.Q.B và P.H.D. Theo Facebook, nhóm này đã tạo ra phần mềm “Ads Manager for Facebook”, đưa vào kho ứng dụng Play store của Google, đồng thời giới thiệu đây là giải pháp thay thế cho ứng dụng quản lý quảng cáo của Facebook. Khi người dùng mạng xã hội đăng nhập vào app này, 4 người Việt Nam nói trên “qua mặt” Facebook, điều khiển tài khoản của khách hàng. Từ việc kiểm soát được tài khoản quảng cáo, nhóm đã sử dụng chúng để chạy quảng cáo trái phép, trong khi khách hàng (nạn nhân) là người trả tiền cho các quảng cáo.
Facebook đã phải hoàn lại 36 triệu USD cho các nạn nhân. Trong đơn kiện, mạng xã hội lớn nhất thế giới chỉ ra việc làm của nhóm tin tặc đã vi phạm nhiều điều trong bộ luật Hình sự của California, như truy cập trái phép vào dữ liệu cũng như hệ thống máy tính của Facebook; sử dụng trái phép dữ liệu của Facebook để thực hiện các hành vi giả mạo, lừa đảo, chiếm đoạt tiền, tài sản, dữ liệu..., và đòi bồi thường ít nhất là 36 triệu USD.
Với vụ việc này, nếu như tòa án ở Mỹ phán quyết 4 người bị kiện phạm tội, thì việc thi hành bản án sẽ như thế nào?

N.T.H khoe xe sang, ngày 29.3.2020

Việt Nam công nhận bản án của nước ngoài

Đơn kiện của Facebook đang được phía tòa án Mỹ xem xét. Vậy trách nhiệm pháp lý của 4 người Việt Nam này như thế nào, nếu Mỹ xác định đây là một vụ án hình sự chứ không chỉ đơn thuần là kiện dân sự; và liệu 4 người bị quy kết có bị dẫn độ sang Mỹ để xét xử hoặc thi hành án hay không?
Luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch Công ty luật TAT, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, việc dẫn độ tội phạm giữa 2 nước phải đảm bảo phù hợp với những điều khoản đã ghi trong Hiệp định tương trợ tư pháp. Đồng thời, phải đáp ứng điều kiện dẫn độ và không thuộc các trường hợp từ chối dẫn độ.
“Thực tế Việt Nam và Mỹ chưa ký kết bất kỳ hiệp định tương trợ tư pháp song phương nào, nên dẫn độ tội phạm (nếu có) sẽ thực hiện theo nguyên tắc “có đi có lại” (tức nếu tòa án tại Mỹ đã công nhận bản án của tòa án Việt Nam thì Việt Nam có thể công nhận bản án của tòa án tại Mỹ) nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế (khoản 2, điều 492, bộ luật Tố tụng hình sự - BLTTHS 2015). Song, Việt Nam vẫn có thể từ chối dẫn độ theo quy định tại điều 35, luật Tương trợ tư pháp của Việt Nam”, luật sư Tú nêu.
Luật sư Tú phân tích thêm, nếu Việt Nam từ chối dẫn độ, nhưng vẫn có 2 trường hợp có thể xảy ra đối với nhóm 4 người Việt trên, đó là “theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có trách nhiệm xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc cho thi hành bản án, quyết định hình sự của tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ”, theo điều 498, BLTTHS 2015.
Theo đó, bản án của tòa án nước ngoài có thể được thi hành tại Việt Nam khi có đủ các điều kiện: có văn bản yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; hành vi phạm tội mà công dân Việt Nam bị kết án ở nước ngoài cũng cấu thành tội phạm theo quy định của bộ luật Hình sự của Việt Nam; bản án, quyết định hình sự của tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật và không còn thủ tục tố tụng nào đối với người đó.
Ứng xử ra sao với vụ Facebook kiện 4 tin tặc người Việt ?

N.Q.B khoe ảnh trên du thuyền, ngày 30.12.2020

Nguyên tắc xác định hiệu lực áp dụng luật hình sự

Trao đổi thêm với Thanh Niên, thạc sĩ Võ Văn Tài (giảng viên Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP.HCM) chia sẻ, mỗi quốc gia đều có nguyên tắc xác định hiệu lực áp dụng luật Hình sự. Trong đó, có 2 nguyên tắc mà quốc gia nào cũng có. Thứ nhất, là nguyên tắc lãnh thổ: tội phạm được thực hiện ở đâu thì luật Hình sự của quốc gia đó có hiệu lực áp dụng, họ được quyền điều tra xử lý hành vi và người phạm tội theo luật Hình sự của họ. Thứ hai, là nguyên tắc quốc tịch: công dân của quốc gia cho dù thực hiện hành vi phạm tội trong lãnh thổ quốc gia hay bên ngoài lãnh thổ quốc gia, thì luật Hình sự quốc gia đều có hiệu lực thực hiện. Tức công dân Việt Nam sống ở đâu nhưng đang mang quốc tịch Việt Nam thực hiện hành vi mà theo luật Hình sự Việt Nam là tội phạm, thì luật Hình sự Việt Nam vẫn có hiệu lực áp dụng. Ngoài ra, còn có nguyên tắc áp dụng quốc tịch theo người bị hại, tức người bị hại là quốc gia nào thì luật Hình sự quốc gia đó vẫn có hiệu lực áp dụng.
“Căn cứ nguyên tắc lãnh thổ và quốc tịch, luật Hình sự Mỹ và Việt Nam vẫn có hiệu lực áp dụng.
Và khi xảy ra xung đột về quyền tài phán, thì sẽ ưu tiên nguyên tắc lãnh thổ, tội phạm xảy ra ở đâu thì ưu tiên quốc gia đó tiến hành điều tra, làm rõ, xử lý.
Vì vậy trong vụ này, nếu Mỹ đang tiến hành xử lý thì Việt Nam ưu tiên, chờ kết quả, không được xử lý song trùng”, thạc sĩ Tài nhấn mạnh.
Cũng theo ông Võ Văn Tài, sau khi phía Mỹ xử lý hành vi của 4 người Việt Nam bằng một bản án, quyết định và khi có yêu cầu của Mỹ, Việt Nam sẽ xem xét cho công nhận và thi hành bản án, quyết định của Mỹ tại Việt Nam. Trường hợp phía Mỹ không xử lý trên lãnh thổ của họ, mà chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc và yêu cầu Việt Nam xem xét, giải quyết thì Việt Nam sẽ tiến hành các thủ tục tố tụng điều tra, truy tố, xét xử nếu hành vi của 4 người này phạm tội.

A05 cũng đang xác minh sự việc

Nhiều bạn đọc thắc mắc sự việc xảy ra tại nước ngoài, đối tượng liên quan là người Việt Nam, vậy nếu sự việc có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan tiến hành tố tụng tại Việt Nam có thể xem xét trách nhiệm hình sự những đối tượng này theo quy định của pháp luật Việt Nam hay không.
Hôm qua 3.7, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, cơ quan công an cũng đang xác minh làm rõ thông tin một nhóm người đang sinh sống tại Việt Nam bị Facebook kiện về việc sử dụng kỹ thuật gọi là “chiếm quyền điều khiển cookie” để chạy quảng cáo phi pháp, gây thiệt hại cho Facebook hơn 36 triệu USD. “Hiện đã xác định được 1 đối tượng trong nhóm 4 người Việt bị Facebook kiện. Vụ việc vẫn đang được xác minh”, nguồn tin cho hay.
Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05, Bộ Công an), nguyên tắc xử lý vụ án hình sự là người phạm tội hoặc khách thể bị xâm hại phải có quốc tịch Việt Nam và đang ở Việt Nam; hậu quả xảy ra tại Việt Nam, hành vi phạm tội xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam...
Trong vụ 4 người Việt Nam bị Facebook cáo buộc, thiệt hại xảy ra ở Mỹ, đối tượng thực hiện hành vi ở Việt Nam và hiện đang ở Việt Nam, thì Việt Nam vẫn có thể xử lý hình sự nếu hành vi đó cấu thành tội phạm theo luật Việt Nam. Việc xử lý sẽ theo yêu cầu của Facebook hoặc của tòa án, cảnh sát Mỹ thông qua Interpol Việt Nam.
“Trong trường hợp cơ quan công an ở Việt Nam phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm và quyết định điều tra, thì vẫn xử lý hình sự nhóm đối tượng này bình thường theo luật Hình sự Việt Nam. Tuy nhiên, hậu quả xảy ra ở Mỹ thì việc điều tra sẽ gặp khó khăn nên cần đến sự hỗ trợ của Mỹ thông qua các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và nước sở tại”, A05 cho biết.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.